Sự ra đi hôm nay của các bạn trẻ khác hẳn làn sóng “di dân” trước đây

01/08/2016 - 06:43

PNO - Nếu như năm 2004 có khoảng 240.000 lượt kiều bào về qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, thì năm 2013, con số đó đã hơn một triệu lượt người.

Ông Trần Hòa Phương - Phó chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (thuộc UBND TP.HCM) cho biết: cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc lượng kiều hối đổ vào Việt Nam năm sau cao hơn năm trước. Thống kê vừa được Ngân hàng Thế giới công bố năm 2013 cho thấy, Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia có lượng kiều hối nhiều nhất, đạt tới 11 tỷ USD. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM, số kiều hối chuyển về thông qua các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế làm dịch vụ nhận và chi trả trên địa bàn TP.HCM từ năm 1993 đến nay khoảng 50 tỷ USD và gia tăng hàng năm…

Ông Phương chia sẻ, không chỉ đóng góp về kinh tế, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài còn dồn tâm sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng TP và đất nước. Có thể thấy rõ vấn đề này qua những tấm gương như GS-TS Trần Văn Khê - miệt mài truyền bá đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương Nam bộ đến hơi thở cuối cùng; GS-TS Trương Nguyện Thành, kiều bào Mỹ về TP làm Viện trưởng Viện Khoa học tính toán; TS Nguyễn Đình Uyên (từng làm việc cho Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ - NASA) về làm giảng viên ĐH Quốc Tế, ĐHQG TP.HCM; ông Hạnh Nguyễn - một doanh nhân mỗi năm đóng thuế cho TP 1.270 tỷ đồng; kiều bào Nguyễn Văn Công miệt mài xây dựng 220 cầu bê tông, thay thế cầu tre, cầu khỉ với tổng chiều dài các chiếc cầu đã gấp ba lần cây cầu Cần Thơ…

Trí thức, kiều bào các giới trở về sau những cuộc ra đi, đã đong đếm được qua con số cụ thể. Nếu như năm 2004 có khoảng 240.000 lượt kiều bào về qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, thì năm 2013, con số đó đã hơn một triệu lượt người. Sự thu hút người về này không chỉ do chính sách, mà còn bởi tình yêu quê hương, nguồn cội là cái không thể mất đi ở mỗi con người Việt Nam; bởi một sự thật hiển nhiên là vị thế của đất nước đã được nâng tầm, thay đổi.

Su ra di hom nay cua cac ban tre khac han lan song “di dan” truoc day
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình (giữa), người đã bán hết tài sản ở Canada để về nước, góp sức xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM

Ông Phương cho biết, qua quá trình tiếp đón kiều bào các giới, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài nhận thấy tình yêu quê hương và sự khát khao được cống hiến sức lực, trí tuệ, tiền của cho quê hương của kiều bào luôn hiện hữu. Đặc biệt là với giới trẻ, việc được đóng góp công sức, tuổi xuân của mình cho đất nước là một giá trị mà nhiều bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài thừa nhận và tự vun bồi.

“Xin đừng nhìn con số cứ 13 du học sinh ra đi, chỉ một người trở về mà lo ngại. Sự ra đi hôm nay của các bạn trẻ khác hẳn làn sóng “di dân” trước đây. Các bạn trẻ đi là để mưu cầu trí thức, để hội nhập quốc tế, đi trong tư thế quang minh, chính đại. Những người ở lại xứ người phải đánh đổi nhiều thứ và cũng là những người mang vinh quang về cho đất nước, chứ không chỉ là một người “bỏ ra đi”, không thuần vì mưu sinh, mưu lợi cho mình.

Tôi tin vào các bạn trẻ, tin vào những con người Việt Nam, dù đi đến đâu cũng chỉ mong mỏi ngày về. Đã có không ít người thành đạt, những vị giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học tầm cỡ quốc tế như GS-TS Đặng Lương Mô, TS Nguyễn Trí Dũng, TS Nguyễn Đình Uyên… mỗi lần nhắc chuyện “đi - ở” vẫn không giấu được tình cảm rất thật: “Một ngày được sống ở Việt Nam là một ngày tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Hạnh phúc hơn những tháng ngày ở Tây, ở Mỹ…”.

Nghi Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI