Sự tra tấn của những chú cừu im lặng nhẫn tâm

26/11/2018 - 07:18

PNO - Ít ai nghĩ đến 23 học sinh vừa thay cô giáo thực hiện hình phạt dã man đó, để nhận ra rằng các em đang bị người lớn biến thành những chú cừu im lặng và tàn nhẫn đến độc ác.

Sau vụ giáo viên dạy toán ở tỉnh Quảng Bình ra lệnh cho một tập thể học sinh lớp Sáu phải “xử” bạn cùng lớp tổng cộng 230 cái tát và cô thêm 1 cái, đến mức nhập viện, dư luận một lần nữa lại được dịp buông những lời cay nghiệt xuống người làm nghề được xã hội vẫn tôn vinh bấy lâu. Mọi sai trái, lỗi lầm vẫn được quy về người giáo viên bởi thứ hình phạt mà cô này đã đưa ra với mục đích răn dạy học trò của mình. Ít ai nghĩ đến 23 học sinh vừa thay cô giáo thực hiện hình phạt dã man đó, để nhận ra rằng các em đang bị người lớn biến thành những chú cừu im lặng và tàn nhẫn đến độc ác.

Su tra tan cua nhung chu cuu im lang nhan tam
Nam sinh phải nhập viện sau khi bị bạn tát 230 cái theo lệnh cô giáo 

Việc này làm tôi chợt nhớ lần buộc phải phân xử vụ "choảng" nhau giữa hai đứa trẻ nhà mình. Lúc đó, tôi hỏi đứa lớn (đang khóc vì bị em cắn vào tay): “Nếu mẹ cho phép con cắn lại em để em hiểu rằng con đã đau như thế nào, thì con có cắn em không?”. Con bé lắc đầu: “Dạ không, con sợ em đau“. “Vậy thì trả thù không phải là cách, nên mình sẽ chọn cách tha thứ cho em mình chứ?”. “Dạ”. Con bé gạt nước mắt và thôi không còn ấm ức vì vết cắn của em nữa. Tôi thấy mình may mắn và thầm cám ơn con đã không chọn phương án trả thù, không chỉ vì tình máu mủ ruột thịt lớn hơn mọi hiềm khích, mà vì con phân biệt được bạo hành là sai trái. Vì thế, con sẽ không chọn đứng về phía nó. 

Giá như 23 học sinh kia cũng nhận ra một điều: việc tát bạn là hành động hoàn toàn không đúng đắn và sẵn sàng chọn cách không thỏa hiệp với nó, thì người bạn tội nghiệp của các em đã không phải nhập viện sau khi ăn đủ 231 cái tát, vùng má bị sưng tím, phần mềm phía ngoài bị tổn thương, há miệng bị hạn chế, nhai và ăn đều khó khăn vì đau đớn...

Nhà tư tưởng Ấn Độ Gandhi từng nói: “Quyền lực chỉ có sức mạnh khi chúng ta đồng ý với nó”. Sự thỏa hiệp của 23 học sinh trước hình phạt của cô giáo dành cho bạn mình, chính là một sự đồng ý vô cùng nhẫn tâm. Nếu trong số 23 bạn ra tay tát bạn mình hôm đó, có những bạn đã từng xảy ra hiềm khích với nạn nhân, thì đây chả phải là dịp được trút bỏ uất ức của mình hay sao? Bằng hình phạt này, giáo viên đã gián tiếp biến các em trở thành kẻ thù của nhau và xử lý nhau một cách hợp pháp dưới sự “bảo kê” tàn nhẫn của mình. Đến mức này, hình phạt của cô không còn là hình phạt nữa, nó đã biến thành sự tra tấn dã man và kinh tởm, hủy hoại nhân cách học trò và mối quan hệ bạn bè vốn dĩ trong sáng trước đó.

Có thể 23 em học sinh trong lớp học ở Quảng Bình nhận ra việc tát bạn là hành động không nên làm, nhưng chính sự sợ hãi quyền lực đã biến các em trở thành những chú cừu im lặng nhẫn tâm, để rồi chọn cách thực thi mệnh lệnh của giáo viên thay vì lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Có lẽ đây mới là điều phụ huynh chúng ta cần chỉnh đốn lại con em mình, thay vì tập trung đổ lỗi cho giáo viên, nhà trường và cả một nền giáo dục vô cảm. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI