Sự nhạy cảm về giới giúp đẩy lùi bất bình đẳng và bạo lực giới

21/11/2023 - 05:55

PNO - Các chuyên gia cho rằng vấn đề định kiến giới trong truyền thông vẫn hiện hữu. Do đó, người làm truyền thông cần nâng cao năng lực chuyên môn, phải vô cùng thận trọng và nhạy cảm với vấn đề giới.

Hình ảnh phụ nữ nơi xó bếp khắc sâu thêm định kiến

“Trong 10.000 quảng cáo được phân tích vào năm 2022, phụ nữ được đặt trong bối cảnh gia đình, nội trợ tăng 66%, gấp đôi so với kết quả của năm 2021. Trong khi đó, tỉ lệ phụ nữ xuất hiện trong các vai trò chuyên nghiệp như: lãnh đạo, bác sĩ, công an… lại giảm từ 16% còn 7%”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hiệp Trí - Phó trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM - để mở đầu chương trình “Bữa sáng Ruy băng trắng - vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới” do Sở LĐTBXH phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức ngày 17/11.

Từ minh chứng trên, ông Nguyễn Hiệp Trí khẳng định: “Vấn đề định kiến giới trong truyền thông vẫn hiện hữu, nhất là trong các chương trình quảng cáo sản phẩm tiêu dùng, công cụ làm nội trợ. Người phụ nữ thường xuất hiện trong không gian nhà bếp, chăm sóc con cái… vô tình chúng ta đang khắc sâu thêm định kiến, mặc định đây là công việc của phụ nữ”. 

Sự nhạy cảm về giới sẽ giúp lan tỏa thông điệp bình đẳng, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới. Trách nhiệm lan tỏa này không của riêng ai mà mọi người đều có thể tích cực tuyên truyền bằng tiếng nói, bằng cách cư xử, bằng việc gõ phím tham gia mạng xã hội… 

Bà Phạm Thị Vân Anh (bìa phải) - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - cho rằng,  người làm báo liên quan đến các vấn đề giới cần có trái tim thấu cảm - ẢNH: DIỄM TRANG
Bà Phạm Thị Vân Anh (bìa phải) - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - cho rằng, người làm báo liên quan đến các vấn đề giới cần có trái tim thấu cảm - Ảnh: Diễm Trang 

Là tờ báo đại diện cho tiếng nói của giới, cách đây 27 năm, Báo Phụ nữ TPHCM đã có 2 số điện thoại đường dây nóng phục vụ bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc đang gặp các vấn đề trong cuộc sống hoặc bị bạo lực gia đình. Góp mặt trong chương trình, bà Phạm Thị Vân Anh - Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - cho biết: “Qua đường dây nóng, tất cả các thông tin đều được tiếp nhận, xác minh, kết nối, can thiệp, hỗ trợ kịp thời và theo dõi các vấn đề của bạn đọc cũng như tư vấn tâm lý. Phóng viên phụ trách đều là những cây bút dày dặn kinh nghiệm, có kiến thức và am hiểu về giới, pháp luật. Đặc biệt, họ tác nghiệp không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng tình thương và cả trái tim thấu cảm”.

Không thể thống kê hết những nạn nhân bị bạo lực, bất bình đẳng giới tìm lại được cuộc sống an toàn, hạnh phúc từ kênh tiếp nhận, hỗ trợ của Báo Phụ nữ TPHCM. Một nữ công an bị chồng cũ tạt a xít trong cơn cuồng ghen, một nữ giáo viên bị chồng vũ phu đánh bằng xà beng đến chấn thương sọ não phải sống đời thực vật suốt 7 năm trước khi mất, một đứa trẻ không được đến trường vì là con gái… hồ sơ tiếp cận đã dày nhưng hành trình của những ngòi bút vẫn luôn trong tâm thế bắt đầu. 

Trong chương trình, nhiều nhà báo, cán bộ đều cùng quan điểm rằng, trong công tác truyền thông, ngoài phản ánh những câu chuyện bạo lực, báo chí cũng cần tăng cường bài viết với các gam màu tươi sáng như câu chuyện gia đình hạnh phúc, nêu gương ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, nam giới tiên phong phòng chống bạo lực gia đình… 

Truyền thông phải thận trọng và nhạy cảm với vấn đề giới

“Bữa sáng Ruy băng trắng” là một trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” và “Chiến dịch 16 ngày xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” năm 2023. Chương trình thu hút hơn 30 cơ quan báo chí tại thành phố và 150 đại biểu các cơ quan sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức và các đơn vị liên quan cùng cơ quan Liên hiệp quốc thảo luận và kêu gọi sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới.

Phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới còn tiềm ẩn nhiều thách thức, đó là bản chất phụ nữ dễ yếu lòng, bỏ qua, im lặng trước nguy cơ bạo lực. Theo số liệu từ điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019, “cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời.

Các giới cùng thắp sáng đèn, tô cam hưởng ứng  “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó  với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2023 - ẢNH: DIỄM TRANG
Các giới cùng thắp sáng đèn, tô cam hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2023 - Ảnh: Diễm Trang

Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực”. Tỉ lệ phụ nữ, trẻ em, phụ nữ trong nhóm khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực cao cả về thể xác, tinh thần, không chỉ trong gia đình mà còn ngoài xã hội, cộng đồng. 

Chuyên gia tâm lý Mia Nguyễn (chuyển giới nữ, nhà sáng lập Ladies of Vietnam) nhấn mạnh: “Bình đẳng về giới tính không chỉ có nam, nữ mà còn có cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới và sự đa dạng về cảm nhận của con người. Truyền thông cần có cái nhìn bao quát, lan tỏa thông tin đủ rộng và mạnh trong các giới. Tránh khai thác hay sử dụng từ ngữ tiêu cực, kỳ thị, phân biệt, xúc phạm”.

Nhà báo Lý Thu Hiền - Phó ban Khoa giáo, Đài Truyền hình TPHCM - trăn trở trước nghịch lý: nạn nhân bị bạo lực lại là người phải rời khỏi gia đình, rời khỏi căn nhà thân thương an toàn nhất để tìm đến nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy cộng đồng, chứ không phải là người có hành vi bạo lực.

Bà Caroline Nyamayemombe - Quyền trưởng văn phòng UN Women Việt Nam - chia sẻ: “Khi nhìn vào vấn đề giới, phải tiếp cận toàn diện, nhiều góc độ, nhiều nội dung, truyền tải theo cách tích cực thay cho những câu chuyện buồn, có quy tắc ứng xử, có nhạy cảm giới…”. Cũng theo bà, các cơ quan truyền thông, báo chí, các phóng viên, biên tập viên sẽ đầu tư vào việc nâng cao năng lực chuyên môn về lĩnh vực bình đẳng giới, bạo lực giới, áp dụng các chỉ số nhạy cảm giới, truyền tải nhiều câu chuyện có chất lượng về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực.

Còn theo ông Mark Tattersall - Phó đại sứ quán Úc tại Việt Nam, việc cung cấp thông tin đầy đủ về các trường hợp bạo lực tạo nên sự thương cảm của toàn xã hội nhưng cũng có thể đẩy định kiến và mang tính đổ lỗi cho người bị bạo lực. Do đó người làm truyền thông phải vô cùng thận trọng và nhạy cảm với vấn đề giới. 

Cần có chiến lược truyền thông lâu dài nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Để thay đổi các định kiến, hành vi bạo lực bị ảnh hưởng bởi các quan niệm văn hóa đã ăn sâu, bám rễ trong tư tưởng của nhiều người, từ nhiều đời thì cần có chiến lược truyền thông vận động lâu dài, liên tục và sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng. Trong đó, các cơ quan truyền thông, báo chí và bản thân các nhà báo có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi của cả nạn nhân, người gây ra bạo lực cũng như cộng đồng xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM

Chiến dịch Ruy băng trắng là phong trào toàn cầu từ năm 1991 với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Nam giới được khuyến khích đeo ruy băng trắng để thể hiện việc lên tiếng chống lại bạo lực với phụ nữ.

Chiến dịch Ruy băng trắng thường tập trung các hoạt động vào 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, bắt đầu từ ngày 25/11 và kết thúc vào ngày Nhân quyền 10/12. Bữa sáng Ruy băng trắng với nam giới là sáng kiến của tổ chức White Ribbon Australia nhằm kêu gọi sự tham gia tích cực của nam giới với tư cách là những người đồng hành trong phong trào chấm dứt bạo lực giới với phụ nữ.

Diễm Trang - Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI