Sự tàn nhẫn của im lặng

04/12/2016 - 06:30

PNO - Nhu nhược trước cái ác, nhẫn nhục dưới bạo hành.Và im lặng là tàn nhẫn với bản thân.

Năm 1993, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua bản tuyên ngôn về loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ (PN), trong đó có định nghĩa “bạo hành với PN” là những “hành vi bạo lực dựa trên giới tính, có thể hoặc thực sự gây ra những thiệt hại thể xác, tính dục hoặc tâm lý, kể cả những đe dọa, cưỡng ép hay ngăn cấm độc đoán quyền tự do, dù công khai trong trong tư gia”.

Tại Việt Nam, bạo hành đối với PN là cụm từ nghe rất quen thuộc, vì xảy ra khá thường xuyên. Những ý kiến từ các chuyên gia Vũ Phương Ly, cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho PN (UN Women); nhà báo Trần Anh Tú, Trưởng ban Điện tử báo Đại Đoàn Kết; luật sư Vũ Thị Hoài Vân, Trưởng văn phòng Trợ giúp pháp lý cho PN số 6 tại TP.HCM - Bộ Tư pháp; bà Lê Thị Thanh Nhã, chuyên viên ban Vì sự tiến bộ PN và bình đẳng giới TP.HCM sẽ phần nào lý giải vì sao bạo hành vẫn tiếp tục gia tăng, bất chấp nỗ lực của các tổ chức xã hội.

Su tan nhan cua im lang

* Phóng viên: Thất học, nghèo đói hay do tập quán, tâm lý, nhận thức của cộng đồng, hoàn cảnh xã hội khiến bạo hành nảy sinh và được dung dưỡng, thưa các anh chị?

Chuyên gia Vũ Phương Ly: Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với PN tại Việt Nam, bạo lực gia đình và bạo lực đối với PN là vấn đề khá phổ biến tại Việt Nam.

Theo nghiên cứu này, cứ ba PN Việt Nam thì có một người khai báo từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục do chồng gây ra. Có đến 25,9% nạn nhân từng bị thương do bạo lực thể xác hoặc tình dục từ chồng mình trong cuộc đời, trong đó hơn 11,2% cần chăm sóc y tế. Chỉ có 12,9% PN khai báo về bạo lực do người khác (ngoài chồng) gây ra, mà thủ phạm chính cũng là các thành viên trong gia đình như bố, mẹ, anh, em... Hơn 87% nạn nhân chưa từng tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan, đoàn thể và tổ chức nào.

Bạo lực đối với PN xảy ra ở mọi quốc gia và nạn nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, nghèo đói và thất học là yếu tố góp phần dẫn đến bạo lực đối với PN. Chúng ta thường nghĩ rằng bạo lực xảy ra đối với PN xảy ra ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo nhưng thực tế cho thấy, có nhiều dạng bạo lực đối với PN xảy ra ở nhóm có tri thức và có nhu nhập cao trong xã hội. Gốc rễ của bạo hành PN là bất bình đẳng giới khiến PN bị lệ thuộc, bị kiểm soát và tiếp cận các nguồn lực trong quá trình phát triển hạn chế hơn so với nam giới.

Su tan nhan cua im lang

Nhà báo Trần Anh Tú: Bạo hành, cho dù ở mức độ và dạng thức nào, đều có nguyên nhân căn bản nhất là sự bất đối xứng. Đó có thể là bất đối xứng về sức mạnh thể chất, bất đối xứng về quyền lực chính trị, về vị thế xã hội. Hay thậm chí là trong nhiều gia đình, nhiều xã hội, thì các “lực lượng” kiếm ra tiền còn có thể “bạo hành kinh tế” với nhóm cũng lao động nhưng không làm ra nhiều tiền.

* Bên cạnh trẻ em, PN là đối tượng bị bạo hành nhiều nhất. Bởi họ yếu đuối, không có khả năng tự vệ hay do nhận thức của cộng đồng đã ăn sâu vào tiềm thức dẫn đến trở thành quan điểm xã hội, rằng PN có bị đối xử tệ bạc cũng là chuyện bình thường?

Nhà báo Trần Anh Tú: Chẳng có xã hội nào quan niệm rằng PN đáng bị đối xử tệ bạc. Ngay cả chiếc khăn trùm kín mặt của PN Hồi giáo, thứ bị phương Tây chỉ trích khá nhiều, trong xã hội của họ cũng được quan niệm là hình thức bảo vệ phẩm giá người PN. Chỉ có điều, quyền lực và khả năng lạm dụng quyền lực luôn làm người ta tha hóa.

Trong nhiều cộng đồng, đàn ông được trao quá nhiều quyền, bởi cơ cấu kinh tế, bởi nhận thức chung hay bởi chính sự chấp nhận của PN. Nếu có thể bạo hành, một ngày nào đó họ sẽ bạo hành.

Chuyên gia Vũ Phương Ly: Suy nghĩ PN yếu đuối cũng là định kiến. Chính những định kiến giới như vậy đã góp phần vào việc duy trì và chấp nhận hành vi bạo lực đối với PN. Ở Việt Nam, nhiều chuẩn mực xã hội mong muốn người đàn ông phải mạnh mẽ, dùng vũ lực để thể hiện sự nam tính của mình, còn PN lại phải thể hiện sự mềm mại.

Khi một người PN lên tiếng họ bị bạo hành, trong cộng đồng có khi còn trách chắc cô ta ghê gớm hay xảy ra lỗi gì nên mới bị chồng đánh; một PN bị lạm dụng tình dục ở nơi công cộng có thể bị lên án “chắc do cô ta ăn mặc khêu gợi”…

Luật pháp còn nhiều lỗ hổng nên các dạng bạo lực đối với PN chưa bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh với người gây ra bạo lực. Rất nhiều người trong chúng ta còn coi đó là việc nội bộ gia đình nên nhiều khi thấy một người chồng đánh vợ nhưng không can ngăn, không lên tiếng.

Su tan nhan cua im lang

* Vì sao nạn bạo hành được rất nhiều tổ chức tham gia phòng chống nhưng đến nay vẫn tiếp tục gia tăng?

Chuyên gia Vũ Phương Ly: Cần phải nhìn điều này từ nhiều khía cạnh. Thực tế không phải con số bạo hành tăng lên có nghĩa là tình hình xấu đi, vì khi có nhiều người nhận thức về việc này hơn, họ báo cáo và chia sẻ nhiều hơn nên các tổ chức can thiệp, nói đến nhiều hơn và các sự việc được ghi lại nên tổng số vụ sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, bạo lực với PN phải được nhìn từ nhiều góc độ, từ gia đình đến nơi công cộng, nơi làm việc; bạo hành xảy ra ở các cặp đôi đang yêu nhau (bạo lực hẹn hò). Một nghiên cứu gần đây của UN Women thực hiện ở TP.HCM năm 2016 cho thấy, rất nhiều PN bị lạm dụng tình dục ở các nơi công cộng như bến xe, đoạn đường thiếu ánh sáng hoặc trên xe bus.

Một nghiên cứu với 500 PN trẻ ở Việt Nam cho thấy những cặp đôi đang yêu nhau cũng xảy ra bạo lực, đáng báo động là 50% nói rằng họ đã phải hứng chịu một vài dạng bạo lực của bạn hẹn hò của mình, 41% nói rằng họ đã hứng chịu bạo lực tinh thần và 11% nói họ đã bị bạo lực tình dục. Và cứ năm người trong số họ thì có một người nói rằng họ đã bị thương về thể chất và tinh thần như là kết quả của sự lạm dụng và thậm chí có những trường hợp có ý định tự tử hoặc đã tự tử.

Nhà báo Trần Anh Tú: Đầu tiên phải khẳng định rằng “rất nhiều tổ chức” không nói lên điều gì về nguồn lực. Bạo hành diễn biến tinh vi và khó nhận biết nếu nó diễn ra, đặc biệt là lại ở quy mô gia đình, đằng sau mỗi cánh cửa. Nếu muốn “chống” thì nguồn lực phải huy động đến cấp làng, cấp xóm. Không có tổ chức nào, kể cả Hội Liên hiệp PN duy trì hiệu quả một cỗ máy khổng lồ đến vậy. Bạo hành chỉ có thể “phòng” bằng những cơ chế mang tính vĩ mô, trao thêm quyền cho đối tượng yếu thế, ví dụ như tạo cơ hội kinh tế, giáo dục cho PN.

Lê Thị Thanh Nhã: Hiện nay, sự hỗ trợ của cán bộ cơ sở phụ trách công tác phòng chống bạo lực, bình đẳng giới chưa hiệu quả vì nhiều lý do: trình độ chuyên môn còn hạn chế, sự luân chuyển khiến lực lượng biến động và sự phối kết hợp chưa được chặt chẽ để có thể hỗ trợ trọn vẹn và dài lâu trên từng ca bạo hành cũng như tuyên truyền, ngăn ngừa bạo lực gia đình cho cộng đồng.

* Trong khi chờ sự trợ giúp của các tổ chức, cơ quan chức năng, mỗi cá nhân có thể phòng chống bạo hành được không, bằng cách nào?

Chuyên gia Vũ Phương Ly: Mỗi chúng ta đều đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại bạo lực đối với PN. Chúng ta cần phải học cách giải quyết các mâu thuẫn dựa trên cơ sở đối thoại và tôn trọng. Cần thúc đẩy các chuẩn mực xã hội hướng đến bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến đối với PN. Chúng ta hãy lên tiếng khi nhìn thấy bạo lực đối với PN. Nếu bạn có bạn là nạn nhân của bạo lực đối với PN, hãy lắng nghe những vấn đề của họ và tôn trọng các quyết định của họ, ngay cả khi họ không lập tức rời bỏ mối quan hệ bị lạm dụng này. Chúng ta cần phải lên tiếng để phá vỡ sự “im lặng chấp nhận bạo lực” đối với PN.

Luật sư Vũ Thị Hoài Vân: Bản thân phải tự bảo vệ trước đã rồi mới nhờ đến pháp luật. Nạn nhân bị bạo hành năm này tháng nọ, thậm chí lấy chồng khác vẫn bị bạo hành vì trình độ pháp luật hạn chế; cam chịu để cho người kia áp bức; thụ động, không phản kháng, tranh đấu; về than thở với bố mẹ thì bố mẹ lại khuyên “ráng nhẫn nhịn”; hầu hết nạn nhân từng sống lệ thuộc vào vợ/chồng mình.

Khi bị bạo hành, nạn nhân nên gửi đơn tố cáo ở công an phường/ xã, công an sẽ gửi đi giám định thương tích. Nếu mức độ nặng, công an quận sẽ khởi tố; nếu thương tích nhẹ, chỉ trầy xước, nạn nhân cũng nên trình báo để công an mời người có hành vi bạo lực làm việc, tuyên truyền pháp luật, có biện pháp răn đe, có thể lập biên bản xử phạt hành chính. Biên bản này rất có giá trị, đặc biệt là đối với việc xử phạt những lần tái phạm về sau, có thể khởi tố hình sự.

Su tan nhan cua im lang

Lê Thị Thanh Nhã: Đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình, vì tâm lý cá nhân muốn tìm sự an toàn, thoải mái trong thời gian nhất định nên họ rời khỏi mái nhà của mình, đi đến địa chỉ tin cậy cộng đồng, dịch vụ công cộng, nhà bà con, đến chùa hoặc đi lang thang.

Tuy nhiên, sau thời gian đó, họ phải quay về gia đình, nơi có những người thân thuộc, có những mối quan hệ, nơi họ cần phải tháo gỡ vấn đề bạo lực để hóa giải, để sống. Nếu sự trở về này, nạn nhân mang theo những kiến thức, kỹ năng đã được cộng đồng trang bị, có thể giúp họ xử lý mái ấm của mình một cách trọn vẹn.

Nhà báo Trần Anh Tú: Như đã nói ở trên, bạo hành đến từ sự bất đối xứng, giữa mạnh và yếu. Phe “yếu” không tự bảo vệ được bản thân, không trốn chạy được thì mới dẫn đến bạo hành; nếu cho rằng bản thân họ có trách nhiệm trong việc đó thì có vẻ bế tắc về giải pháp. Cái cần là các tổ chức, chính quyền tạo được hành lang pháp lý để người yếu có thể kêu cứu, có thể tự giải thoát mình.

Tôi đã chứng kiến những PN chạy trốn khỏi những trận đòn, chồng đi tù vì bạo lực. Nhưng khi chồng ra tù, họ lại phải quay về căn nhà địa ngục đó. Lý do rất đơn giản: kinh tế. Họ không thể ôm con đầu đường xó chợ. Ý chí bản thân của những người yếu thế không giải quyết được vấn đề.

* Tại Việt Nam, 58% PN đã từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là bạo hành thể xác, tình dục và tinh thần. Điều đáng ngại hơn, một nửa trong số nạn nhân này chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng, điều này do tập quán, trình độ , bị phụ thuộc kinh tế hay còn vì lý do nào khác?

Luật sư Vũ Thị Hoài Vân: Có bà vợ bị chồng đánh quá nhiều lần, bầm mắt, bầm tay, vậy mà lần bị đánh đến tét mặt, bà vợ vẫn xin bãi nại cho chồng khi công an quận làm hồ sơ khởi tố hình sự (dù thương tích dưới 11% nhưng để lại vết sẹo lớn gây mất thẩm mỹ).

Tôi khuyên chị nên để cho công an xử lý đến nơi đến chốn một lần để chồng không còn coi thường pháp luật, nhưng chị lại sợ xấu mặt; sợ khi xử xong, chồng sẽ căm tức chuyện vợ đứng đơn tố cáo sẽ càng bạo hành nhiều hơn.

Một chị ở huyện Củ Chi làm nghề bán cá, quần quật suốt ngày, tối về phải cơm bưng nước rót cho chồng, trật ý là bị đánh, có trận bị đánh văng cả “hàng tiền đạo”. Chị vẫn cam chịu mấy chục năm, không ly hôn, không trình báo, chị bấu víu vào lý do “chồng hay uống rượu nên nóng tính”. PN cứ nằm trong vòng xoáy bạo lực vì chưa cương quyết nói “không”, chẳng khác nào ngầm thỏa hiệp.

Chuyên gia Vũ Phương Ly: Chúng ta nói rằng các nạn nhân cần phải lên tiếng nhưng sự thật là sẽ không ai lên tiếng nếu các chuẩn mực xã hội tiếp tục đồng thuận cho bạo lực xảy ra, cộng đồng xã hội không có hiểu biết và chấp nhận hành vi bạo lực đối với PN, và xã hội không có các dịch vụ chuyên nghiệp giúp đỡ PN khi họ rơi vào hoàn cảnh này.

Nhà báo Trần Anh Tú: Có hai nguyên nhân: tập quán là một thứ rất dễ hiểu với những câu răn dạy cửa miệng kiểu “xấu chàng hổ ai” và “đóng cửa bảo nhau”. Nhưng một nguyên nhân khác, là khả năng tiếp cứu của cơ quan chức năng trong những trường hợp thế này rất thấp.

Để giải quyết đến tận cùng một vấn đề như thế này, công an khu vực không thể làm được: họ chỉ có thể can ngăn và khuyến khích hòa giải. Phải là tòa án. Mà tòa án ở ta thì không tạo ra cảm giác thân thiện với người dân từ lúc nộp lá đơn trở đi, đặc biệt là trong các vụ việc nhỏ.

Su tan nhan cua im lang

* Hầu hết PN bị bạo hành (87%) chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc từ những người có thẩm quyền. Khoảng 1/5 số PN bị bạo hành đã từng rời khỏi nhà ít nhất là một đêm. Thực tế gần như không có một lựa chọn nào cho PN đi đâu và người PN thường quay về nhà vì gia đình. Vì sao lại như vậy?

Luật sư Vũ Thị Hoài Vân: Không ít địa phương, công an làm việc tắc trách, vì lười nên dù biết luật vẫn cho rằng bạo hành là “việc trong nhà, tự xử”, đợi có đổ máu rồi mới tiếp cận. Bạo lực gia đình lại thường xảy ra vào ban đêm (nhất là bạo lực tình dục).

Với bạo lực tinh thần, tình dục, nạn nhân khó thu thập bằng chứng để chứng minh khiến họ chùn bước trước ý định đưa sự việc ra ánh sáng. Ví như bị chồng nhục mạ, chửi mắng, bà vợ lanh lợi thì ghi âm lại nhưng đó chỉ có giá trị tham khảo. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có quy định rõ nhưng việc thực hiện còn khó khăn vì nhiều lý do từ các phía.

Nhà báo Trần Anh Tú: Sự tự chủ về kinh tế là lý do quan trọng nhất. Bạo hành thể xác, tình dục và tinh thần thường bắt nguồn từ bạo hành kinh tế, từ sự bất đối xứng trong khả năng tồn tại độc lập ngoài xã hội, nói đơn giản là có tiền, có quyền sở hữu nhà cửa hay không.

Tôi chứng kiến khá nhiều: cái nhà mà người PN góp công xây kia, về lý thuyết, một nửa của họ, nhưng ở quê lại xây trên đất của nhà nội, xung quanh là họ hàng nhà chồng. Có ly hôn, lực lượng thi hành án cũng còn ngại vào bán đấu giá cái nhà đấy mà chia đôi, chứ đừng nói là người PN. Các cơ chế để PN tự chủ về kinh tế và đảm bảo quyền sở hữu là rất quan trọng.

Lê Thị Thanh Nhã: Có người vợ thường xuyên bị chồng đánh đập, tổn thương nặng nề về thể chất, tinh thần, người chồng lại bỏ mặc chị với hai con cùng bị bệnh. Người tham vấn đã đồng hành, khuyên chị trong lúc rối rắm, bệnh tật, nên tập trung lo cho sức khỏe, làm những bổn phận trong gia đình, hạn chế tranh luận với chồng, mẹ chồng, có thể đẩy tình trạng xấu hơn. Thái độ đúng mực, tích cực của chị trong một thời gian ngắn đã khiến tình hình chuyển biến tốt.

Trường Sơn - Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI