Sự sụp đổ của các trường đại học tư nhân ở Malaysia

06/04/2020 - 16:09

PNO - Dịch COVID-19 khiến các trường đại học tư nhân Malaysia chồng chất khó khăn trong việc cân bằng tài chính và huy động nguồn vốn.

Ngành giáo dục đại học tư nhân của Malaysia đang đối mặt với nguy cơ bị sụp đổ, một nửa số cơ sở tư thục ở đây có khả năng sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn. Chỉ có một vài trường có tiềm lực tài chính tốt đảm bảo cho việc duy trì hoạt động.

Sự khởi đầu của dịch COVID-19 khiến hơn một nửa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Malaysia phải đóng cửa, rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, làm trầm trọng thêm những rắc rối mà ngành giáo dục đại học tư nhân nước này đang mắc phải.

Theo nghiên cứu của giáo sư Geoffrey Williams, nguyên phó hiệu trưởng trường Đại học Tun Razak, 55% các tổ chức giáo dục đại học tư thục Malaysia đang làm ăn thua lỗ.

Các trường đại học tư nhân ở Malaysia khốn đốn giải quyết vấn đề tài chính do dịch COVID-19.
Các trường đại học tư nhân ở Malaysia khốn đốn giải quyết vấn đề tài chính do dịch COVID-19

Khoảng 44% các doanh nghiệp tư nhân mất khả năng cân bằng về mặt tài chính với mức nợ liên tục tăng cao. Trong năm 2018, 64% các tổ chức gặp khó khăn khi các khoản thu chi và tài sản cố định không đủ khả năng chi trả cho các khoản nợ vay trong bảng cân đối kế toán dẫn đến sự suy giảm giá trị vốn cổ đông.

Cách duy nhất mà các trường đại học và cao đẳng tư nhân tại Malaysia duy trì hoạt động là buộc tiếp tục vay thêm các khoản tiền mới hoặc nhờ vào sự tiếp vốn từ các cổ đông.

Tuy nhiên, khó khăn càng chồng chất, có khả năng sẽ trở thành thảm họa đối với ngành giáo dục tư thục khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đang ngày càng lan rộng tại Malaysia, ghi nhận hơn 3.400 ca nhiễm SARS-CoV-2.

Chính phủ nước này đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc cho đến hết ngày 14/4 và chưa xác định thời gian các sinh viên được phép quay trở lại trường. Một số lượng lớn giảng viên dạy hợp đồng bao gồm bán thời gian và toàn thời gian đã bị các trường sa thải. Nhất là với các trường cao đẳng nghề độc lập có quy mô nhỏ, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn khi phải trả tiền thuê nhà, không đủ điều kiện giảng dạy trực tuyến.

Trên thực tế, doanh thu của các trường phụ thuộc chủ yếu vào số lượng sinh viên đăng ký theo học (2 kỳ/năm). Thông thường, tháng 9 hằng năm các trường sẽ bắt đầu năm học mới, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các sinh viên nước ngoài không biết khi nào có thể quay trở lại. Trong số đó, nhiều sinh viên sẵn sàng trì hoãn 1 năm học để đảm bảo an toàn sức khỏe, khiến tình hình tài chính các trường đã khốn đốn lại càng khốn đốn hơn.

Điều này tạo ra những thách thức không nhỏ cho các tổ chức tư nhân về nguồn tiền để duy trì hoạt động. Nhiều cơ sở còn không có bất kỳ tài sản nào đủ làm vật thế chấp đảm bảo cho các khoản vay tiếp theo, do đó, họ chỉ còn biết trông chờ vào việc các cổ đông tăng vốn hoặc các khoản trợ cấp khẩn cấp của chính phủ.

Williams đã thực hiện một phân tích tài chính các tổ chức giáo dục đại học tư nhân và nhận thấy rằng nếu giảm 5% doanh thu sẽ khiến 70% các doanh nghiệp mất một phần khả năng chi trả các khoản nợ xấu, mất 10% sẽ khiến các cơ sở rơi vào tình trạng báo động đỏ.

Đặc biệt, giảm 15% doanh thu sẽ khiến các tổ chức giáo dục đại học tư nhân Malaysia mất hoàn toàn khả năng thanh toán các khoản nợ.

Dịch COVID-19 ngày càng lan rộng tại Malaysia.
Dịch COVID-19 ngày càng lan rộng tại Malaysia

Trước đó, số lượng sinh viên sụt giảm đã từng khiến các trường đại học tư nhân đau đầu. Trong một bài giảng công khai của giáo sư Geoffrey Williams vào cuối năm 2018, khoảng một nửa các trường tư thục có ít hơn 3.000 sinh viên đăng ký theo học, trong đó 25% các trường chưa tới 1.000 sinh viên. Thậm chí, một số tổ chức chỉ có vài trăm sinh viên tham gia khóa học.

Điển hình trong giai đoạn 2014-2016, nhiều trường đại học tư thục vì áp lực tài chính nghiêm trọng đã buộc phải đóng cửa như Đại học Y khoa Allianze, Đại học quốc tế Albukhary, Đại học khoa học và nghệ thuật quốc tế… khiến nhiều nhân viên không được trả lương.

Tại Malaysia, khoảng 45% các trường đại học tư thuộc sở hữu cá nhân hoặc gia đình như đại học Limkokwing; 30% thuộc sở hữu của các công ty; 20% các công ty liên kết với chính phủ, cơ quan chính phủ hoặc sở hữu của nhà nước.

Trong khi đó, các trường đại học nước ngoài tại đây như Đại học Monash Malaysia, Đại học Kỹ thuật Swinburne và Đại học Nottingham Malaysia đều thuộc sở hữu trực tiếp hoặc liên doanh với các đối tác địa phương. 

Sau cuộc khủng hoảng COVID-19, cơ hội để các trường đại học tư nhân Malaysia cân bằng tài chính, lấy lại doanh thu sẽ càng khó khăn hơn, khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với sự suy thoái trầm trọng.

Chung Thu Hương (theo Eurasia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI