PNO - Các đoàn phim hiện nay không tiếc công đi tìm các địa điểm mới lạ và đầu tư cải tạo công phu để có được bối cảnh ưng ý. Xu hướng này gặp nhiều tín hiệu tốt khi các địa phương chủ động phối hợp với đoàn phim hơn để quảng bá du lịch, bối cảnh cũng không phải dỡ bỏ sau khi quay mà trở thành điểm tham quan, check-in.
Bộ phim Cám đang làm mưa làm gió ở phòng vé là tác phẩm kinh dị hiếm hoi có bối cảnh mới lạ, độc đáo. Phim giới thiệu 3 địa điểm ở Quảng Trị hầu như chưa từng lên phim là đình làng Hà Trung, đầm sen Trường Phước và rừng tràm ngập mặn. Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn, đoàn phim đã mất 3 tháng chọn cảnh và chọn Quảng Trị vì hiếm phim nào chọn địa phương này làm bối cảnh. Sắp tới, phim Đèn âm hồn và Thám tử Kiên sẽ trình làng người xem cảnh sắc tuyệt đẹp của Cao Bằng. Đạo diễn Victor Vũ cho biết: “60 - 70% bối cảnh phim Thám tử Kiên quay ở Cao Bằng. Lý do chọn vì vùng đất này mới mẻ với tôi và có nét hoang sơ phù hợp. Bối cảnh rất quan trọng, vì bối cảnh càng hợp thì câu chuyện phim sẽ càng thuyết phục”.
Đoàn phim Cám săn lùng nhiều bối cảnh mới, lạ ở Quảng Trị để đưa vào phim
Trong cuộc chạy đua tìm bối cảnh mới, các đoàn phim cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ phía địa phương. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ, tạo điều kiện cho đoàn phim Hoàng hậu cuối cùng (đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito) quay ở quần thể di tích Huế, điện Kiến Trung là những bối cảnh chính của phim. Đạo diễn Hoàng Nam (phim Đèn âm hồn) kể: “Tỉnh Cao Bằng dành sự quan tâm đặc biệt tới đoàn phim. Trong quá trình phim bấm máy, các cán bộ lãnh đạo tới phim trường thăm hỏi, động viên. Đặc biệt, trong ngày quay đại cảnh, nhờ sự góp sức và điều phối của hội nông dân tỉnh mà cảnh quay buổi chợ có được các đặc sản độc đáo từ mọi miền trong Cao Bằng, đến nỗi khó phân biệt là chợ thật hay phim trường”.
Xem nhiều phim Việt hiện nay, khán giả cũng có thể thấy rõ những bối cảnh ngoài trời ngày càng được đầu tư hoành tráng, tỉ mỉ. Kể chuyện đời sống vương giả, ê kíp Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả đầu tư 2 tỉ đồng cho 500m2 khu vườn Bạch Trà với hơn 2.000 cây bạch trà được ươm tại miền Bắc trước ngày quay 5 tháng và sau đó được vận chuyển tới Huế để trồng luân phiên. Đoàn phim Lật mặt 7: Một điều ước kỳ công trồng cả cánh đồng hoa bất tử. Phim Ngày xưa có 1 chuyện tình ra rạp tháng Mười một tới trồng rẫy bắp 3 tháng cho 2 cảnh quay, nhưng không may bị bão phá hủy nên phải mua gấp 3.600 cây bắp đã lớn về trồng thay.
“Trái ngọt” buổi ban đầu
Việt Nam thiếu trường quay quy mô chuyên nghiệp, nhưng lại sở hữu nhiều cảnh quan đẹp nên bối cảnh trở thành “điểm cộng” cho phim. Điều này có lợi cho hình thức quảng bá du lịch qua phim ảnh, thúc đẩy loại hình du lịch phim trường. Thời gian gần đây, việc này đang đem lại nhiều “trái ngọt” khi một số địa điểm quay phim trở thành điểm check-in của du khách. Một số bối cảnh của đoàn phim được địa phương giữ lại khai thác du lịch.
Về rừng tràm Trà Sư (An Giang) hiện nay, đứng trên cầu Kiều, phóng tầm mắt ra xa, du khách thấy những tấm bảng hiệu với cái tên hiệu buôn vải Vĩnh Tường, tiệm vàng Kim Sang, quầy sạp làm bằng tre nứa cùng vài chiếc xuồng đã có mặt trong cảnh phiên chợ nổi phim Đất rừng phương Nam. Một số đạo cụ như chiếc vó cá, cối xay bằng đá, gánh hàng, niêu đất, chén đá… cũng được lưu giữ.
Bối cảnh ngôi làng trong phim Đèn âm hồn được tặng lại cho địa phương phát triển du lịch
Sau Mắt biếc, những điểm quay trong phim từ cây vông đồng - cây cô đơn ở làng Hà Cảng, căn nhà của nhân vật Hà Lan ở phố cổ Bao Vinh đến Trường tiểu học Đo Đo ở Hợp tác xã Phú Thuận trở thành điểm check-in của rất nhiều người, được một số công ty du lịch đưa vào tour. Thành công của phim Lật mặt 7: Một điều ước cũng giúp làng K’long K’lanh (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) từ chỗ ít người biết trở nên nổi tiếng hơn, thu hút khách.
Vừa qua, phim Hai Muối lần đầu đưa ấp đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ, TPHCM) lên phim cũng góp phần quảng bá địa danh này đến với nhiều du khách hơn. Chị Bích Ngọc - quản lý Thiềng Liềng Homestay - hồ hởi nói: “Tuần có dịp lễ 2/9 năm nay, ấp đảo đón tầm 100 khách, đông hơn hẳn lễ 2/9 năm ngoái. Còn so với mấy tháng trở lại đây thì lượng khách tăng hơn 10%. Các khách đến đảo vì phim chủ yếu là khách lẻ”.
Phim Đèn âm hồn dự kiến tết Nguyên đán mới ra rạp, nhưng hiện đã có tour tham quan phim trường - ngôi làng mà đoàn phim dựng hoàn toàn trên khoảng đất ruộng. Đạo diễn Hoàng Nam cho biết: “Để dựng nên ngôi làng, chúng tôi phải mua lá cọ từ TPHCM, ngâm 2 tháng rồi dùng 2 chuyến xe chở lên tới Cao Bằng. Phim trường 3 lần bị ngập lụt do hoàn lưu bão Yagi nên kinh phí đội lên khá nhiều. Sau khi quay xong, đoàn làm văn bản bàn giao bối cảnh phim ở xóm Bản Ruộc, xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho các chủ đất để bà con phát triển du lịch cộng đồng tại điểm thác Cò Là. Ê kíp cũng tài trợ tất cả những gì có thể để phát huy du lịch tối đa như mở đường, làm lại cầu, tặng thiết bị vật chất cho nhà văn hóa, lắp đèn năng lượng mặt trời”.
Chưa bao giờ điện ảnh và du lịch có những bước phối hợp ăn ý như hiện nay. Địa phương trải thảm, chủ động đón đoàn phim; đoàn phim đầu tư tiền tỉ cho bối cảnh để quay xong tặng lại địa phương phát triển du lịch. Tại nhiều quốc gia, sự kết hợp ăn ý giữa điện ảnh và du lịch đã mang lại những hiệu quả kinh tế to lớn. Tại Việt Nam, triển vọng của phương thức nhiều tiềm năng này đang mở ra.