Sự sống từ những phép màu

25/11/2013 - 19:50

PNO - PN - Vì mưu sinh, họ tìm đến Tacloban, một thành phố biển miền Nam Philippines. Người ở lâu nhất đã 10 năm, người mới nhất sáu tháng. Mọi chuyện đều suôn sẻ cho tới ngày bão Haiyan ập đến.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chiều 22/11, trên đường từ Tacloban ra thành phố Cebu, tình cờ chúng tôi được biết thông tin về 23 người Việt cuối cùng ở thành phố này, sau nhiều ngày đói khát, khổ sở, cuối cùng cũng đã tìm được nhau sáng cùng ngày ở một thị trấn nhỏ nằm trên đường cao tốc, cách TP. Cebu hơn 100km, có tên là Moal Boal. Sau hai giờ chạy trên con đường gọi là cao tốc nhưng chỉ có hai làn xe, chúng tôi đã đến được một thị trấn nhỏ bé nằm ven biển Đông. Việc tìm kiếm không mấy khó khăn. Cả Moal Boal chỉ có vài ba gia đình người Việt, tất cả đều kinh doanh nên người dân trong thị trấn đều biết. Thậm chí, vừa mới hỏi thăm gia đình anh chị Mẫn - Phấn kinh doanh gạo ở chợ, đã có người báo ngay: hôm qua có rất đông người Việt đến nhà ấy.

Tuy nhiên, gặp được họ không dễ. Nhiều phóng viên Việt Nam đã bị họ từ chối tiếp. Phải mất một lúc thuyết phục, chúng tôi mới tiếp xúc được với họ, đủ cả 23 người, ở nhà anh chị Mẫn - Phấn. Căn nhà cấp bốn 60m2 của anh Mẫn đông nghịt người. Không đủ chỗ, chủ nhà phải thuê thêm một phòng trọ 7m2 đối diện, làm chỗ ngả lưng cho 18 người đàn ông. Ông Hùng - người có dáng vẻ “thủ lĩnh” nhất, tiết lộ: Phần lớn người Việt sang đây đều làm kinh doanh, buôn bán nhỏ. Giờ thì không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra với mình giữa thời buổi loạn lạc này, nhất là ở Philippines, nơi mọi người dân đều có thể sở hữu súng ống mà không cần đăng ký. Bữa cơm đầu tiên sau hai tuần đói khát được dọn ra. Rất nhanh, nồi cơm to, tô canh và nồi thịt kho hết veo. Bỏ qua những gian khổ đã qua, được ăn một bữa cơm Việt Nam sau hai tuần đói khát là điều hạnh phúc nhất với họ lúc này. Dù vậy, họ đang lo không biết lúc nào mới được về nước, trong khi số lương thực, chủ yếu là mì tôm mà đại sứ quán hỗ trợ, đã gần cạn. Vợ chồng anh Mẫn dù có tốt với những người đồng hương đến mấy thì cũng khó cáng đáng được lâu…

Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi quay lại Tacloban để nhặt nhạnh những đồ đạc hy vọng còn sót lại, Đinh Văn Dìn, một trong những người may mắn đến được Moal Boal cho biết, để đến được Moal Boal cả nhóm đã phải liên tục di chuyển, vượt qua không biết bao nhiêu hiểm nguy. Đêm 16/11, những người Việt ở Tacloban đến được thành phố đổ nát Ormoc và chia làm hai ngã, một nửa đi phà sang Cebu, số còn lại đi phà sang Bohol cách đó khoảng 150km. Mỗi người đều tìm cách tá túc ở nhà người quen, rồi dần tụ lại ở Moal Boal trưa ngày 22/11.

Su song tu nhung phep mau

Những người Việt đang tá túc tại nhà anh chị Mẫn - Phấn ở Cebu

Nhớ lại những ấn tượng kinh hoàng đã trải qua, anh Huỳnh Ngọc Sang cho biết, giữa đống đổ nát ở Ormoc, anh liên tục nhận được điện thoại từ Việt Nam nhờ tìm kiếm người thân tại Tacloban. Tối 8/11, không kịp suy nghĩ, anh và anh Nguyễn Kim Kha dồn hết số xăng ở các xe ô tô khác vào chiếc xe bán tải, lao vào bóng đêm. “Lúc đó không kịp suy nghĩ gì, chỉ một chút hy vọng mong manh là còn người sống sót. Thâm tâm tôi chỉ dám nghĩ là phải tận mắt nhìn thấy xác để thông báo lại về nước”, anh Sang kể. Thùng xe chất đầy xăng, thêm chiếc xe gắn máy để khi nào không còn đường chạy ô tô thì đem ra sử dụng. Trời tối đen như mực, con đường đèo ngổn ngang đất đá, cây đổ và xác người. Anh Kha kể, khi còn cách thành phố Tacloban 30km và 18km, có hai ngôi làng chết sạch không còn ai. Xác chết rải rác khắp nơi. “Có lẽ nó sẽ ám ảnh tôi suốt đời” - anh Kha gai người chia sẻ.

Những nỗ lực của người Việt trong khó khăn đã được đền đáp xứng đáng, nhiều câu chuyện như trong cổ tích đã đến với họ. Ông Hùng, người vừa từ Tacloban chạy ra Moal Boal cho biết, ông từng sở hữu căn nhà to nhất khu Barangay 62, ngay cạnh trung tâm hội nghị thành phố - tòa nhà Convention. Sau cơn bão, con kênh sau nhà ông ken đặc xác người, nhưng con trai ông Đức, hàng xóm của ông đã thoát chết kỳ diệu như có phép màu. Khi con sóng đầu tiên ập đến, nhà ông bị cuốn trôi mất nóc. Cậu con trai ông Đức trèo lên bờ tường. Từ xa, thấy con sóng thứ hai, đang đến trên bờ tường cheo leo cách mặt đất 10m, cậu trai 23 tuổi chạy thoăn thoắt. Vừa kịp lúc cậu nhảy sang ôm chặt lấy cây dừa bên cạnh, con sóng đổ xuống. Cả đoạn tường dài đổ ập. Cậu đã ôm chặt ngọn dừa cho tới khi nước rút.

Một điều may mắn nữa, ông Hùng nói, là ông và những người Việt hàng xóm đã không chạy vào trú bão trong Convention Center. Đó là tòa nhà tròn cao năm tầng, kiên cố, rộng mênh mông. Cả ngàn người Philippines đã vào đó tránh bão và vĩnh viễn nằm lại vì đuối nước. Vẫn biết, giữ được sinh mạng là điều quý nhất, nhưng ông Hùng nói, điều ông và cộng đồng 100 người Việt ở Tacloban tiếc nuối nhất là họ không còn cơ hội trở lại thành phố mình đã gắn bó nhiều năm nay. Giờ thành phố đã bị phá hủy, chưa biết đến khi nào mới tái thiết, vì thế, người Việt cũng không còn cơ hội kiếm sống. Con đường duy nhất của họ lúc này là trở về, nhưng đường về cũng vô vàn khó khăn.

 Thái An (Từ Cebu, Philippines)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI