Đây không phải là điều quá bất ngờ, bởi lẽ kể từ năm 2018 trở đi, VIFW đã dần mất đi sức hút, và gây ra không ít lùm xùm từ chất lượng show diễn đến khách mời làm lố.
Vì đâu nên nỗi…
Ra đời năm 2014 với phương châm “sàn diễn thời trang chuyên nghiệp mang đẳng cấp quốc tế”, VIFW trở thành nơi hội tụ của các nhà thiết kế (NTK), người mẫu và những người yêu thời trang. VIFW được tổ chức mỗi năm 2 lần, vào tháng Tư và tháng Mười hai. Suốt từ năm 2014 đến 2017, sàn diễn này quy tụ những tên tuổi NTK hàng đầu của thời trang Việt như: Công Trí, Thủy Nguyễn, Adrian Anh Tuấn, Lê Thanh Hòa, Chung Thanh Phong… cũng như là điểm hội ngộ của những người mẫu tài năng bước ra từ chương trình Vietnam next top model như Trang Khiếu, Mâu Thủy, Hương Ly, TyhD… Không chỉ có các NTK trong nước, sàn diễn còn quy tụ nhiều thương hiệu quốc tế cũng như sự tham dự của các đại diện từ Hiệp hội Thời trang châu Á. Việc “chen chân” để có một suất diễn hay một tấm vé mời từ chương trình, là ao ước của rất nhiều người.
|
Show diễn Thu - đông VIFW 2022 tại Hà Nội |
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu khác khi chương trình thay đổi hình thức tổ chức để thu hút các thương hiệu mới, làm mới bản thân, sàn diễn cũng thay đổi từ hình chữ T thành hình chữ U. Câu chuyện sẽ không có gì nếu các thương hiệu được chọn lọc cẩn thận, thay vì tranh suất tham dự bằng việc chi tiền; còn sàn diễn vì để thu hút được càng nhiều sự chú ý đã biến thành một chương trình tạp kỹ đúng nghĩa. Từ ca hát đến nhảy múa, khiêu vũ, thậm chí trình diễn cải lương… đều được lồng vào. Sự cải tiến này dường như trở thành “cải lùi”.
Người mẫu trình diễn thay vì cần catwalk theo quy chuẩn để tôn vinh trang phục, truyền tải thông điệp của NTK/thương hiệu thì nhảy múa, lắc lư, uốn éo hoặc làm trò các kiểu. Thế hệ người mẫu chuyên nghiệp dần vắng bóng, nhường chỗ cho các hoa hậu - vốn hút người xem hơn - và cả một số tiktoker vốn không hề có kỹ năng catwalk!
Riêng khâu khách mời, xen lẫn với các sao hạng A là hàng loạt tiktoker làm trò để thu hút sự chú ý trên thảm đỏ. Nhiều tiktoker thậm chí gây sốc với phát ngôn nhờ họ mà chương trình mới được chú ý. Hàng ghế front row (hàng ghế đầu tiên, quan trọng nhất show diễn) vốn dành cho sao hạng A, cho những người có sức ảnh hưởng trong ngành thời trang và các cây bút phê bình thời trang trở nên “đồng hóa”. Tiktoker cũng có thể ngồi ngang hàng sao hạng A, giới phê bình thời trang bị đẩy về phía sau vì không có độ ăn hình bằng! Chưa kể, khách mời tham dự cũng dễ dàng kiếm được vé xem chương trình, chỉ cần là VIP của một nhãn hàng nào đó tài trợ! Trước tất cả lý do này, không có gì ngạc nhiên khi các NTK tên tuổi ngày càng vắng. Khi tinh thần thời trang đã không còn, thì điều gì có thể giữ chân họ?
Bao giờ trở lại ngày xưa?
Vốn dĩ được kỳ vọng là nơi hội tụ, gặp gỡ, chia sẻ và liên kết giữa các thế hệ NTK trong nước, tạo bàn đạp cho thời trang Việt; vì lợi nhuận và thái độ dục tốc, thu hút truyền thông bằng mọi giá, dẫn đến việc đi ngược lại giá trị định hướng ban đầu; nên sự thụt lùi của VIFW là đương nhiên. NTK Đỗ Mạnh Cường từng chua chát chia sẻ: “Sàn diễn thời trang vốn dĩ là nơi NTK giới thiệu bộ sưu tập (BST) đến khách hàng và những người yêu thời trang. Đừng biến thời trang thành trò hề, phô diễn những trò lố lăng trên sân khấu, dùng mọi cách câu view rẻ tiền khiến người xem không nhớ BST cần phải nhớ, mà chỉ nhớ đến những trò cười đã diễn ra”.
|
Show diễn Thu - đông VIFW 2022 (ảnh Internet) |
Hiện bối cảnh thời trang Việt đã khác với thời điểm 10 năm trước. Sự du nhập của các tạp chí thời trang quốc tế, sự phát triển của mạng xã hội, và sự gia nhập của hàng loạt thương hiệu quốc tế vào Việt Nam đã cập nhật các xu hướng thời trang mới nhất một cách nhanh chóng. Hơn nữa, sự trưởng thành của thế hệ NTK trẻ, cũng như sự lớn mạnh của các thương hiệu lâu năm, dẫn đến tính độc lập của từng thương hiệu ngày càng lớn. “Mỗi thương hiệu có tệp khách hàng riêng, thông điệp muốn truyền tải riêng, do đó họ ngày càng muốn tách ra tổ chức show diễn riêng để tri ân khách hàng, cũng như giới thiệu thiết kế mới, hiệu quả và trọn vẹn hơn”, một biên tập viên thời trang nhận định.
Thế hệ NTK trẻ sau này như Nguyễn Hoàng Tú, Cường Đàm, Môi Điên, DATT… đang “nói chuyện” với khách hàng bằng ngôn ngữ thời trang quốc tế, do đó, những sàn diễn thiếu chuyên nghiệp và chiêu trò như VIFW không thu hút được các tài năng này cũng là điều hiển nhiên.
Sở dĩ các tuần lễ thời trang quốc tế như Paris Fashion Week, New York fashion week hay London fashion week tồn tại lâu đời, và là nỗi khao khát của giới thời trang toàn cầu, bởi các sàn diễn này là nơi tôn vinh thời trang và những NTK tài năng. Các thương hiệu lâu năm mang đến BST mới, ở đó họ nhận được sự tôn vinh/ đóng góp của các nhà phê bình, các tạp chí thời trang danh tiếng, từ đó tạo ra xu hướng thời trang mới. Các NTK trẻ được các giám tuyển thời trang chọn lọc kỹ càng, do đó việc xuất hiện tại các tuần lễ thời trang này là cơ hội “ngàn năm có một”, để họ giới thiệu mình với giới thời trang toàn cầu. Ở khía cạnh này, tuần lễ thời trang trở thành tấm vé thông hành danh tiếng cho họ.
Các tuần lễ thời trang này cũng tích cực đổi mới để theo kịp thời đại và giữ chân các thương hiệu cũng như thu hút khách hàng thế hệ mới. Sự đổi mới này liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, sân khấu, sàn diễn, hay áp dụng các tiến bộ công nghệ như người mẫu ảo, NFT... nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu: tôn vinh thời trang. Thời trang đã, đang và sẽ là nhân vật chính tại các sàn diễn này, dù các nhà tổ chức biến hóa thế nào đi chăng nữa.
Để có thể trở lại thời huy hoàng, VIFW cần mạnh dạn rũ bỏ hết những yếu tố không cần thiết, tập trung vào giá trị cốt lõi: tôn vinh thời trang.
Nhã Ca