Dư luận hoàn toàn thất vọng về cách nhìn nhận trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến liên quan đến vụ án Công ty CP VN Pharma nhập khẩu thuốc lậu tại buổi giao ban báo chí định kỳ của Ban Tuyên giáo Trung ương sáng 29/8.
|
Nguyễn Minh Hùng - nguyên chủ tịch VN Pharma lãnh án 12 năm tù trong vụ việc nhập thuốc giả trị bệnh ung thư |
Bà Tiến khẳng định việc cấp phép nhập khẩu thuốc trị ung thư H-Capita hoàn toàn đúng quy định hiện hành, không có ưu ái. Các giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) “của Canada” do Công ty CP VN Pharma nộp được làm giả tinh vi, không thể phát hiện bằng mắt thường (?).
Cục Quản lý dược chỉ “nghi ngờ” khi giá thuốc kê khai thấp hơn các loại thuốc cùng loại được sản xuất nên đã yêu cầu VN Pharma giải trình và ngừng nhập khẩu (?). Theo bộ trưởng, cũng chính Cục đã đề nghị Bộ Công an làm rõ sự việc, thành lập các đoàn kiểm tra xem xét việc thực hiện quy định pháp luật về xuất nhập khẩu thuốc của VN Pharma, đồng thời, niêm phong không cho lưu hành toàn bộ hàng nhập khẩu của công ty này…
Hóa ra, xưa nay việc thẩm định hồ sơ cấp số đăng ký thuốc “khét tiếng” là khắt khe của Cục Quản lý dược lại được tiến hành bằng “mắt thường”, ai nộp gì nhận nấy rồi phê duyệt, cục không có biện pháp nghiệp vụ nào để thẩm tra giấy tờ thật giả? Và cái họ đã có thể “thấy” là giá thuốc kê khai thấp bất thường, tại sao vẫn cho hồ sơ đạt? Khi thuốc về đến kho mới “nghi ngờ” báo công an?
Thảo nào, có thể cũng vì “ngây thơ vô tội”, nên Cục Quản lý dược - cơ quan có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức chỉ đạo, điều hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực dược - đã “hổng biết” nhiều điều khó tin tương tự xung quanh 9.300 hộp thuốc H-Capita nhập lậu.
Khi thẩm định, cục đã xác minh kiểu gì, mà lại “hổng biết” Công ty Helix Canada - đơn vị sản xuất H-Capita theo hồ sơ - là công ty “ma”, không hề tồn tại? Cục cũng không thể phát hiện Công ty Austin Hồng Kông - đơn vị phân phối - đã hết hạn giấy phép hoạt động và “một số nội dung không thống nhất trong hồ sơ” (theo cáo trạng) mà vẫn đánh giá hồ sơ của VN Pharma đạt yêu cầu?
Tại thời điểm vụ án xảy ra, ngoài H-Capita, Cục Quản lý dược còn “ngây ngô” động trời hơn khi cấp phép lưu hành bảy loại thuốc dạng tiêm khác cũng do VN Pharma nhập khẩu mà theo hồ sơ, các thuốc này cũng do Công ty Helix Canada “ma” sản xuất.
|
Dư luận hoàn toàn thất vọng về cách nhìn nhận trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến liên quan đến vụ án Công ty CP VN Pharma |
Không “ưu ái”, vậy chả hiểu vì lý do gì, Cục Quản lý dược lại cho phép VN Pharma nhập thuốc bằng hình thức nhập chuyến dành cho thuốc hiếm (thuốc bệnh viện cần nhưng không có trên thị trường và trong nước không sản xuất được) để giúp doanh nghiệp này rút ngắn thời gian? Trong khi đó, vào thời điểm cuối năm 2013, đầu năm 2014, trong kho công ty này còn tồn hơn 197.000 viên Relotabin - một biệt dược có cùng hoạt chất capectitabine với H-Capita?
Nhân đây, xin bộ trưởng nghe lại tiếng kêu của các doanh nghiệp dược để thấy câu chuyện VN Pharma phải được hiểu như thế nào cho đúng về sự “vô tư, liêm chính” của những người được giao phó trách nhiệm ở Bộ Y tế.
Trong một buổi họp vào tháng 3/2016 tại Sở Y tế TP.HCM, các doanh nghiệp đã “kêu trời” bởi các thủ tục cấp giấy phép đầu tư, thủ tục xin số đăng ký thuốc… quá nhiêu khê và “tốn kém”. Có người nói vui rằng “số đăng ký thuốc là tài sản kếch sù, quý giá của doanh nghiệp dược”. Hay một chuyện cười khá nổi tiếng nhưng có thật vẫn được truyền miệng về sự “nghiêm minh” của Cục Quản lý dược. Đó là trường hợp doanh nghiệp dược ghi trong hồ sơ “tinh bột bắp”. Vào thời điểm sắp hết hạn phải trả kết quả cho doanh nghiệp, cục đề nghị phải làm lại, thay bằng cụm từ “tinh bột ngô” cho đúng dược điển thì mới cấp số đăng ký. Doanh nghiệp mất thêm sáu tháng chỉ vì chuyện “bắp, ngô”.
Tuy khẳng định Cục Quản lý dược không sai, lại có công “phá án”, nhưng chính Bộ trưởng Tiến lại cho hay đã xử lý hành chính, yêu cầu các cán bộ liên quan báo cáo, giải trình, rút kinh nghiệm sâu sắc. Bộ còn thực hiện luân chuyển lãnh đạo, chuyên viên, thay thế và bổ sung các chuyên gia thẩm định (?).
Và “thực vậy”, ví dụ như ông Nguyên Tấn Đạt - Tổ trưởng tổ thẩm định hồ sơ thuốc H-Capita - vẫn đang an nhiên với chức vụ Phó cục trưởng Cục Quản lý dược. Người đứng đầu cục này, chịu trách nhiệm chính trong ký duyệt, cấp phép cho đơn hàng của VN Pharma, ông Trương Quốc Cường hiện đã “luân chuyển” lên ghế Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược!
Nếu phải hiểu và chỉ phải tin những gì Bộ trưởng Tiến nói sau khi Thủ tướng yêu cầu báo cáo trách nhiệm, rằng những cán bộ kia là “người trần, mắt thịt” không thể phát hiện hồ sơ giả, thì với tất cả sự nhân từ, người dân vẫn không khỏi băn khoăn về năng lực chuyên môn, năng lực quản lý của quý vị!
Có một sự thật mà thôi: những viên thuốc nhập lậu, kém chất lượng đã “lọt sổ” khiến sức khỏe, tính mạng người dân đứng trước nguy cơ bị đe dọa. Theo một nguồn tin, nếu nội bộ Công ty VN Pharma không “tố” ra, vụ việc khó bị phơi bày. Vậy, thưa bà bộ trưởng, chúng tôi đặt mạng sống và niềm tin của mình vào trách nhiệm và danh dự của cơ quan quản lý nhà nước chứ không thể trao nó cho sự may rủi được bắt đầu bằng những chữ “nếu”.
Một lần nữa với tất cả sự nhân từ, dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hết sức rõ ràng trong vụ án VN Pharma thuộc về các cán bộ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.
Quốc Ngọc