Sự thật về lời đồn uống cam test COVID-19 sẽ dương tính 

03/12/2021 - 06:40

PNO - Những ngày qua, từ nông thôn tới thành phố xôn xao tin “uống nước cam sẽ cho dương tính giả (hai vạch) khi test COVID-19”. Hậu quả, có người xét nghiệm dương tính, nhưng nghĩ “tại uống nước cam” nên vẫn cho mình không mắc COVID-19 và giao tiếp bình thường, mà không biết mình có thể đang vô tình làm lây lan dịch bệnh...


“Quýt” làm cam chịu

Vài ngày trước, anh T., chồng chị Nguyễn Thị L., ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, được xác định mắc COVID-19 qua tầm soát cộng đồng, và được cho điều trị tại nhà vì không có triệu chứng. Người thân, hàng xóm thấy nhà chị giăng dây, nên gọi điện thoại hỏi thăm.

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Vũ Thiên Quân, Phòng khám Bệnh viện đại học Y Dược 1, cho biết: “Việc thử test nhanh với COVID-19 ra hai vạch không liên quan đến việc sử dụng cam”
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Vũ Thiên Quân, Phòng khám Bệnh viện đại học Y Dược 1, cho biết: “Việc thử test nhanh với COVID-19 ra hai vạch không liên quan đến việc sử dụng cam”

Chị L. khăng khăng: “Chồng tui không bị COVID-19, mới hôm kia ổng test có một vạch, tại sáng nay ổng uống nước cam nên test mới bị hai vạch”. Chị còn dặn mọi người “đừng uống nước cam nghen, uống vô là ra hai vạch liền á”. Rồi chị chốt bằng câu “ai cũng nói vậy, lên mạng đọc đi và vợ ông T. (một người làm trong ngành y - PV) cũng nói vậy”. 

Tương tự, chị út N. ở cùng xã cũng cho rằng cháu nội bị “hai vạch” vì có thói quen uống nước cam mỗi ngày. Chị phân tích: “Nhà tui sáu người, chỉ có một mình nó test ra hai vạch, tại nó ngày nào cũng uống nước cam, chứ nó khỏe re, có bị sốt gì đâu. Nếu nó bị bệnh thì nhà tui cũng phải bệnh chớ”.

Và điều chị không mong chờ đã xảy ra, năm ngày sau, chồng và con trai chị cũng mắc COVID-19. Nguyên nhân là cháu nội chị từng chơi với một đứa trẻ hàng xóm bị bệnh. Khi đó, chị N. mới tin rằng, nước cam chẳng liên quan. Nguyên nhân được xác định là cháu nội của chị đến chơi nhà hàng xóm - một gia đình phát hiện đến bốn ca dương tính. 

Không chỉ ở nông thôn, mà cả ở thành thị cũng bị tác động bởi tin đồn này. Bà Võ Thanh Ng., ở phường 16, quận 8, TPHCM, cứ mỗi lần nghe bạn bè, hay người thân chuẩn bị đi test là dặn dò “nhớ tuyệt đối không được uống nước cam khi chuẩn bị đi test COVID-19 nghen”. Mỗi khi nghe ai dương tính, bà lại hỏi “trước khi test có uống nước cam không?”. Chỉ cần câu trả lời “có” thì bà khẳng định “đừng lo, do nước cam đó” và kêu test lại. 

Không có chuyện uống cam cho kết quả dương tính

Tiến sĩ Nguyễn Thành Triết, giảng viên Trường đại học Y Dược TPHCM, cho biết hiện nay xét nghiệm PCR vẫn là tiêu chuẩn vàng để phát hiện SARS-CoV-2. Còn xét nghiệm nhanh COVID-19 có ưu điểm trong việc phát hiện nhanh virus, có thể trả kết quả sau 30 phút hoặc ít hơn. Nguyên tắc của xét nghiệm nhanh dựa trên phản ứng kết hợp giữa kháng nguyên (tiểu phân virus) và kháng thể được gắn vào các hạt nano vàng trên một dải liên kết trong que thử cho được một vạch trực quan, đó là vạch dương tính. 

Sau khi dùng tăm bông lấy mẫu từ tỵ hầu, mẫu được trộn với dung dịch đệm để đảm bảo độ pH tối ưu trước khi nhỏ lên dải liên kết. Khi que thử tiếp xúc với một dung dịch có pH a-xít mạnh như nước cam, chanh, Cola, một số loại nước giải khát, những hạt nano vàng vốn được sử dụng để tạo thành phần tử có màu có thể kết tụ lại với nhau và tạo ra một kết quả dương tính giả. 

Thật ra, thông tin uống nước cam sẽ cho kết quả dương tính khi test COVID-19 xuất phát từ một bài báo của The Guardian, Anh. Bài viết ghi nhận câu chuyện các học sinh vì muốn nghỉ học đã tạo ra kết quả xét nghiệm nhanh dương tính giả bằng cách nhúng trực tiếp que thử vào nước cam, vốn có pH a-xít mạnh nên đã cho ra kết quả dương tính. Bài viết nhấn mạnh: “Khi cố tình thực hiện cách thức sai thì tất nhiên sẽ cho kết quả sai”. Thông tin này được nhiều cơ quan truyền thông và cá nhân trong nước dẫn lại.

Tuy nhiên, có báo giật tít “Nước cam khiến bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 cho kết quả dương tính”, dù trong bài có nêu đầy đủ câu chuyện từ Anh. Hoặc có người muốn câu view, câu like đã cố tình nhập nhằng tin này và khiến nhiều người nhầm lẫn, hoặc tin theo và loan truyền khắp nơi. Và như bao “fake news” (tin giả) đã từng xảy ra ở nước ta, sẽ có nhiều người chỉ cần xem tít và loan truyền thành “uống nước cam sẽ bị dương tính khi xét nghiệm COVID-19”. 

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Vũ Thiên Quân, Phòng khám Bệnh viện đại học Y Dược 1, cho biết: “Việc thử test nhanh với COVID-19 ra hai vạch không liên quan đến việc sử dụng cam. Lâu nay, nước cam tươi hay bưởi, chanh... được biết đến là những thực phẩm tốt, chứa nhiều vitamin C và được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng để tăng cường sức khỏe, nâng cao thể trạng, đặc biệt là trong mùa dịch này, qua đó góp phần phòng, chống COVID-19. Hoàn toàn chưa có tài liệu, hay công trình nghiên cứu nào cho thấy ăn, uống nước cam sẽ ảnh hưởng đến kết quả test COVID-19”. 

Tiến sĩ Nguyễn Thành Triết khuyên rằng: “Khi có kết quả test nhanh dương tính nên báo ngay cho y tế địa phương để có thể thực hiện test PCR khẳng định cũng như thực hiện các hướng dẫn tiếp theo”. 

Thùy Dương

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI