Sự thật: Học sinh đi học thêm cũng không hề khá hơn là không đi học?

13/12/2016 - 15:28

PNO - Dưới đây là bài viết của TS. Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) về vấn đề học thêm của học sinh hiện nay!

Chẳng biết từ bao giờ, các cha mẹ cho con học thêm vì nghĩ rằng học chính không thể đủ được. Là giảng viên đại học, là giáo viên từng đứng lớp dạy từ mầm non đến đại học, từng tham gia luyện thi đại học cho học sinh, tớ xin phép nói thẳng: Học thêm không có bổ sung tí xíu kiến thức nào cho học sinh ngoài các kĩ năng làm bài tập.

Đã từ lâu, học hành ở VN trở thành món đồ được nhào nặn thoải mái trong tay của các phụ huynh, giáo viên.

Ban đầu, học thêm chỉ dừng ở mức ôn luyện lại, tổng hợp lại kiến thức cho những bạn học sinh yếu kém, luyện chút đỉnh thỏa mãn mấy bạn học giỏi hơn trong lớp. Dần dà, học thêm biến thành một thứ không thể thiếu được trong đầu các học sinh và phụ huynh.

Su that: Hoc sinh di hoc them cung khong he kha hon la khong di hoc?
TS. Vũ Thu Hương (Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).

Đầu tiên là cấp Tiểu học, khi các bé bắt đầu đi học, cha mẹ luôn nghĩ rằng nhắc con tí xíu rồi khi lên lớp trên nó sẽ tự biết cách học tự giác. Nhưng sự thật là khi được nhắc nhở, trẻ sẽ ỉ lại.

Khi cha mẹ mệt mỏi, không muốn nhắc nữa thì bé bỏ bê. Mặc dù bé mới bỏ bê 1, 2 buổi học, cha mẹ đã hoảng sợ và cuống cuồng lo lắng. Vì bận việc, vì muốn nghỉ ngơi sau giờ làm, các cha mẹ sẽ tìm người trợ giúp con. Đó chính là các cô, các anh, chị gia sư. Con đã không có tính tự giác, nay càng có cớ để ỉ lại thêm nữa.

Học thêm Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh cũng được các cha mẹ hướng con vào từ ngay cuối cấp tiểu học. Chẳng hiểu lý do tại sao mà các cha mẹ luôn sốt ruột khi con bị điểm kém 1 chút. Là con người, đôi khi đứa trẻ sảy chân cũng là bình thường. Một người mà toàn bộ điểm đi học toàn 10 thì chắc chắn là sẽ có vấn đề ở đâu đó chứ không phải là sự giỏi toàn diện đâu. Rõ ràng điểm yếu của bạn đó không bộc lộ ra và chẳng ai giúp bạn ấy hoàn thiện được khi điểm yếu bị che giấu.

Cấp II, môn học nhiều hơn, điểm số rõ ràng là áp lực hơn do vậy các cha mẹ cũng hoảng hốt hơn. Tiếp tục nhờ vả vào cô giáo là cách tuyệt nhất để cha mẹ xử lý được vấn đề. Vì vậy, mọi việc được chuyển thành: học cô nào, thày nào, ai đưa đón và giờ giấc ra sao?

Đôi khi, cha mẹ cũng cho con đi học thêm vì thấy nó ở nhà toàn chơi điện tử. Đi học ít nhất còn tốt hơn. Vấn đề chính là cuộc sống của con quá nghèo nàn khi cha mẹ không tin tưởng giao việc nhà cho con đồng thời cũng không cho con tham gia thể thao hay sinh hoạt các câu lạc bộ gì khác. Vì thế, đi học thêm lúc này để khỏi chơi điện tử mặc dù 2 cái này đều áp lực như nhau.

Lên cấp III, hầu như chẳng cha mẹ nào có thể yên tâm là con sẽ đỗ đại học nếu không học thêm. Bọn trẻ nói với nhau: Cuộc đời chia làm 3 phần: trường lớp, lớp học thêm và giường ngủ. Có đứa trẻ còn than thở là cả tuần chẳng có 1 bữa ăn nào với bố mẹ, không nói được câu gì với ai và đôi khi còn chẳng nhìn thấy bố nữa (bố hay đi sớm về muộn).

Tôi nghiên cứu đã nhiều và phát hiện ra, bọn trẻ đi học thêm cũng không hề khá hơn là không đi học.

Su that: Hoc sinh di hoc them cung khong he kha hon la khong di hoc?
Học sinh vừa đi đường vừa xúc cơm ăn.

Lý do: Lớp học thêm chỉ giải bài tập. Các dạng bài tập được thày cô tổng kết lại và chỉ cho các cách giải. Trẻ học thuộc lòng rồi cứ thế mà diễn.
Bọn trẻ không đi học thêm thì sẽ tự tìm bài tập trong sách tham khảo, trong vở học thêm của bạn bè. Chúng tự tìm hiểu được và cũng làm được các bài tập đó. Đồng thời, chúng có nhiều thời gian hơn để tìm kiếm sâu về lý thuyết. Do vậy, đôi khi, chúng hiểu bài hơn và làm bài tốt hơn trẻ học thêm.

Bọn trẻ không học thêm thường tự giác hơn trẻ học thêm. Đơn giản là vì khi chúng đã vài lần trả giá cho sự lơ là học hành, chúng sẽ biết phải làm gì để không còn bị phạt nữa. Thêm nữa, chính vì không đi học thêm, bọn trẻ đó phải tự tìm kiếm sách. Chúng đọc nhiều hơn, khám phá nhiều hơn và kiến thức thu được nhiều hơn.

Đồng thời, trẻ không học thêm cũng có sự chủ động rất cao trong việc học. Nếu thấy mình kém vì không có bài tập học thêm, chắc chắn bọn trẻ sẽ liên hệ để mượn vở bạn. Việc học hành chủ động như vậy sẽ khiến trẻ tiếp thu bài tốt hơn.

Con tôi, 1 đứa không đi học thêm còn nghĩ ra trò ghi âm lời cô giáo giảng trên lớp lại, chiều về nhà phát ra để nghe. Như vậy, trẻ sẽ được học tới 2 lần và chắc chắn kiến thức vào đầu trẻ thật sự.

Học thêm quá nhiều, thời gian làm bài tập trên lớp cũng như bài tập học thêm không có sẽ khiến trẻ đôi lúc còn học yếu hơn. Ngoài ra, áp lực thời gian quá nặng nề đôi khi sẽ là nguyên nhân của stress. Mà phàm đã stress, trẻ rất khó tiếp thu được bài.

Đó là chưa kể cảnh ăn uống vội vàng, cảnh cha mẹ và con cái xa cách nhau, có vấn đề cũng ko có thời gian chia sẻ với cha mẹ. Rồi áp lực, rồi mệt mỏi, rồi sức khỏe suy giảm.... Tôi không hề thấy chút xíu gì tốt lành trong việc cho con học thêm nhiều vậy.

Nếu các cha mẹ cảm thấy lo lắng vì con mình chưa tự giác, hãy tạo các nhóm học tập cho các con. Giả dụ như con nhà tớ sẵn sàng học nhóm với các em lớp 10, các bạn lớp 11 và các anh chị lớp 12. Có bạn bè chúng sẽ thích học hơn nhiều. Cha mẹ nào có con tầm tuổi này thì nhắn tớ cái tin nhé, tớ sẽ về nói với con gái ngay. Hi vọng rằng chúng ta sẽ giúp được trẻ nhiều hơn cái vụ học thêm.

Vũ Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI