Một lịch sử bị gạt ra bên lề
Từ trước đến nay, người châu Á và người Mỹ gốc Á tương đối “vô hình” trong xã hội Mỹ. Không phải lý do thiểu số, mà vì họ có xu hướng im lặng trong nhiều vấn đề xã hội và chính trị. Mặc dù sự im lặng này thường được cho ảnh hưởng bởi các giá trị văn hóa truyền thống, nhưng thực chất được hiểu là kết quả của sự phân biệt đối xử và bạo lực mà người châu Á phải chịu đựng trong nhiều thế kỷ nhập cư và hòa nhập xã hội Mỹ.
|
Phụ nữ châu Á cầm biển “Thù hận là một thứ virus” phản đối tình trạng bạo lực chống người gốc Á ở Mỹ - Ảnh: Getty Images |
Phát biểu tại hội thảo “Lịch sử và hiện tại của nạn bạo lực chống người châu Á” tổ chức ở California, bà Raka Ray - Trưởng khoa xã hội học Đại học UC Berkeley - nói: “Chúng ta không chỉ nói về các vụ tấn công khủng khiếp gần đây với người châu Á, mà còn tìm cách đánh giá tình trạng bạo lực này trong quá khứ và hiện tại. Các nhà nghiên cứu cần chỉ ra sự cần thiết của một lịch sử hợp chúng và liên kết. Ở đó, người Mỹ gốc Á muốn thấy được sự hiện diện quan trọng của họ tại đất nước này”.
Trong tham luận về lịch sử 150 năm chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ, giáo sư dân tộc học Catherine Ceniza Choy cho rằng, việc kỳ thị người châu Á là một phần của lịch sử bạo lực chủng tộc ở Mỹ nhưng đã bị gạt ra ngoài lề. Nhà làm phim Renee Tajima-Peña - từng được đề cử giải Oscar cho tác phẩm đề cập đến cuộc sống của người Mỹ gốc Á - cho rằng, sự phân biệt đã xuất hiện ngay từ khi những người nhập cư đến Mỹ vào nửa sau thế kỷ XIX.
Nhiều người tin rằng, mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung gần đây là một trong những nguyên nhân, thế nhưng “mầm mống” của các vụ xả súng như ở Atlanta hồi tháng trước, theo Tajima-Peña, bắt nguồn từ Đạo luật Page năm 1875. Đây vốn là tiền đề cho sự “loại trừ” người gốc Á khi cấm phụ nữ Trung Quốc nhập cảnh. Họ bị xem là gái mại dâm và toàn bộ phụ nữ châu Á bị đánh đồng như thế.
Thời đó, tất cả những người nhập cư đến từ Á châu cũng bị cho là những kẻ mang mầm bệnh, chứ không phải đến khi có COVID-19. “Ngoài bạo lực gia tăng, thái độ và luật pháp đều có vẻ chống lại người châu Á. Đối với gia đình tôi - người Mỹ gốc Nhật, đó còn là hình ảnh của Chiến tranh thế giới thứ hai”, Tajima-Peña nói.
Bộ phim tài liệu đầu tiên của bà thực hiện vào thập niên 1980 có tựa đề Ai đã giết Vincent Chin?, kể về vụ sát hại kỹ sư gốc Hoa ở Detroit. Vào thời kỳ suy thoái đó, các nhà sản xuất ô tô Mỹ vẫn đang loay hoay làm những cỗ máy “uống xăng như uống nước”, thì người Nhật đã bán ra những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu. Điều này khiến ngành kỹ nghệ xe hơi Detroit rơi vào thế kẹt, và sự tức giận việc nhập khẩu ô tô Nhật Bản lan ra cả người Nhật, cũng như tất cả ai trông giống người Nhật.
Tajima-Peña nhắc lại vụ xả súng trong trường học đầu tiên ở Stockton (California) vào tháng Giêng năm 1989. Kẻ theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng Patrick Purdy đã bắn chết năm trẻ em Đông Nam Á đang chơi trong sân trường tiểu học Cleveland và làm nhiều em khác bị thương.
Sự thiên vị trong Hiến pháp
Dường như có sự tồn tại chu kỳ 10 năm cho các xu hướng căm thù khác nhau tại Mỹ. Vào những năm 1990, người da trắng tấn công người đồng tính. Một thập niên sau, đến lượt người Hồi giáo bị kỳ thị sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Tiếp đó 10 năm, lại là người Mexico nhập cư… Nhưng theo nhà làm phim gốc Nhật, “chiến tranh lạnh” kéo dài - một cuộc chiến ý thức hệ với bên kia chiến tuyến là các quốc gia như Trung Quốc, Bắc Hàn và một số quốc gia Đông Nam Á - là kết quả của sự thù hận.
|
Biểu tình phản đối kỳ thị người gốc Á ở Garfield, Alhambra (California) hôm 21/3 - Ảnh: Los Angeles Times |
Theo Los Angeles Times, thành kiến chống châu Á vẫn tồn tại bất luận ai là chủ Nhà Trắng. Đó chỉ là sự lặp lại mới nhất của tư tưởng bài ngoại từ trong quá khứ. Các vụ thảm sát người Trung Quốc ở Los Angeles năm 1871 và Rock Springs năm 1885; việc giam giữ những người Mỹ gốc Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai, người Hồi giáo và Nam Á trở thành “vật tế thần” sau vụ khủng bố 11/9.
Nhiều người gốc Á chỉ bắt đầu được định danh từ kết quả phong trào đấu tranh vì quyền công dân những năm 1960. Thực tế đáng buồn là bất kể đang phục vụ hay đạt thành tích cao ở Mỹ, họ vẫn bị coi là người nước ngoài chứ không hoàn toàn thuộc về Mỹ. Tên gọi, ngôn ngữ và văn hóa của họ bị chế giễu, phẩm giá bị phủ nhận. Các cuộc tấn công bạo lực mới đây chỉ là hậu quả bi thảm của sự thất bại trong bình đẳng xã hội ở Mỹ. Thậm chí, người ta lo lắng rằng, khi sự chú ý của truyền thông và dư luận giảm đi, thì tính cấp bách của các hành động chính trị hòng cải thiện vấn đề này cũng sẽ giảm theo.
Tờ báo này cho rằng, còn nhiều chính sách mà chính phủ nên xem xét, bao gồm quỹ bồi thường cho nạn nhân, theo dõi tội phạm chống người châu Á tốt hơn, thêm người trợ giúp ngôn ngữ trên các đường dây nóng 211 và 311, cải thiện mối quan hệ giữa cảnh sát và cộng đồng nhập cư.
Hai nhà báo Erwin Chemerinsky và Burt Neuborne cho rằng, thực tế Mỹ không phải là một nền dân chủ như người ta thường hoan nghênh. Hiến pháp viết bởi một nhóm nhỏ người da trắng đã được phê chuẩn cách đây hơn 230 năm. Dưới chiêu bài bước tiến cho tự do, xét ở mức độ lớn, Hiến pháp bảo vệ quyền lực của giới tinh hoa cầm quyền. Ngay cả cái gọi là Tuyên ngôn nhân quyền cũng được viết theo cách cho phép các tiểu bang bảo vệ chế độ nô lệ và một số sự bất bình đẳng khác.
Sau những vụ bạo lực kinh hoàng, Tổng thống Joe Biden đưa vấn đề tấn công chống người gốc Á lên bàn làm việc các cơ quan hành pháp, đồng thời, ký một bản ghi nhớ nhằm đưa ra hướng dẫn Bộ Tư pháp nên ứng phó với số lượng gia tăng các vụ thiên vị chống người châu Á.
Một số người Trung Quốc phủ nhận sự căm thù chống người châu Á
Không phải tất cả cộng đồng gốc Á đều đồng ý những vụ tấn công nhằm vào người châu Á gần đây là sự thù hận hay phân biệt chủng tộc. Trên mạng xã hội tiếng Hoa, nhiều người nhập cư đến Mỹ thế hệ đầu tiên phủ nhận rằng, người châu Á đang là mục tiêu. Thậm chí, họ cho rằng, vụ xả súng ở Atlanta không có động cơ chủng tộc, vì không phải tất cả nạn nhân đều là gốc Á. Có người còn đổ lỗi cho các nạn nhân là xem thường kẻ thủ ác và hành vi của anh ta chỉ là “chứng nghiện sex” với ngụ ý những cái chết liên quan đến các tiệm mát-xa. Thế nhưng, các vụ bạo lực vẫn tiếp diễn. Mới nhất là tin về một phụ nữ Hoa kiều 75 tuổi bị hành hung ở Phố Tàu San Francisco vì đã “phạm tội” cung cấp thức ăn miễn phí cho các tổ chức từ thiện.
Theo tiến sĩ truyền thông Han Le (Đại học Pennsylvania), hành vi phủ nhận này thường chỉ là một nhóm nhỏ. “Để hiểu vấn đề đến từ đâu, điều quan trọng là phải hiểu tâm lý đó phù hợp như thế nào với bối cảnh đại dịch COVID-19 và môi trường chính trị gần đây của Mỹ. Đặc biệt, đây có thể được xem là sự tiếp nối tranh luận trong cộng đồng người Hoa về phong trào Black Lives Matter. Nghĩa là có tồn tại nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống hay không. Nếu có, người Mỹ gốc Hoa nên phản ứng thế nào”, bà Le nói.
Bà Le cho rằng, cộng đồng người Hoa đã chia rẽ chưa từng thấy trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhiều người phủ nhận sự tồn tại của tội ác thù hận là người ủng hộ ông Trump. Họ luôn xem Mỹ là ngọn hải đăng của tự do và xem chủng tộc da trắng là đại diện của nền văn minh tiên tiến, đồng thời, sự phân biệt đối xử chống lại các nhóm chủng tộc “lạc hậu” là chính đáng. Thuật ngữ “thiểu số kiểu mẫu” được đặt ra để một số người nhập cư châu Á tin rằng, họ có thể thoát khỏi nạn phân biệt chủng tộc này, nếu họ vươn lên, gia nhập tầng lớp tinh hoa trong xã hội Mỹ.
Những năm qua, huyền thoại “thiểu số kiểu mẫu” được nhiều người nhập cư châu Á vin vào để phủ nhận hoặc phớt lờ sự tồn tại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống và có nguồn gốc sâu xa. Đặc biệt, nhiều người nhập cư thế hệ thứ nhất rất tự hào về câu chuyện thành công của họ khi đặt chân đến Mỹ. Những câu chuyện thành công của từng cá nhân củng cố niềm tin của họ vào ý tưởng “thiểu số kiểu mẫu”, và có thể tạo ra cảm giác vượt trội so với các dân tộc thiểu số hay chủng tộc khác.
|
Nam Anh (tổng hợp)