Sư phụ xiếc Kao Long: ‘Đừng nghĩ xiếc là môn nghệ thuật đường phố nghèo hèn’

29/09/2017 - 07:23

PNO - Theo nghiệp xiếc hơn 40 năm, sư phụ Kao Long hiện đang là Chủ tịch Chi hội Xiếc - Ảo thuật, Hội sân khấu TP.HCM. ‘Xiếc đến với người dân từ đường phố, nhưng đừng nghĩ xiếc đường phố là nghèo hèn’, anh nói.

"Khán giả không nhớ được tên chúng tôi dù vỗ tay cổ vũ rần rần"

- Để có được vài phút trình diễn trên sân khấu, diễn viên xiếc phải bỏ công sức hàng tháng hay hàng năm liền luyện tập nhưng sau vài phút trình diễn, khán giả thậm chí chẳng nhớ nổi cái tên, điều này dường như không xứng đáng?

Nhiều người cứ nghĩ xiếc - ảo thuật là tiết mục dùng để dặm, lót trong chương trình. Không ai vỗ tay háo hức chờ đợi diễn viên xiếc bước ra sân khấu, thế nhưng, sau khi diễn xong mọi người vỗ tay còn to hơn là vỗ cho Đàm Vĩnh Hưng. Chỉ có điều, khi vô sân khấu trở lại, khán giả chỉ nhớ đến tên Đàm.

Su phu xiec Kao Long: ‘Dung nghi xiec la mon nghe thuat duong pho ngheo hen’
Sư phụ Kao Long

Đó là điều mà tôi cũng không thể lý giải. Có thể, do việc tiếp cận của ca sĩ thông qua các sản phẩm dày đặc hơn, bằng nhiều cách còn nghệ sĩ xiếc thì chỉ có thể diễn trên sân khấu, bởi nếu một diễn viên xiếc quyết định thu hình lại rồi tung sản phẩm ra như ca sĩ, diễn viên thì đâu ai đi xem tại sân khấu làm gì nữa. Ca sĩ có thể hôm nay ca bài này hôm sau ca bài kia, khán giả ngồi dưới xem họ cảm xúc từng bài cũng khác nhau, còn diễn viên xiếc khổ luyện mới tập được một tiết mục nên sự đa dạng không bằng.

- Chuyện đánh đổi giữa sức khoẻ, thậm chí là tính mạng cho xiếc, đó là việc những ai trong nghề cũng đều phải đối mặt nhưng đồng lương mang về thật sự có đủ sống?

Diễn viên xiếc họ tự hào về nghề nghiệp của mình. Họ cũng làm thêm việc này việc kia như nhận diễn thêm ở các tụ điểm, dạy thể thao… ở bên ngoài thì vẫn đảm bảo được cuộc sống cá nhân.

Bây giờ, mặt bằng xiếc bên ngoài họ trả cũng không đến nỗi đâu, tôi thấy vẫn sống được. Ví dụ tiết mục tung hứng của anh NSƯT Ngọc Bảo được trả 1.500.000đ cho 10 phút diễn tại sân khấu của anh Vân Sơn, vẫn đảm bảo được cuộc sống đó chứ.

Ở trong miền Nam, các sân khấu để diễn ngày càng ít dần, nhưng bù lại có những buổi tiệc sinh nhật quanh năm, phân khúc này rất tuyệt vời. Trong 1 tiếng đồng hồ diễn xiếc ở tiệc sinh nhật, tiền thù lao được trả cũng cao.

- Nhưng không phải khi nào cũng có tiệc và xiếc còn phụ thuộc vào tháng nắng tháng mưa nữa, hỏi thật anh có chạnh lòng hay không?

Thật sự câu hỏi này thì có lẽ bạn cũng vừa hỏi vừa trả lời được rồi, nhưng tôi không nhìn vô góc độ đó, tức là ngành nghề nào cũng có khó khăn của nó như cải lương – cái nôi nghệ thuật miền Nam - nhưng cũng đang gặp khó khăn như vậy, thì chuyện khó của xiếc cũng phải chịu mẫu số chung. Diễn viên xiếc khi họ yêu nghề, họ dành cả cuộc đời mình cho xiếc, kiếm tiền trang trải cuộc sống cũng từ xiếc và bây giờ họ vẫn còn tồn tại thì chứng tỏ họ ổn.

Su phu xiec Kao Long: ‘Dung nghi xiec la mon nghe thuat duong pho ngheo hen’
Sư phụ Kao Long và Minh Tân trong Kỳ tài lộ diện

- Vậy còn chuyện một diễn viên kungfu trình diễn và không có bất kỳ một cơ quan hay tổ chức nào bảo vệ, anh có nghĩ họ ổn?

Bộ môn kungfu ngay trong đoàn xiếc hiện tại cũng không có, tức kungfu là bộ môn nằm ngoài đoàn xiếc công lập. Hầu như anh em phía ngoài họ xuất phát từ các lò võ, họ tập luyện thêm công năng để trình diễn được.

Kungfu thì nguy hiểm đủ thứ, diễn viên ở bộ môn này họ phải dùng chính cơ thể của họ để tập luyện và họ phải chịu sự đau đớn. Ví dụ họ dùng cây đinh để đập vào bả vai, sự đau đớn tột cùng thì họ vẫn phải chịu đựng và vượt qua để đến giới hạn cuối cùng của cơ thể.

"Tất cả những tiết mục kungfu không thể làm đại. Một người cầm kiếm đâm vô cổ không thể chưa qua luyện tập mà họ làm được như vậy. Người thường làm vậy sẽ chết ngay".

Sư phụ Kao Long

Trên phim trường Kỳ tài lộ diện, tôi thị phạm một tiết mục cho khán giả xem độ đau đớn của diễn viên kungfu là như thế nào. Tôi lấy máy đóng đinh và một miếng ván. Trong cơ thể, bộ phận nhạy cảm nhất là lưỡi. Tôi để miếng ván dưới cái lưỡi, rồi dùng búa đóng xuyên qua lưỡi, cây đinh dính trên miếng ván. Sau đó tôi gỡ ra, tôi chỉ làm động tác đó thị phạm để khán giả hiểu được mọi bộ phận trên cơ thể của người diễn viên xiếc kungfu đều phải có sự tập luyện. Ảo thuật là ảo giác, là kỹ xảo còn kungfu hoàn toàn là thật.

- Nguy hiểm như vậy nhưng kungfu lại không có trường lớp đào tạo, cho đến hiện tại đây vẫn là một bộ môn tự phát...

Trong miền Nam thì kungfu không có trường lớp. Họ bắt chước người này người kia rồi học từ truyền miệng. Ví dụ như gặp tôi họ hỏi cách để làm sao thực hiện thì tôi chỉ vậy thôi chứ không ai dám mở trường để dạy những tiết mục này.

Vì vậy trong nghề xiếc kungfu, diễn viên xiếc họ manh mún, rải rác nên khi muốn tập hợp họ rất khó. Họ đi kiếm ăn, kiếm sống ở nơi này nơi khác. Người làm kungfu, họ không có sân chơi chính thức, nhận được show thì đi diễn, xong thì họ nhận tiền ra về chứ không có một ai nhận xét, góp ý cho họ.

Khi được ghi hình trong Kỳ tài lộ diện, anh em họ rất mừng. Tôi nghiệm ra một điều là anh em mừng vì cuộc đời họ chưa bao giờ có được một đoạn clip nào ghi lại hoàn chỉnh tiết mục, cùng lắm trong lúc diễn họ được người thân, khán giả quay lại bằng điện thoại. Có người nói với tôi: “Bây giờ em thi vòng một xong em rớt cũng được, không sao, vì em có cái clip đẹp quá!”.

Clip tiết mục của diễn viên Văn Anh được sư phụ Kao Long trợ diễn trong chương trình I can do that:

 

- Anh nghĩ sao nếu có khán giả cho rằng xiếc là một môn trình diễn ở đường phố, không phù hợp để xuất hiện ở những sân khấu lớn?

Nếu khán giả có nhìn nhận như vậy thì tôi thấy chưa đúng, vì đó là lỗi thuộc về nhà quản lý. Xiếc là một môn nghệ thuật, xiếc cũng có thánh đường xiếc đàng hoàng ở bên Monaco, một chương trình xiếc của họ rất hoành tráng; hay đoàn xiếc Cirque du Soleil của Canada, cả chương trình của họ là một công trình công nghệ và họ còn có học thuyết về xiếc.

Xiếc không chỉ nằm ở đường phố như chúng ta nghĩ. Tất nhiên xiếc ăn sâu vào đời sống, vào từng ngõ ngách nhưng phải nhìn nhận đó là một môn nghệ thuật. Ở bên Trung Quốc có ngôi làng Vũ Hán, nếu trong làng có 300 hộ thì cả 300 hộ đều làm xiếc hết hay nếu gọi xiếc là đường phố thì ở các nước có xây dựng hẳn phong trào nghệ thuật đường phố, nơi đó nghệ sĩ biểu diễn hết mình với khán giả. Trên thế giới có những nghệ sĩ xiếc đường phố rất lừng lẫy nên đừng xem xiếc là một môn biểu diễn ở đường phố mà đánh đồng nó là nghèo hèn.

"Cuộc đời tôi may mắn vì chưa phải gọi ai là thầy"

- Để có được chỗ đứng trong nghề như ngày hôm nay, chắc hẳn anh đã trải qua thời gian làm nghề thật sự nghiêm túc, vất vả…

Tôi bắt đầu từ việc học ảo thuật. Năm 1977, sau 2 năm giải phóng, tôi sinh hoạt ở Nhà thiếu nhi thành phố. Tôi làm công tác đoàn, đội.

Lúc đó tôi chủ yếu diễn ở các đoàn văn công Đồng Tháp, đoàn Tiếng ca Sông Hậu – Hậu Giang, đoàn văn công Sông Bé… người ta hợp đồng với mình thì mình đi diễn, tôi được đi nhiều khu vực vùng sâu vùng xa. Hồi đó thời bao cấp nên đồng lương mình nhận về thấp lắm.

Sau một thời gian đi diễn ở xa, tôi về lại Sài Gòn, gia nhập vào đoàn xiếc Tuổi Trẻ, sau đó nó chuyển thành đoàn Xiếc thành phố, bây giờ là nhà hát Phương Nam.

Su phu xiec Kao Long: ‘Dung nghi xiec la mon nghe thuat duong pho ngheo hen’
Trong Kỳ tài lộ diện, sư phụ Kao Long chịu trách nhiệm nội dung của chương trình

- Có giai đoạn anh chuyển từ ảo thuật sáng xiếc thú, điều gì thôi thúc anh chuyển bộ môn như vậy?

Trong thời điểm đó có một số tiết mục xiếc thú của Liên đoàn Xiếc Việt Nam được tăng cường từ Bắc vào Nam biểu diễn, trong đó có tiết mục xiếc khỉ. Mức lương của tôi trong đoàn nhà nước hồi đó tôi không nhớ rõ nhưng nó cũng ít tiền lắm nên khi thấy tiết mục xiếc khỉ của anh đó sau một đêm diễn ảnh mua được một chỉ vàng đeo trên tay, tôi bị mức thu nhập đó cuốn hút, cộng với trong miền Nam không có bộ môn xiếc thú nên tôi muốn thử.

Lúc đó tôi không biết bắt đầu từ đâu, nhưng bước đầu tiên là tôi mở cuốn sách sinh vật ra để xem con khỉ ăn cái gì, đời sống như thế nào. Sau đó tôi vào Thảo Cầm Viên, tôi nhìn những cái bảng giới thiệu về giống khỉ để lấy thêm thông tin. Tôi nghiệm ra bất cứ con thú nào mình dạy cho nó cái gì nó cũng làm được vì đó chỉ là sự bắt chước nhưng nếu có phương pháp đúng thì mọi chuyện sẽ nhanh hơn.

Con khỉ đầu tiên tôi dạy 1 năm thì con sau là còn 6 tháng, tôi dạy con khỉ thêm nhiều động tác khó như đi xe đạp. Con thú có 2 cách dạy: 1 là đánh, 2 là qua đường bao tử thì tôi chọn cách thứ 2. Nghĩa là muốn con vật tập trung làm gì thì tôi cho nó ăn. Đây cũng là điều tôi học được từ một người huấn luyện thú mà cuốn sách nói về dạy thú của Đức có nhắc đến.

- Trong nghề xiếc, chuyện không có thầy dạy dỗ là một khó khăn lớn nhưng dường như với sư phụ Kao Long đây là chuyện bình thường…

Cuộc đời tôi may mắn vì chưa phải gọi ai là thầy. Nghề này chỉ có làm nhiều tôi mới rút được kinh nghiệm chứ khó có ai sẵn sàng chỉ dạy.

Sau dạy khỉ, tôi mạnh dạn mua các con thú khác để về huấn luyện. Tôi dạy gấu thành công thì càng được nhiều người biết đến. Rồi thời gian sau, Thảo Cầm Viên mời tôi về dạy thú thì cũng đúng lúc 3 người huấn luyện thú từ Đức sang thuần hoá voi cho công viên. Tôi nhận nhiệm vụ theo dõi và học cách huấn luyện, suốt 3 tháng ở đây tôi học được cách dạy voi theo đúng phương pháp. Tôi thử nghiệm ngay cho cặp voi ở thác Dambri – Lâm Đồng và thành công. Sau đó tôi dạy thêm 1 con voi ở Cà Mau, 2 con ở Quảng Ninh. Gần đây, tôi dạy cho 2 con voi ở thác Prenn Lâm Đồng. Voi trông to lớn nhưng nếu có đủ người tôi dạy thì trong tầm 4 tháng là được vì voi có những cái thế cơ bản nếu mình biết thì tập rất dễ.

Su phu xiec Kao Long: ‘Dung nghi xiec la mon nghe thuat duong pho ngheo hen’

- Khi huấn luyện thú, nếu anh nói mình chưa hề gặp phải tai nạn nghề nghiệp nào dù nhỏ, thật sự điều này rất khó tin!

Có thể khó tin nhưng sự thật là vậy, dường như tôi được Tổ nghiệp đãi nên khả năng quan sát và học rất nhanh. Thật tâm đến bây giờ tôi chưa hề bị qua một tai nạn nào cả, đó là điều may mắn đối với nghề xiếc, kể cả kungfu và xiếc thú.

Tôi nhớ, trong quá trình dạy voi thì tôi có cơ hội sang Thái Lan để tìm hiểu show diễn cá sấu ở công viên giải trí. Tôi dành một ngày để quan sát và khi về nước, tôi quyết định làm một chương trình xiếc cá sấu đầu tiên ngay tại đảo khỉ Cần Giờ.

Sau đó Thảo Cầm Viên đang có chương trình xiếc và cần thêm 1 tiết mục ngoài xiếc chim của Singapore. Tôi mạnh dạn đăng ký tiết mục xiếc cá sấu của mình. Tôi tự bỏ vốn khoảng 500 – 600 triệu để dựng rạp và diễn.

Tiết mục cá sấu của tôi đánh trúng tâm lý tò mò, thích những điều mạo hiểm của khán giả nên khách đông hơn hẳn rạp bên đoàn Singapore. Nếu họ diễn 17 suất thì tôi diễn 27 suất, đến khi báo cáo doanh thu trong 10 ngày thì tôi thu về hơn 800 triệu. Nhưng không chỉ do xiếc cá sấu mới lạ mà chính cách tôi sử dụng những con thú bông, chú hề đứng trước rạp để kéo khách vào, bên rạp nước bạn họ không làm như vậy. Đó cũng là một chiêu của tôi để thu hút.

- Có nghĩa là anh có máu liều trong nghề nhưng là một sự liều lĩnh có tính toán…

Sau thời gian diễn trong nước cũng có tên tuổi thì tôi nhận lời làm việc cho một đối tác Đài Loan. Họ đưa tôi 30.000 USD để trả tiền thuê mỗi tháng, còn về diễn viên thì cứ 2 tháng tôi đưa một ê-kíp khác sang luân phiên trình diễn. Lúc đó, tôi lập một công ty riêng để có tư cách pháp nhân cho công việc rồi bỏ vốn để làm cái rạp là 200.000 USD.

Thời điểm đó, 200.000 USD là số tiền không tưởng nhưng tôi đã chi để đưa được diễn viên xiếc trong nước sang. Trong 2 năm sau đó, tôi cứ đưa hết đoàn diễn viên này sang đoàn khác qua Đài Loan, rồi lực lượng diễn viên không ổn định ví dụ như đoàn xiếc thành phố họ đi vài tháng rồi sau đó họ không đi nữa, buộc lòng tôi phải gọi là diễn viên ngoài Hà Nội. Rồi sau thời gian 2 năm hợp đồng, tôi về nước và cũng nhận show đi diễn bên ngoài.

Su phu xiec Kao Long: ‘Dung nghi xiec la mon nghe thuat duong pho ngheo hen’
Sư phụ Kao Long cho biết mình vẫn đang mày mò nghiên cứu những tiết mục mới để thoả niềm đam mê với nghề

- Thời điểm hiện tại, cái tên Kao Long trong nghề xiếc đã rất nổi tiếng nhưng ngành nghề nào cũng vậy, nếu tự hài lòng với bản thân thì đó là một sự thụt lùi, anh có nghĩ vậy?

Hiện tại tôi vẫn đang mày mò học hỏi thêm, ví dụ như gần đây, tôi tình cờ được xem tiết mục bong bóng xà phòng của Fan Yang – người Trung Quốc tại công viên Lê Thị Riêng. Tôi nhìn ra ngay là chỉ cần nước xà phòng dai là có thể làm theo ông ấy còn các trang thiết bị khác như khung hay đèn lazer thì mình có thể đầu tư được.

Tôi lập tức lên mạng tìm hiểu xem bên Trung Quốc nơi nào đang bán, tôi đặt mua trọn bộ dụng cụ để thực hiện tiết mục này. Sau khi nghiên cứu, tôi nghiệm ra là mình không thể tự làm được chất xà phòng như họ vì có một số hoá chất mình không sản xuất được nên buộc tôi vẫn phải nhập về nước xà phòng. Bây giờ thì tôi đã tập được tiết mục như Fan Yang nhưng tôi vẫn còn để ngay tại nhà vì chờ cơ hội để bung ra. Với tôi, việc ra mắt tiết mục nào cũng là cơ duyên cả chứ tôi đầu tư 50 – 60 triệu cho bộ dụng cụ này. Đó không phải là con số nhỏ.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI