Sự trở lại ấn tượng của “Tiếng hò sông Hậu”

07/02/2025 - 17:05

PNO - Các nghệ sĩ trẻ của Đoàn 2 nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã thành công trong vở diễn “Tiếng hò sông Hậu” (soạn giả: Điêu Huyền, đạo diễn: nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hoa Hạ) để lại nhiều ấn tượng với khán giả.

Tiếng hò sông Hậu
Tiếng hò sông Hậu tái hiện sinh động cuộc sống chịu nhiều áp bức đến "tức nước vỡ bờ" của người nông dân Nam Bộ

Tiếng hò sông Hậu là một trong những vở cải lương đề tài cách mạng rất được yêu thích, nhất là với khán giả ở miền Tây Nam Bộ. Vở diễn lấy cảm hứng từ công cuộc vùng lên đấu tranh của những người nông dân Nam Bộ trước ách áp bức, bóc lột của thực dân và tay sai, góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam độc lập.

Bên cạnh câu chuyện lịch sử đầy quật khởi, vở diễn cũng để lại hình tượng các nhân vật vô cùng sống động, đưa những anh Chơn, anh Thừa, hội đồng Dư, cô Ba Phượng, thầy Ba Năng, cọp rằn Lựu… lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả mộ điệu.

Vì thế, tái dựng Tiếng hò sông Hậu, không chỉ là nỗ lực đưa một vở cải lương hay trở lại với công chúng mà còn tạo cơ hội để lực lượng diễn viên trẻ “nâng cao tay nghề” và khẳng định năng lực. Các nghệ sĩ đoàn 2 nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đều bày tỏ sự trân trọng cơ hội này. Với sự dàn dựng hướng đến đối tượng khán giả trẻ, chú trọng cảm xúc chân thực từ chính người nghệ sĩ của đạo diễn Hoa Hạ, các nghệ sĩ cũng cởi bỏ áp lực mà sáng tạo nhân vật theo cách riêng của mình.

Nhiều người nhận định, phiên bản Tiếng hò sông Hậu năm 2025 đã có những lựa chọn phù hợp nhất cho các vai diễn, với: NSƯT Lê Tứ trong vai Thừa, NSƯT Thu Vân - Lài, các nghệ sĩ Điền Trung - hội đồng Dư, Hà Như - bà Tư Hậu, Hoàng Hải - Chơn, Nhã Thy - cô Ba Phượng, Văn Hợp -thầy Ba Năng, Trọng Hiếu - tòa Sang…

NS ƯT Lê Tứ
Đảm nhận vai Thừa, NSƯT Lê Tứ xử lý "rất ngọt" các bài ca khó từng được viết "đo ni đóng giày" cho NSƯT Giang Châu. NSƯT Hoa Hạ nhận định, hiện tại, ngoài Lê Tứ ra, khó ai có thể đảm nhận vai diễn đặc sắc này.
Hội đồng Dư của Điền Trung
Hội đồng Dư cũng là vai diễn được chờ đợi và đã được nghệ sĩ Điền Trung thể hiện với chất hóm hỉnh rất riêng của mình
Nghệ sĩ Văn Hợp và Nhã Thy
"Khí chất" của Văn Hợp và Nhã Thy hoàn toàn phù hợp với vai thầy Ba Năng và cô Ba Phượng. Đặc biệt, vai cô Ba Phượng của Nhã Thy cũng được nhấn nhá thêm giúp nghệ sĩ có thêm không gian để phát huy diễn xuất.
Lài và bà Tư Hậu
Lài và bà Tư Hậu là 2 nhân vật tiêu biểu cho những người phụ nữ Nam Bộ chịu thương chịu khó mà vô cùng cứng cỏi, sẵn sàng hy sinh vì chồng con. NSƯT Thu Vân và nghệ sĩ Hà Như đã phát huy giọng ca và diễn xuất truyền cảm cho 2 nhân vật nhiều cảm xúc này.
Vai Chơn
Vai Chơn là một nỗ lực lớn của Hoàng Hải khi lần đầu anh đảm nhận vai chính trong một vở cải lương đề tài cách mạng

“Rõ ràng, không thể so sánh với các bậc tiền bối đi trước, cũng đều là các thần tượng trong lòng chúng tôi. Nhưng cơ hội được tham gia và làm mới một tác phẩm đã đi vào lòng công chúng bao thế hệ như Tiếng hò sông Hậu là một cách để nghệ sĩ trẻ học hỏi và nâng cấp bản thân. Cả ê kíp vở diễn, nhất là các bạn trẻ đều đã cố gắng và tiến bộ so với chính mình. Ở đó, chúng tôi học tập tinh hoa từ người đi trước nhưng vẫn nỗ lực và tự tin làm nên các nhân vật của riêng mình” - nghệ sĩ Điền Trung - Phó trưởng Đoàn 2 nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - chia sẻ.

Tiếng hò sông Hậu có tiết tấu nhanh, nhiều kịch tính và cao trào hấp dẫn

Với nội dung kịch tính, nhiều cao trào và cả tình huống hài hước, Tiếng hò sông Hậu hoàn toàn không khô cứng như định kiến về các vở diễn đề tài cách mạng mà đây còn là vở diễn hấp dẫn, hợp thị hiếu khán giả trẻ. Nghệ sĩ Điền Trung cho biết, sẽ tìm cách kết nối, đưa vở đến với khán giả sinh viên trong thời gian tới.

Đông đảo khán giả đến ủng hộ vở cải lương Tiếng hò sông Hậu vào đêm mùng Chín tết

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI