Sự thật về văn bản của Ấn Độ liên quan đến biến thể virus COVID-19

14/07/2021 - 18:27

PNO - Chính phủ Ấn Độ chỉ yêu cầu cộng đồng quốc tế không sử dụng thuật ngữ “biến thể Ấn Độ”, chứ không hề phủ nhận sự tồn tại của biến thể Delta.

Vài ngày gần đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện các status bằng tiếng Việt cho rằng “biến thể Ấn Độ” là thông tin giả, không có biến thể nào lan ra ở Ấn Độ cả… với mục đích cho rằng dịch bệnh COVID-19 đang bị “thổi phồng” tại Việt Nam.

Tài khoản 'Nguyễn Đình Ngọc chia sẻ lại status của Nguyễn Quỳnh và nhận được nhiều like, share và comment không đúng về tình hình dịch bệnh trong nước
Tài khoản "Nguyễn Đình Ngọc" chia sẻ lại status của "Nguyễn Quỳnh" và nhận được nhiều like, share và comment không đúng về tình hình dịch bệnh trong nước

Dưới dòng chia sẻ của Facebooker “Nguyễn Đình Ngọc”, nhiều người hoang mang: “Vậy là biến chủng ấn Độ ở VN là không có hả”? Và có người thốt lên rằng không hiểu vì sao nhiều người Việt, kể cả bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ v.v… tin rằng ở Việt Nam đang có dịch COVID-19!?

Rõ ràng các status trên đang góp phần quấy nhiễu dư luận và khiến nhiều người dân hồ nghi về “cuộc chiến” với biến thể Delta đang diễn biến khó lường tại Việt Nam, đặc biệt là TPHCM. Thậm chí, các luận điệu cho rằng chính phủ đang lừa dối dân chúng trong việc thực hiện giãn cách cũng như các biện pháp khác để “trục lợi”?!

Thực chất, văn bản mà mạng xã hội đang lan truyền được trang web của Bộ Công nghệ thông tin và Điện tử Ấn Độ đăng tải vào ngày 21/5. Tuy nhiên, nội dung của công văn chỉ nhằm lưu ý báo chí và cộng đồng quốc tế không sử dụng thuật ngữ “biến thể Ấn Độ” để chỉ biến thể B.1.617 (hay còn gọi là Delta) của virus COVID-19.

Ngay sau văn bản này của phía Ấn, ngày 31/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức đặt tên cho biến thể dòng B.1.617 là Delta. Chúng ta biết, B.1.617 (hay B.1.617.2) là một biến thể của SARS-CoV-2, vi rút gây bệnh COVID-19. Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020 và được xác định là virus có tốc độ lây lan nhanh hơn các “phiên bản” trước đó của COVID-19.

Công văn của Bộ Công nghệ thông tin và Điện tử Ấn Độ đăng tải vào ngày 21/5 trên website của mình
Công văn của Bộ Công nghệ thông tin và Điện tử Ấn Độ đăng tải vào ngày 21/5 trên website của mình

Biến thể Delta đã gây ra số ca mắc và tử vong kỷ lục tại Ấn Độ trong năm 2021. Và từ cuối tháng 5/2021, Delta tiếp tục lây lan mạnh tại Đông Nam Á, đặc biệt tại Indonesia. Việt Nam cũng đang phải chống chọi với biến thể này trong đợt dịch thứ tư của mình. WHO công bố biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 hiện đã xuất hiện ở gần 100 quốc gia.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, hiện nay trên mạng xã hội đang lan truyền nhiều thông tin không đúng về công tác phòng chống dịch COVID-19. Lãnh đạo thành phố đang tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Đồng thời, chính quyền cũng triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Đề nghị người dân bình tĩnh, không nghe theo, không lan truyền các thông tin không chính xác. Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp có hành vi lan truyền thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI