Năm đó, chị lập gia đình khá muộn so với bạn bè cùng trang lứa. Ở quê, qua ba mươi tuổi mà chưa có chồng thì khó sống yên. Cha mẹ chị sốt ruột. Mẹ tìm người mai mối, giục chị đi gặp gỡ, hẹn hò.
Trong mắt bà, con gái mình có công việc ổn định, tính tình hiền lành, tốt bụng, nữ công gia chánh giỏi, sao có thể chịu cảnh “ở vậy” để người ta nói. Chị cũng không vượt qua được “dư luận”, nên đã gượng ép gặp gỡ người này người kia.
Ba mươi lăm tuổi, chị mặc váy cô dâu. Ngày cưới, bà con hai họ đều mừng vui. Chồng chị bốn mươi ba tuổi. Tìm hiểu một thời gian, chị thấy anh chín chắn, chững chạc, công việc cũng ổn định, không rượu chè, cờ bạc.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Mọi người đều chờ mong một đám cưới vì cả hai đều lớn tuổi. Chị nghĩ sai lầm là ở đó, bởi chị bị tuổi tác thúc giục, bị người ngoài vun đắp thái quá, thành ra vội vàng.
Anh khiến chị thất vọng sau đám cưới ít lâu. Lúc tìm hiểu, anh là người tâm lý, luôn quan tâm, nhẹ nhàng với chị.
Vậy mà cưới về, vì một xích mích nhỏ, anh chỉ vào mặt chị và quát tháo nặng lời. Chị sốc, nằm khóc cả đêm. Chị không nghĩ anh lại xấu tính đến thế. Anh không hề xin lỗi, cũng chẳng dỗ dành. Mặc chị giận, anh không quan tâm.
Hai người chiến tranh lạnh hơn một tuần, chị chẳng nhớ vì sao mình hết giận, dù khi sự việc xảy ra, chị nghĩ sẽ chẳng bao giờ quên, chẳng bao giờ tha thứ cho chồng.
Và rồi hết lần này đến lần khác, tần suất dày đặc hơn, anh liên tục khiến chị tổn thương bởi những lời mạt sát. Chị không dám ly hôn khi mới cưới. Chị sợ cha mẹ không chịu nổi, ngày chị lấy chồng, họ đã vui biết bao.
Chị có tin vui. Cả hai bên gia đình đều mừng. Chị mong đứa con sẽ khiến anh thay đổi. Thời gian bầu bì, anh vẫn làm chị buồn vì những bực bội vô cớ. Anh luôn xem bản thân là nhất, dù vợ đang bầu bì mệt mỏi, anh không một chút nhường nhịn.
Căng thẳng khi sống với anh, thêm chứng mất ngủ khiến chị nghĩ mình trầm cảm trong suốt thai kỳ và khóc suốt. Có lẽ, vì lý do đó nên đứa con bé bỏng của chị đã rời đi khi chưa đủ ngày đủ tháng. Chị đau khổ cùng cực rồi trầm cảm một thời gian.
|
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto |
Nghĩ lại quãng thời gian đáng sợ đó, chị không biết mình đã vượt qua bằng cách nào. Có lẽ do nghĩ đến cha mẹ nên chị mới mạnh mẽ, tìm tòi để tự chữa lành cho bản thân. Chị tìm đến thiền, tìm đến các lớp học chữa lành, tự chữa trị, trong khi ấy, chồng chị không hề hay biết gì về chị. Mất con, anh cũng chẳng đoái hoài. Người ngoài không biết có thể xem là anh lạc quan, nhưng ranh giới giữa lạc quan và vô tâm vô tình cũng gần nhau lắm.
Cưới mấy năm mà vẫn chưa có em bé, chị áp lực vì những lời bàn tán của họ hàng và làng xóm. Gia đình chồng không thông cảm, đi đâu họ cũng đổ lỗi muộn con, mất con đều do chị. Chị ấm ức, uất nghẹn nhưng không biết làm gì. Chị ghét bản tính hiền lành của mình, cứ âm thầm chịu đựng và nhẫn nhịn, không hề phản kháng.
Trời thương, chị lại mang thai lần nữa. Cũng ốm nghén, cũng mệt mỏi vì chồng như bản tính cũ, thờ ơ, vô tâm đến đáng sợ. Chưa kịp mừng vui thì chị lại không giữ được con, thậm chí suýt mất mạng.
Một ngày, khi đứng trước gương, nhìn tấm thân đầy sẹo của mình sau những lần phẫu thuật, nhìn ngực chảy xệ, bụng mỡ tích tụ của những lần mang thai, đầu óc chị trống rỗng. Những người đàn bà khác hay than vãn rằng, cái giá họ trả cho những vết rạn da, cho những xập xệ trên thân thể đàn bà để đổi lại những đứa con vô giá.
Cớ sao, chị nhận hết tất thảy những hư hao này, nhưng ông trời không cho chị lấy một đứa con, không cho chị một người chồng nhẹ nhàng yêu thương để vỗ về chị qua những đớn đau đó!
Thức trắng đêm để suy nghĩ, chị hối hận bởi đã lấy chồng. Chị đã không nhận được gì ngoài những tổn thương về tinh thần lẫn thể xác. Từ một người lạc quan yêu đời, giờ đây chị mất niềm tin vào cuộc sống. Từ người khỏe mạnh, thân thể chị giờ chằng chịt vết sẹo, sức khỏe yếu đi sau những lần phẫu thuật. Bao nhiêu năm trời, cùng anh xây dựng tổ ấm, tiền bạc chị cũng đổ vào hết cho ngôi nhà của vợ chồng.
|
Ảnh mang tính minh họa - BenzoiX |
Người đàn ông của chị lấy hết tiền vàng cưới ngày xưa, không đưa chị một đồng. Những vật dụng trong nhà do chị sắm sửa, coi như mất trắng. Cả ngôi nhà, từng viên gạch, từng viên đá đều có đóng góp của chị nhưng anh mặc nhiên phủ nhận. Bảy năm, chị mới dám kết thúc cuộc hôn nhân, quyết định ra đi với hai bàn tay trắng.
Nhiều năm sau gặp chị, tôi thấy chị đang thủ thỉ vui đùa cùng một em bé. Chị nói, chừng ấy năm hôn nhân, coi như chị học được bài học về sự kham nhẫn và bao dung. Điều chị lấn cấn duy nhất khi ra đi khỏi ngôi nhà đó là không thể về thăm viếng mộ của các con.
Chị nhận nuôi một đứa trẻ. Em bé này đến với chị như thể bù đắp tất thảy tổn thương chị từng chịu đựng. Thế nên chị bảo tôi đừng vội lấy chồng chỉ vì áp lực tuổi tác, vì những thúc giục của gia đình. Cuộc đời này luôn cho chúng ta sự chọn lựa, biết sống thì sẽ vui vẻ, hạnh phúc.
Kha Anh