Ngày 18/2/2012, Tạp chí Le Point đã thu hút sự quan tâm của dư luận Pháp và thế giới khi đăng tải bài viết dài kỳ về cuộc đời người đàn ông có tên là Jean-Marie Loret. Các bằng chứng đưa ra cho thấy một cách thuyết phục rằng, ông chính là giọt máu duy nhất của trùm phát xít độc ác Adolf Hitler.
Charlotte Lobjoie, mẹ của Jean-Marie Loret được cho là đã bị buộc “quan hệ tình cảm” với Hilter khi mới 16 tuổi.
Mối tình chớp nhoáng với cô thiếu nữ 16 tuổi
Theo như những gì mà bài viết trên Tạp chí Le Point nêu ra, chuyện tình giữa trùm phát xít Đức Adolf Hitler và Charlotte Lobjoie bắt đầu vào tháng 6/1917, tức là trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ I. Lúc đó, Adolf Hitler mới 28 tuổi và tham gia chiến đấu trong một quân đoàn ở gần Seboncourt, thuộc vùng Picardy, miền Bắc nước Pháp.
Vốn tính mơ mộng, lại thích ngao du đây đó nên mỗi khi được nghỉ phép, Adolf Hitler đã đi chơi nhiều nơi và thường tìm tới Fournes-in-Weppe, một thị trấn nhỏ phía tây Lille, để nghỉ ngơi.
Và rồi, định mệnh đã khiến Adolf Hitler và Charlotte Lobjoie gặp nhau.
|
Hitler (bìa trái) hồi Thế chiến I |
Đó là một sáng mùa hè nắng đẹp ở thị trấn Fournes-en-Weppes, phía Tây thành phố Lille . Sau này, khi hấp hối vào những năm 1950, bà Charlotte Lobjoie mới tiết lộ cho con trai biết rằng, chỉ một lần gặp gỡ, bà đã bị Adolf Hitler hớp hồn.
Bà Charlotte kể lại với con trai mình rằng: "Một hôm, khi mẹ đang cắt cỏ với những phụ nữ khác, mẹ thấy một người lính Đức bên kia đường. Ông ấy có một tập giấy và dường như đang vẽ gì đó. Mọi người đều cảm thấy thú vị và tò mò muốn biết ông ta đang vẽ gì. Mẹ đã được cử đến tiếp cận ông ấy".
Cặp đôi bắt đầu có một mối quan hệ ngắn ngủi. Và Jean Marie-Loret là kết quả sau một đêm chuếnh choáng vào tháng 6/1917. Khi đó, Charlotte Lobjoie mới chỉ quen biết Adolf Hitler chưa được 2 tuần.
Bà Lobjoie kể với con: "Khi cha con ở gần, thường là rất hiếm hoi, ông ấy đưa mẹ đi dạo ở vùng nông thôn. Nhưng những lần đi dạo ấy kết thúc khá tồi tệ. Thực tế, cha con hay nói về những chuyện mà mẹ không hiểu.
Ông ấy không nói tiếng Pháp mà chỉ dùng tiếng Đức, nói chuyện với một khán giả tưởng tượng. Thậm chí nếu mẹ có biết tiếng Đức thì mẹ cũng không thể hiểu ông ấy, vì những câu chuyện về nước Phổ, Áo và vùng Bavaria hoàn toàn xa lạ với mẹ. Phản ứng của mẹ thường khiến cha con tức giận tới mức sau đó mẹ không dám đưa ra phản ứng nào nữa".
Cuộc tình này kéo dài từ năm 1917 đến cuối năm 1918, khi Hitler về Đức. Một số nhà sử học cho rằng, mối tình với thiếu nữ Charlotte Lobjoie có lẽ là lý do khiến Adolf Hitler luôn thể hiện tình cảm sâu nặng với nước Pháp.
Đứa con rơi chưa từng gặp mặt
Điều đáng nói là Adolf Hitler biết rõ về người con rơi của mình nhưng hắn không bao giờ lên tiếng nhận con. Mặc dù vậy, Adolf Hitler vẫn liên lạc với Charlotte Lobjoie và trợ giúp bà những lúc khó khăn. Trong cả cuộc đời, cho đến lúc chết là năm 1985, Jean Marie-Loret vẫn chưa một lần gặp cha.
Trẻ tuổi, xinh đẹp, lại phải nuôi con một mình, Charlotte Lobjoie không chỉ gặp thị phi mà còn bị túng thiếu về kinh tế. Còn Jean Marie-Loret, cũng giống như hàng ngàn đứa trẻ Pháp khác có bố là các binh sĩ Đức, đã bị bạn bè chế nhạo ngay từ hồi còn đi học.
|
Bức ảnh chụp Adolf Hitler và Jean Marie-Loret cho thấy khuôn mặt của hai người này có nhiều nét tương đồng. |
Mệt mỏi vì những đàm tiếu, nên vài năm sau, Charlotte đem đứa con cho vợ chồng người chủ, nơi người chị của mình làm thuê. Vào năm 1934, đứa con nuôi đó được mang họ là “Loret”. Dẫu vậy, bà vẫn thường xuyên tới thăm con và gửi tin tức về Jean Marie-Loret cho Adolf Hitler.
Khi Thế chiến II bùng nổ, chàng trai Loret đã nhập ngũ, tham gia đạo quân bảo vệ phòng tuyến Maginot, chống lại quân phát xít Đức. Sau đó có thời gian Loret lấy bí danh là “Clement” tham gia phong trào kháng chiến Pháp.
Vào đầu những năm 1950, trước khi qua đời không lâu, Charlotte kể cho Loret sự thật về người cha của ông ta. Jean-Marie Loret đã trải qua những tháng ngày bị sốc. Trong cuốn Cha của anh có phải là Hitler, Loret thổ lộ rằng, ông rất đau đớn khi viết cuốn tự truyện và cố gắng không nghĩ về nguồn gốc của mình. “Trong vòng 20 năm tôi không nghỉ phép, không đi xem phim, không quan tâm bất cứ điều gì, ngoài công việc”, Loret viết.
Dù vậy, ý nghĩ về nguồn gốc đáng nghi ngờ của mình đeo bám Loret, vì thế, vào những năm 1970 ông tìm kiếm các chứng cứ về mối liên hệ của mình với Hitler.
Năm 1979, ông đến chỗ luật sư Francois Gibault rồi nói: “Tôi là con của Hitler. Ngài hãy chỉ cho tôi cần phải làm gì?”. “Ông ấy trông có vẻ thất thần, thậm chí còn không biết có muốn hay không khi tuyên bố mình là con của Adolf Hitler, hay là quên vĩnh viễn chuyện này… Tôi nói chuyện với ông ấy nhiều như một nhà tâm lý chứ không phải là luật sư”, Gibault kể lại với các nhà báo.
|
Hai người có ngoại hình rất giống nhau |
Loret rất cẩn trọng và bài bản trong việc xác minh nguồn gốc của mình. Ông đã gặp các nhà khoa học, kể cả sử gia, nhà nghiên cứu gien của Đại học tổng hợp Heidelberg, Đức và cả chuyên gia nghiên cứu về chữ viết. So sánh nét chữ của Hitler và Loret, các chuyên gia nhận thấy có nhiều nét tương đồng.
Còn các xét nghiệm di truyền sinh học tại Viện Nhân chủng học và di truyền học thuộc Đại học Heidelberg đã không loại trừ quan hệ cha con của Hitler và Jean-Marie Loret. “Tất cả những người này đều kết luận: Jean-Marie Loret là con trai của Adolf Hitler”, báo Le Point viết.
Jean-Marie Loret chết vào năm 1985. Trước đó khi người mẹ qua đời vào tháng 9.1951, Loret tìm thấy trong chiếc rương tại nhà bà những bức tranh có chữ ký của Hitler. Còn tại Đức, hiện có bức tranh của Hitler vẽ một người phụ nữ, rất giống bà Charlotte Lobjoie.
Theo những tài liệu chính thức của Wehrmacth hoặc quân đội Đức, các sỹ quan đã mang những phong bình đựng tiền mặt để gửi cho bà Lobjoie trong suốt Thế chiến II. Đây cũng là bằng chứng thuyết phục để chứng minh câu chuyện của ông Loret.
Minh Đức