Sự tẻ nhạt sẽ khai tử tình yêu

10/02/2017 - 11:37

PNO - Cuộc sống sẽ vô cùng nhàm chán nếu chẳng biết lãng mạn và mơ mộng, nhưng nếu quá đi thì bạn giống như người mất thăng bằng, đi lơ lửng giữa không trung

Có một lứa tác giả đã trải qua quãng đường cầm bút khá dài, gắn bó với nghề viết và văn phong đi vào độ chín. Những người này đại diện cho lớp tác giả trẻ đã trưởng thành. Nhà văn Phong Điệp là một trong số đó.

"Văn chương hạ giới rẻ như bèo". Với chị, văn chương có vai trò như thế nào?

Câu bạn vừa nhắc đến nằm trong bài thơ Hầu trời của thi sĩ Tản Đà. Ông viết thế này: "Văn chương hạ giới rẻ như bèo/Kiếm được đồng lãi thực rất khó/Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều/Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu". Câu này vốn hay được các nhà văn nhà thơ nhắc đến khi đề cập đến những  khó khăn, vất vả của người làm văn chương.

Su te nhat se khai tu tinh yeu
 

Bạn thử tính xem nhé: một tác phẩm có khi được nhà văn sáng tác mấy  năm trời, nhưng nhuận bút có khi không đủ cho họ sống trong một tháng. Vậy thì làm sao họ tồn tại được để gắn bó với văn chương. Vì vậy nếu tìm đến với  văn chương như một nghề để mưu sinh thì vô cùng cực nhọc. Số nhà văn sống ung dung được bằng nghề chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng vậy tại sao thời nào cũng có nhiều người đeo đuổi văn chương đến vậy?

Rõ ràng ở đây giá trị vật chất và giá trị tinh thần là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Người ta đeo đuổi văn chương mà không màng đến cái chuyện "rẻ như bèo" vì những giá trị vô giá khác mà văn chương mang lại chăng? Với tôi, văn chương có vai trò rất đặc biệt. Trước đây tôi từng tâm sự rằng, nếu không viết tôi nhạt nhẽo lắm. Cũng ngày ngày đi làm, cơm nước, chăm sóc gia đình... Một cuộc đời bình thường như vậy thôi. Nhưng văn chương thúc giục tôi biết ngẫm ngợi, suy tư, biết quan tâm hơn đến những số phận quanh mình. Văn chương giúp tôi cất lên tiếng nói của mình trong cuộc sống bộn bề. Văn chương giúp tôi mạnh mẽ hơn, sống có ích hơn.

Nhà thơ Phùng Quán từng viết: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Dấn thân trong bể chữ mênh mông, có bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thậm chí muốn buông tay?

"Dấn thân trong bể chữ" - những từ này nghe có vẻ nặng nề quá! Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: Khi xác định văn chương là đam mê thì những mệt mỏi, chán nản... không còn là những rào cản. 

Với số lượng tác phẩm đồ sộ đã xuất bản, nhà văn Phong Điệp tìm nguồn cảm hứng từ đâu?

Cuộc sống chính là nguồn cảm hứng vô giá cho các nhà văn. Chỉ cần những người viết chịu khó mở lòng, đón nhận lấy nó, đau đáu với nó và thể hiện một cách thuyết phục trên trang viết của mình.

Vừa làm báo, lại là nhà văn, chị thấy hai lĩnh vực ấy hỗ trợ mình như thế nào? Và liệu có bao giờ xung khắc?

Tôi tự thấy mình đã có lựa chọn vô cùng sáng suốt khi đi làm báo, mặc dù tôi học Luật. Báo chí là đời sống, là những trải nghiệm, là vô vàn cảm xúc. Từ đó giúp cho văn chương của tôi không bị bó hẹp trong phòng máy lạnh.

Phụ nữ nhạy cảm thường khổ. Nhà văn lại dường như nhạy cảm quá mức cần thiết. Chị có phải là người sống theo cảm hứng, lãng mạn, mơ mộng?

Cuộc sống sẽ vô cùng nhàm chán nếu chẳng biết lãng mạn và mơ mộng, nhưng nếu quá đi thì bạn giống như người mất thăng bằng, đi lơ lửng giữa không trung. Vì vậy tôi luôn phải tự cân bằng bản thân để vẫn tỉnh táo khi giải quyết công việc, vẫn lãng mạn cho cuộc sống lung linh hơn.

“Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi” (thơ Trần Lê Văn). Độc giả đầu tiên của chị là ai, mỗi khi chị cho ra đời một tác phẩm? Còn độc giả trung thành là ai?

Khi viết, tôi làm độc giả đầu tiên của mình.  Tôi sẽ xóa bản thảo nếu những trang viết chưa thực khiến mình thích thú, chưa đủ lay động cảm xúc của bản thân. Tôi kiên trì thực hiện nguyên tắc này từ khi mới viết. Còn độc giả trung thành ư? Không ít bạn đọc đã dõi theo tôi từ thời tôi viết trên báo cho lứa tuổi học trò đến nay, điều đó là niềm hạnh phúc và là động lực giúp tôi kiên trì với văn chương.

Có nhiều nhà văn nữ chia sẻ, chồng họ không bao giờ đọc những tác phẩm của vợ. Còn chị thì sao?

Chồng tôi luôn đón nhận các tác phẩm tôi viết ra, và cũng rất thẳng thắn chia sẻ những nhận xét, đánh giá với tư cách một độc giả. Nhiều ý kiến bổ ích của anh ấy giúp tôi có sự điều chỉnh trong việc sáng tác của mình.

Một ngày của nhà văn - nhà báo Phong Điệp?

Một ngày bình thường của tôi thường bắt đầu từ 6g sáng, chuẩn bị đưa con đến trường, mẹ đến cơ quan làm việc. Chiều mẹ con lại đưa nhau về, cơm nước, học hành. 11g đêm là cả nhà tắt đèn đi ngủ, để bắt đầu cho ngày hôm sau. Để tránh sự nhàm chán, đơn điệu trong cuộc sống, gia đình tôi luôn tranh thủ kỳ nghỉ để đi thăm thú các vùng miền của đất nước. Nhưng có lẽ khác với nhiều gia đình khác, từ bé, các con tôi đã quen với những chuyến công tác của mẹ, nhờ vậy các cháu cũng có ý thức tự lập hơn. Những chuyến đi chính là cách tôi nạp "nhiên liệu" cho văn chương của mình.

Giả sử một ngày có 25 tiếng. Một tiếng đồng hồ dư ấy, chị sẽ làm gì?

Tôi đã từng ước giá một ngày không chỉ có 24 tiếng mà là 48 tiếng! Có bao nhiêu việc cần làm mà thời gian thì dường như lúc nào cũng không đủ. Nhưng rồi tôi lại nghĩ rằng, thay bằng việc ước điều không thể xảy ra thì tốt nhất hãy tận dụng thời gian sống của mình một cách hữu ích nhất, để sau này không bao giờ phải hối tiếc rằng mình đã "sống hoài, sống phí".

Cái nhìn của chị về tình yêu?

Tình yêu giống như một cái cây, rất  cần được chăm chút, nuôi dưỡng mỗi ngày. Nếu không sự tẻ nhạt sẽ khai tử tình yêu.

Với Phong Điệp, thế nào là hạnh phúc?

Hạnh phúc với tôi giản dị lắm. Hạnh phúc có khi chỉ là một buổi tối êm đềm bên gia đình, cùng xem một bộ phim. Hạnh phúc có khi là được dấn thân vào một chuyến đi. Hạnh phúc còn là khi tôi hoàn thành xong một tác phẩm. Hạnh phúc luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, đừng tìm kiếm xa xôi tận đâu.

Tác phẩm Chúng mình làm bạn, con nhé? 

Các bài viết trong sách được tập hợp từ những lá thư tôi viết cho hai cô con gái Sẻ đồng và Cún. Mỗi người mẹ có một cách bày tỏ tình cảm với con khác nhau. Có lẽ là người cầm bút nên tôi đã chọn cách viết cho con. Trước mỗi câu chuyện, vấn đề cần chia sẻ, hoặc những cảm xúc, tôi lại viết những dòng yêu thương, rồi sau đó nói với các con: "Mẹ viết cho con đấy, để ở file ấy, chỗ ấy, con mở ra đọc nhé!".

Vì viết cho con, nên các bài viết trong cuốn sách như lời thủ thỉ, tâm sự, kể chuyện chứa chan tình cảm. Tôi giải thích một cách thấu đáo những thắc mắc của con, hoặc đưa ra tình huống cụ thể mà con gặp phải, rồi hướng dẫn cách giải quyết. Vì sao mẹ sinh con ra trên đời này? Tại sao mẹ không đỡ con dậy? Tại sao con phải đi học? Con cần đối mặt với nỗi sợ hãi ra sao? Con nên giữ lời hứa như thế nào?... là những tình huống cụ thể mà tôi đã trải nghiệm cùng hai con.

Khánh Thủy

(thực hiện)

Nhà văn, nhà báo Phong Điệp, sinh năm 1976 tại Nam Định, cử nhân Luật, cử nhân Kinh tế, hiện là Phó trưởng ban nhà văn trẻ - Hội nhà văn Việt Nam.

Phong Điệp đến với văn chương từ khi còn là học sinh chuyên văn của trường PTCS Trần Đăng Ninh, TP. Nam Định. Khi đang là sinh viên Đại học Luật Hà Nội chị từng đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ trẻ 1996 - 1997 với truyện ngắn “Ma Mèo”.

Đã xuất bản 20 đầu sách gồm: 10 tập truyện ngắn, 4 tiểu thuyết, 2 tập đối thoại văn học, 3 tập truyện dài cho thiếu nhi và 1 tập tản văn.

Đạt nhiều giải thưởng văn học, tiêu biểu: 

- Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ Trẻ năm 1996- 1997 với truyện ngắn .

-  Giải: Chùm truyện ngắn hay nhất về đề tài phụ nữ hậu chiến, cuộc thi truyện ngắn Tạp chí VNQĐ 2014 với truyện ngắn 

- Giải B cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, do Bộ Công an phối hợp với Hội nhà văn tổ chức, 2015 với tiểu thuyết .

Phong Điệp cũng đã đoạt giải thưởng ở cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 2 và 3 do NXB Trẻ, Báo Tuổi trẻ và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI