Sự thay đổi tích cực

03/08/2024 - 06:19

PNO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, vô sinh đang có chiều hướng gia tăng trên toàn cầu. Theo đó, hiện nay, cứ 6 cặp vợ chồng thì có 1 cặp vô sinh và nguyên nhân do nam giới chiếm đến một nửa.

Hơn 10 năm trước, một bác sĩ nam khoa nói với tôi rằng, rất ít “quý ông” Việt Nam chịu đi khám vô sinh, ngay cả khi vợ họ đã đi khám vô sinh và được xác định “khỏe toàn diện”.

Theo vị bác sĩ này, nhiều ông chồng ở Việt Nam cho rằng họ hoàn toàn vô can với tình trạng chậm có con hay không có con và nhất quyết không đi khám, điều trị. Đây là quan niệm sai lầm tai hại.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, vô sinh đang có chiều hướng gia tăng trên toàn cầu. Theo đó, hiện nay, cứ 6 cặp vợ chồng thì có 1 cặp vô sinh và nguyên nhân do nam giới chiếm đến một nửa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghiên cứu gần đây của WHO cho thấy, mật độ tinh trùng trung bình của nam giới trên toàn cầu giảm hơn 50% trong 50 năm qua, đặc biệt là trong 20 năm gần đây. Do đó, nam giới chịu trách nhiệm không hề nhỏ trong vấn đề vô sinh.

Ở Việt Nam, đàn ông không chịu đi khám vô sinh còn vì một số lý do khác. Họ có suy nghĩ phổ biến là nam giới thì phải có nam tính, nghĩa là có sức mạnh, quyền lực và khả năng sinh sản nên một người chồng bị vô sinh đồng nghĩa với “bất lực”, “ít nam tính”.

Rào cản văn hóa xã hội cũng khiến nhiều ông chồng ngại gặp bác sĩ để xác định “vấn đề” của mình. Tình trạng này thường có ở những xã hội đánh giá quá cao vai trò của nam giới hoặc trọng nam khinh nữ. Nam giới không chấp nhận mình bị vô sinh bởi điều đó khiến họ bị bạn bè chê cười, xã hội kỳ thị.

Những lý do trên dẫn đến một thực tế là nhiều năm trước đây, ở nước ta, chỉ có phụ nữ thui thủi đi khám vô sinh một mình cho dù bác sĩ đề nghị cả vợ và chồng cần có mặt để được khám và tư vấn đầy đủ.

Điều đáng mừng là trong vài năm trở lại đây, mọi chuyện đã thay đổi tích cực. Một bác sĩ chuyên ngành hiếm muộn tại TPHCM chia sẻ: “Trước đây, cứ 10 phụ nữ đi khám vô sinh thì may ra có 1-2 người có chồng đi khám chung. Nay thì hầu hết trường hợp vô sinh có cả vợ và chồng cùng đi khám; việc chồng chủ động khám vô sinh hoặc rủ vợ cùng đi khám cũng không còn là chuyện lạ”.

Kết quả này có lẽ đến từ một xã hội cởi mở, luôn đón nhận những giá trị tích cực. Đó cũng là kết quả của những chiến dịch truyền thông mà nhiều ban, ngành khác nhau cùng chung tay thực hiện, dẫn đến sự thay đổi nhận thức của nhiều người về sức khỏe, trong đó có vấn đề sinh sản, tình dục.

Chồng cùng vợ đi khám vô sinh là điều thật sự ý nghĩa. Ngay cả khi nguyên nhân vô sinh không thuộc về người chồng thì việc làm này cũng cho thấy họ có trách nhiệm, luôn sát cánh cùng bạn đời trong mọi biến cố của cuộc sống chung, giúp mối quan hệ của cả hai được gắn kết bền vững.

Nhìn rộng ra, nam giới đi khám vô sinh cũng góp phần giải quyết tình trạng vô sinh đang có chiều hướng gia tăng. Khi một nửa nguyên nhân vô sinh đến từ nam giới thì việc người nam chủ động đi khám và điều trị vô sinh cũng làm tăng khả năng sinh sản của người nữ, từ đó góp phần giải quyết vấn nạn sinh đẻ ít ở nước ta hiện nay. Cần nhớ, nguyên nhân vô sinh không chỉ đến từ riêng người nam hay người nữ mà còn có thể từ cả hai.

Ngày nay, vô sinh là một trong những vấn đề sức khỏe lớn của toàn cầu và nhiều quốc gia. Vì thế, rất cần sự truyền thông mạnh mẽ hơn để nam giới “có vấn đề” phải nhìn thẳng vào sự thật và có trách nhiệm tham gia giải quyết. Bên cạnh đó, có lẽ ngành y tế cũng cần cung cấp đầy đủ dịch vụ tư vấn, điều trị, sao cho những cặp vợ chồng có vấn đề về đường sinh sản đều có thể tiếp cận được những dịch vụ sức khỏe cần thiết một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Phan Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI