Sự “quyến rũ” của một cách kể lịch sử giáo dục

18/11/2020 - 06:30

PNO - Nền giáo dục thuộc địa ở Đông Dương thường được truyền tụng như một thành quả nổi bật của chế độ thực dân Pháp.

Dư địa của nền giáo dục này vẫn còn đủ sức để người Việt Nam thế kỷ XXI bận tâm đến sự tác động của nó trong đời sống. Gần như trùng với tiến trình hình thành một không gian Việt Nam hiện đại trong tương quan thế giới, nền giáo dục đã đi từ việc phục vụ các mục tiêu “khai hóa” tới chỗ đáp ứng nhu cầu nội tại của chính đất nước này.

Cuốn sách Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa: huyền thoại đỏ và huyền thoại đen (Nhà xuất bản Hà Nội và Omega+, 2020) vừa ra mắt của Nguyễn Thụy Phương không chỉ chất vấn một huyền thoại kép có hai mặt tích cực và tiêu cực, mà còn hấp dẫn người đọc nhờ một lối viết và giọng văn “quyến rũ” đầy nhiệt huyết của một chuyên gia lịch sử giáo dục đang giảng dạy tại Pháp.

Cuốn sách bắt đầu với những khảo sát về một bối cảnh nền giáo dục thực dụng, phục vụ trực tiếp cho nền cai trị thực dân trên toàn cõi Đông Dương, với những số liệu công phu về sự phát triển của số lượng người học, của trường sở, kèm theo đó là phân tích đánh giá về tỷ lệ ít ỏi của số người dân thuộc địa được hưởng nền giáo dục này.

Cuốn Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa: huyền thoại đỏ và huyền thoại đen dự kiến sẽ được tiếp nối bằng một tác phẩm dài hơi hơn về trường Pháp hậu thuộc địa ở Việt Nam
Cuốn Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa: huyền thoại đỏ và huyền thoại đen dự kiến sẽ được tiếp nối bằng một tác phẩm dài hơi hơn về trường Pháp hậu thuộc địa ở Việt Nam

Sau những áp dụng nhiều phần máy móc và trầy trật, chính quyền thuộc địa đã đi đến quan điểm then chốt: “Giáo dục phải cải thiện mạnh giá trị của sản xuất thuộc địa bằng cách nâng cao chất lượng của trí tuệ và tăng cao năng lực trong đám đông nhân công thuộc địa. Ngoài ra, nền giáo dục phải tạo ra và phát triển từ tầng lớp cần lao một tầng lớp tinh hoa” (trích từ Thông tri năm 1920 của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut). 

Bên cạnh các khía cạnh vật chất như y tế (vệ sinh, tiêm chủng…), xây dựng cơ sở hạ tầng và an ninh thì giáo dục được xem như đại diện cho khía cạnh tinh thần của sứ mệnh khai hóa. Nghiên cứu của Nguyễn Thụy Phương cho thấy, mặc dù các tổng kết của nhà cai trị thường có những hân hoan về thành quả, song sự thể diễn ra lại rất phức tạp và không thuận chiều.

Trước hết, cuốn sách cung cấp một kiến thức bằng các số liệu về đường lối giáo dục thể hiện bằng những hình tháp rộng ở phần đáy, ứng với khu vực sơ cấp song lại vô cùng hẹp khi lên đến trung học và đại học. Sau 23 năm từ tuyên bố của Toàn quyền Sarraut, phần đỉnh chóp thể hiện cho khu vực học vấn tham gia cấu thành “tầng lớp tinh hoa” này như ý muốn của ông ta vẫn chỉ chiếm 0,2% sĩ số hệ thống công lập thuộc địa.

Chưa kể đó là thời điểm mà Toàn quyền Decoux đẩy mạnh việc mở rộng cơ chế giáo dục thuộc địa nhằm cạnh tranh với sự ảnh hưởng của phát xít Nhật lúc này đã có mặt ở Đông Dương. Đỉnh cao của hệ thống giáo dục này - Trường đại học Đông Dương - cũng mãi đến năm 1942 mới thành lập Đại học Khoa học, trong khi các trường thành viên đã từng bị đóng cửa nhiều lần, tùy theo nhu cầu và quan điểm của chính quốc, cho dù họ luôn phải thừa nhận, “khao khát học vấn và bằng cấp của người bản xứ vô cùng lớn”. Nhan đề phụ của cuốn sách (“huyền thoại đỏ và huyền thoại đen”) nhằm để đi đến một điều: tấm huân chương nào cũng có hai mặt, và hậu thế không có cách nào khác là bình tĩnh nhìn vào đó để tránh thiên lệch.

Điều đáng suy nghĩ là sự tiếp nhận di sản giáo dục này của người Việt suốt hơn một thế kỷ qua. Sự ngưỡng vọng của nhiều người dường như phản ánh một tâm thế lãng mạn hóa các cuộc tiếp biến văn hóa, bất kể những xung đột và sự tổn thương hữu hình lẫn vô hình của sự áp đặt từ bên ngoài lên không gian tri thức bản địa. Cuốn sách mặc dù có độ dày không lớn, song có rất nhiều đường dẫn và gợi mở để người đọc tiếp tục suy ngẫm. 

Nguyễn Thụy Phương cho thấy hệ quả tất yếu của nền giáo dục đã khiến người Pháp e ngại ngay từ sớm: “Có lẽ không nên chỉ cho dân bản xứ cách làm thế nào… để chuẩn bị và tiến hành các cuộc cách mạng” (lời Toàn quyền Varenne).

aaa
Nữ sinh ở Sài Gòn (Ảnh tư liệu của TS Nguyễn Thụy Phương chụp Tạp chí L'Asie Nouvelle)

Nền giáo dục vốn dĩ cổ vũ cho tư tưởng của Cách mạng Pháp năm 1789 giờ đây lại đẩy người Pháp vào sự khó xử, khi dạy lại các học sinh Đông Dương bị trị. Cho dù cố gắng lược bớt những tư tưởng khai phóng “nguy hiểm” từ chính quốc, nền giáo dục thuộc địa vẫn đủ sức tạo ra một giới tinh hoa gồm “những học sinh Việt xuất sắc đứng đỉnh ngọn kim tự tháp giáo dục” trải nghiệm sự mâu thuẫn đó, và đi đến “tìm cách tận dụng những lợi ích hay công dụng của sứ mạng khai hóa”.

Một mặt họ “cay đắng nhận ra rằng những giá trị cao đẹp hiện hành bên chính quốc, như bình đẳng, bác ái, thì hoàn toàn mất giá ở Đông Dương thuộc địa”, mặt khác trong số họ đã sinh ra những nhà ái quốc “huy động và vận dụng trình độ, chuyên môn, kiến thức lĩnh hội được trong trường học (trung học và đại học) dùng làm vũ khí cho cuộc đấu tranh giành độc lập”.

Nghiên cứu của Nguyễn Thụy Phương có thể khiến độc giả hơi bất ngờ vì ngoài phong cách viết rất lôi cuốn (“kể sử” thay vì “viết sử”) còn có một giọng điệu đầy nhiệt thành khi mổ xẻ các vấn đề gây tranh cãi. Vốn là một phần từ luận án tiến sĩ của chị tại Đại học Paris Descartes, cuốn sách dự kiến sẽ được tiếp nối bằng một tác phẩm dài hơi hơn về trường Pháp hậu thuộc địa ở Việt Nam. Mặc dù người đọc vẫn cảm giác nhiều phần có thể khai triển sâu hơn từ khối lượng các tư liệu trích dẫn công phu, cuốn sách của Nguyễn Thụy Phương cho thấy một phong cách trẻ trung của một thế hệ nhà nghiên cứu Việt Nam mang một tâm thế hào hứng với những diễn biến quá khứ, hướng tới việc gợi ra những bài học cho hiện tại. 

Lâu nay, những cuốn sách và nghiên cứu thường có xu hướng tìm một cách diễn đạt trung dung, “phải đạo” hoặc nước đôi nhằm né tránh tranh cãi. Sự hăng hái có vẻ “không an toàn” của nghiên cứu trong trường hợp này, thực tế đã đem lại khía cạnh “quyến rũ” cho khoa học nghiên cứu lịch sử. 

Nguyễn Trương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI