Chưa bao giờ những trang báo mạng hay Facebook lại nhiều hình ảnh “phụ nữ quyến rũ” như bây giờ. Họ là những người đẹp đoạt giải trong các cuộc thi, hoặc những diễn viên nổi tiếng, hay doanh nhân thành đạt. Họ mặc đồ hiệu và bên cạnh họ là đại gia cùng cuộc sống sang chảnh.
Quá nhiều phụ nữ khao khát được như họ, rồi tâm niệm phấn đấu để được như họ, theo những tiêu chí căn bản: nhan sắc - thành đạt - đại gia - sang chảnh.
Và, để đạt được những tiêu chí đó, họ bỏ hết tâm trí vào tân trang sắc đẹp, dốc tiền vào thẩm mỹ viện, tạo cho mình những bộ mặt na ná diễn viên, người mẫu nào đó, rồi cố thể hiện sự thành đạt, cố câu đại gia và thể hiện sự sang chảnh bằng các cảnh check-in khách sạn năm sao, đứng bên siêu xe (có thể là đứng nhờ), những bữa tiệc hào nhoáng với tôm hùm, cua alaska, lẩu hải sản...
Những thứ đó có làm cho họ trở thành người phụ nữ quyến rũ và hạnh phúc không?
Chưa chắc!
Dường như, truyền thông mạng xã hội chỉ cố gắng làm cái việc tạo ra các tiêu chuẩn để phụ nữ lao theo chúng, với hy vọng mình sẽ trở thành người phụ nữ quyến rũ hạnh phúc, và những lợi ích nhiều nhất thuộc về các trung tâm làm đẹp, các nhà tạo mẫu, các ngành thời trang, các công ty xe hơi, dịch vụ du lịch và những người đàn ông giàu có. Những mục tiêu thực chất phục vụ cho những thèm khát bề ngoài ấy rốt cuộc chỉ tạo ra một guồng quay chóng mặt của sự cố gắng đến mệt mỏi mà chẳng bao giờ tới đích.
Sự quyến rũ đòi hỏi điều gì đó khác hẳn, đến mức, ngay cả những người có đủ các yếu tố nêu trên, vẫn chưa chắc thành người quyến rũ.
Hạnh phúc cũng vậy. Không thiếu những câu chuyện bi kịch về những người đẹp lừng danh, có đủ tất cả nhưng vẫn bất hạnh.
*
Cũng như tay viết kịch bản khi mới bắt đầu sự nghiệp, luôn tự đặt câu hỏi, làm thế nào để viết một kịch bản thật hay, để có thể quyến rũ khán giả? Viết như Shakespeare chẳng hạn? Chắc chắn là hay đúng không? Shakespeare là thiên tài, những vở kịch của ông là bất tử. Vậy hãy rút ra những nguyên tắc, những tiêu chuẩn từ kịch của ông ấy, rồi viết theo những nguyên tắc đó, chỉ cần ra sản phẩm na ná như ông ấy thôi, chắc cũng quá hay rồi, và nếu không bất tử như ông ấy thì cũng lừng danh ở một giai đoạn ngăn ngắn cũng được.
Nhưng không! Nếu quả thực tay viết kịch bản đó làm ra sản phẩm na ná Shakespeare thì chắc chắn chẳng ai xem, chẳng ai đọc, vì muốn đọc thứ na ná, người ta đọc bản mẫu thì hơn.
Không có nguyên tắc chung nào để sáng tạo ra cái đẹp, ngay cả Shakespeare thì ông ấy chỉ tạo ra nguyên tắc của ông ấy, cho ông ấy mà thôi! Tương tự, không có quy luật phổ quát nào giúp người ta trở nên quyến rũ hoặc hạnh phúc.
|
"Cái duyên" không đến từ các tiêu chuẩn nào đó (ảnh minh họa) |
*
Bạn tôi, một nữ nhân viên văn phòng, thông minh, có học vấn. Cô ăn mặc tinh tế, phù hợp với vóc dáng và công việc, đặc biệt cách cư xử ở cô luôn toát lên vẻ dịu dàng tế nhị và nữ tính. Với bạn bè đồng nghiệp, cô luôn nở nụ cười khi tiếp xúc. Ai cũng công nhận cô là phụ nữ có duyên.
Một người bạn khác của tôi lại là một phụ nữ kinh doanh hàng xén ngoài chợ. Cô ăn mặc khá bụi bặm, cách cư xử và ăn nói của cô thì cứ huỵch toẹt như một chị nông dân chính hiệu. Cô hay nóng giận và quát tháo, nhưng cơn giận của cô qua rất nhanh và cô lại cười ngay sau đó, thậm chí cười với chính kẻ vừa làm cô tức giận. Cũng giống cô nhân viên văn phòng, nhiều người tiếp xúc với cô, ai cũng quý mến và khen cô có duyên.
Một người bạn khác của tôi là một diễn viên, sành điệu và có óc thẩm mỹ, cô thường tự thiết kế trang phục cho mình, hoặc nếu phải đi mua thì những kiểu váy áo của cô cũng “độc lạ”, chẳng giống ai. Cách cư xử với mọi người của cô cũng “chẳng giống ai”, cô yêu hay ghét đều tỏ rõ ra mặt, cô ăn nói sắc sảo thông minh khiến người tiếp chuyện cô như bị bỏ bùa. Ai cũng khen cô có duyên.
Vậy, rốt cuộc “duyên” là cái gì mà người này khác người kia một trời một vực, vẫn có duyên như nhau?
Chính là khi con người thực sự là mình, và toàn bộ vẻ ngoài phải bộc lộ từ chính tâm hồn, từ nội tâm của họ, chứ duyên không đến từ các tiêu chuẩn nào đó được xác định như là chuỗi tiêu chí được chuẩn hóa.
Và như vậy, cái duyên chỉ có thể có với những người có tâm hồn đẹp, phong phú. Và như vậy, tiêu chuẩn duy nhất để có thể làm cho bản thân mình có “duyên” chính là tự hiểu mình, và tự trau dồi tâm hồn mình dựa trên sự hiểu biết đó.
Và cái “duyên” của bạn sẽ làm nên sự “quyến rũ” của bạn. Từ sự “quyến rũ” đích thực đó, bạn sẽ có hạnh phúc!
Biên kịch Đỗ Trí Hùng