Đứa cháu tôi òa khóc tức tưởi khi nghe ba nó quyết định hủy vé xe, không về quê đón tết như kế hoạch. Nhưng, sau khi nghe giải thích về diễn biến của dịch COVID-19, đứa trẻ tám tuổi cũng dần hiểu và thôi ấm ức. Tôi cũng chạnh lòng khi thấy thằng bé thất vọng vì trước đó, cháu đã rất háo hức, nhưng tôi ủng hộ quyết định của anh chị.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại chung cư Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TPHCM
Thú thật, chính tôi cũng phân vân, không biết có nên về quê đón tết trong bối cảnh này không. Đang lúc đó, có người quen gọi điện, hỏi tôi đã mua vé về chưa; nếu chưa thì giúp anh mua lại vé xe của một người. Tôi đến địa chỉ anh đưa cho, gặp một ông cụ gần 70 tuổi, sống trong phòng trọ tầm 4m2 ở Q.Tân Phú, TPHCM. Hỏi chuyện, ông nói từ quê vào TPHCM nhặt ve chai, bán vé số. Hằng tháng, sau khi trừ khoản chi tiêu cho mình, ông gửi hết tiền về quê cho vợ nuôi đứa cháu bại não sau khi cha mẹ nó qua đời trong một vụ tai nạn.
Ông cụ chia sẻ, tình hình COVID-19 càng lúc càng khó lường, nhỡ lúc về quê, phải đi cách ly thì khổ. Ngày trở lại thành phố cũng vậy, biết đâu phải tiếp tục cách ly? Tôi cầm tấm vé ra về trong tâm trạng bối rối dù biết những lời của ông cụ chỉ là phỏng định. Song, tôi cũng thấy mình không phải, vì đã không tự đặt mình trong một nguy cơ nào đó để cân nhắc, như ông.
Đến lúc này, 10 tỉnh đã xuất hiện ca nhiễm và thực hiện giãn cách, phong tỏa nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ sáng 2/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, trước đây, chu kỳ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam ước tính 4-5 ngày; lần này rút ngắn, chỉ còn 1-2 ngày. Thời gian ủ bệnh trước đây khoảng 5-7 ngày, nay từ ngày thứ hai đã phát sinh triệu chứng. Từ phân tích kháng nguyên, virus này là một trong những biến chủng ở Anh - chủng có khả năng lây nhiễm rất cao, thời gian lây nhiễm nhanh. Đặc biệt, khả năng đào thải mầm bệnh ra ngoài rất cao và tỷ lệ lây nhiễm tăng 70% so với trước.
Đến nay, dù chưa có thông báo chính thức về giãn cách xã hội, nhưng thông điệp “ai ở đâu, ăn tết đó” được truyền đi như một sự khuyến khích. Ở TPHCM, nhiều người trả lại vé xe, tàu, máy bay, hàng chục tour du lịch bị hủy, hoãn để đảm bảo an toàn. Người dân chọn đón tết xa quê, gác lại những vui vầy, sum họp. Như ông cụ chia lại vé xe cho tôi đã chọn cách dằn lòng nỗi nhớ nhà, nhớ người thân nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả.
Giờ, được hỏi có nên về quê đón tết hay không, tôi không khuyên nên ở hay về. Tình hình dịch bệnh quá khó đoán, mỗi ngày đều phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng thì mọi thứ có thể bị đảo lộn trong từng phút giây. Thay vào đó, tôi thường hỏi ngược lại: ta sẽ ăn tết thế nào nếu ở lại hoặc về quê? Những cuộc bàn luận giữa chúng tôi đi đến nhất trí: ăn tết ở đâu cũng phải trên tinh thần phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn.
Nghe dễ nhưng thật khó để thực thi. Tết đồng nghĩa với lui tới, gặp gỡ, tụ họp, chúc mừng. Sự an toàn đồng nghĩa với việc điều chỉnh thói quen, “quy hoạch” lại nếp sinh hoạt của cá nhân, gia đình, thiết lập những dự án nào đó nho nhỏ, ngắn hạn cho mình và gia đình nhằm phù hợp cảnh huống.
Như anh chị tôi vẫn còn loay hoay với nỗi lo không biết sẽ đón tết ra sao khi ở lại TPHCM; chơi với con thế nào khi trở thành những ông bố, bà mẹ toàn thời gian, gánh hết những ẩm ương của lứa tuổi mong đòi một cái tết như vốn dĩ. Rồi anh chị cũng à lên, nhớ ra biết bao dự định chưa thực hiện trong gia đình, như dạy nhau làm món ăn, cùng dựng cho con một căn lều trong nhà hay chỉ cho con cách luộc trứng. Anh bạn độc thân của tôi từng tỏ vẻ chán chường khi không thể về quê, nay cũng đã lên kế hoạch thiết kế lại căn hộ trong những ngày “nằm nhà đón tết”.
Trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng luôn chọn được cách ứng xử phù hợp. “Tết là phải về” lâu nay được xem như mệnh lệnh trái tim. Nhưng trước biến động của đất nước trong sự chống chọi với dịch bệnh phức tạp, tết không nên về và tết sao cho an toàn cũng trở thành một sự lựa chọn của trái tim.