Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng về văn hóa ẩm thực. Dịp tết Nguyên đán, ở miền Bắc và miền Nam, thực đơn món ăn 3 ngày tết khá khác biệt.
Miền Bắc
Ở miền Bắc vốn ưa chuộng về hình thức, mâm cơm ngày tết được chuẩn bị rất công phu, đẹp mắt, gồm cặp bánh chưng xanh mướt, đĩa xôi gấc đỏ tươi, thịt gà luộc rắc lá chanh, các món xào, món canh thì được rắc thêm hành, rau thơm. Mâm cơm ngày tết ở miền Bắc như bức tranh đa sắc của bốn mùa.
Bánh chưng được xem là món ăn không thể thiếu đối với mâm cơm tết miền Bắc. Nếu bạn nhìn thấy gia đình nào làm bánh chưng ngày tết thì ắt hẳn họ là người miền Bắc. Bánh chưng được coi là “linh hồn” của ngày tết Nguyên đán miền Bắc.
Trên bàn thờ tổ tiên của người miền Bắc dịp tết, không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Những chiếc bánh chưng vuông vức với màu xanh mướt mắt được nấu từ gạo nếp thơm dẻo, đỗ xanh, thịt, hạt tiêu, mang đến hương vị đặc biệt và tinh tế.
Gạo nếp phải là loại dẻo thơm nhất, để lâu không bị lại gạo. Nhân bánh thường có thịt, đậu, hành khô, hạt tiêu. Bánh phải gói chặt tay, sau khi luộc suốt 14 giờ, vớt ra rửa qua nước lã rồi dùng một tấm ván cùng những vật nặng ép chặt để khi cắt, bánh dẻo nhưng không nát.
Xôi gấc cũng được xem là món ăn điển hình của 3 ngày tết ở miền Bắc. Theo quan niệm của dân ta từ xưa, màu đỏ là màu của may mắn, hạnh phúc, nên trong các ngày rằm, ngày lễ, đặc biệt là ngày tết, sẽ có một đĩa xôi gấc. Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp, khi chín sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp.
Dưa hành là món ăn kèm không thể thiếu của mâm cơm tết miền Bắc. Người xưa có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Khó có món ăn kèm nào có thể thay thế dưa hành. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành vừa giúp gia tăng hương vị vừa giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn.
Dưa hành là món ăn có lịch sử lâu đời ở miền Bắc. Nếu 3 ngày tết, gia đình nào thiếu món này giống như đã quên đi một phần ký ức xưa cũ.
Nem là món ăn được biến tấu đa dạng nhất, ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam sẽ có cách chế biến khác nhau. Nem rán là món ăn dễ chế biến, đã trở thành món ăn quen thuộc trong các gia đình Việt Nam, đặc biệt là trong những dịp tết.
Những miếng nem được rán vàng với lớp vỏ giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Món ăn này được rất nhiều người ưa thích, là món ăn tuy hình thức “khiêm tốn” nhưng công đoạn làm cũng khá cầu kỳ và cần nhiều nguyên liệu, gia vị.
Giò - đối với người Việt Nam, trong mâm cỗ ngày tết từ xưa đến nay, giò, đĩa chả đã trở thành món ăn không thể thiếu.
Các món giò cũng vô cùng phong phú như giò lụa, giò bò, giò thủ… Khi bày cỗ, giò thường được thái theo khoanh, chia thành miếng gọn gàng, trông đẹp mắt và dễ gắp. Vị hơi béo, ngậy nhưng chính đặc trưng này sẽ khiến người ăn khó quên ngay từ lần đầu tiên.
Bên cạnh các món đặc trưng này, ở miền Bắc dịp tết, nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm các món nước: giò heo hầm với măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến nấu lòng gà, rồi bát mọc nước… Người ta còn chuẩn bị thêm nồi cá chép hoặc cá trắm kho riềng, nồi thịt bò kho quế, món nào cũng đậm đà hương vị tết Bắc.
Miền Nam
Món ăn tết ở miền Nam cũng phong phú không kém. Những món ăn cũng tượng trưng cho tính cách chất phác, giản dị của người miền Nam.
Bánh tét: Nếu như người miền Bắc có bánh chưng trong ngày tết thì người miền Nam có bánh tét. Bánh tét tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời khác và không thể thiếu trong ngày tết.
Bánh tét có nhiều loại như: bánh tét mặn, bánh tét nhân thập cẩm, bánh tét ngọt, bánh tét chay không nhân. Bánh tét cũng được chế biến từ các nguyên liệu giống như bánh chưng nhưng được gói thành hình trụ dài thay vì hình vuông.
Người miền Bắc thường không thích ngọt nhưng người miền Nam thì ngược lại. Bánh tét ngọt ở miền nam trông rất hấp dẫn bắt mắt với màu sắc và cách gói đa dạng hơn. Bánh tét được xem là “linh hồn ẩm thực tết" của người miền Nam.
Thịt kho tàu: Có thể nói, nếu tết miền Nam mà không có thịt kho hột vịt thì như thiếu vắng gì đó, nên thà ăn đến ngán, vẫn phải nấu cho được nồi thịt to để cả nhà ăn xuyên tết.
Đây là món ăn có sự hòa quyện những nguyên liệu đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Thịt kho bằng nước dừa, nước lỏng, có một ít màu nâu nhạt do đường thắn. Thịt trong này có một nửa là mỡ, đặc biệt béo, khiến nước thịt hay nổi lên váng mỡ nhàn nhạt lấp lánh, rất hấp dẫn. Nó mang hương vị vừa ngọt vừa mặn, vừa béo vừa thơm – đặc trưng khẩu vị của người miền Nam.
Canh khổ qua: Đây là món ăn được người miền Nam chuẩn bị trong mâm cơm ngày tết. Họ hay đùa với nhau rằng, ăn cho cái khổ nó qua đi. Món canh tuy hơi đắng nhưng lại là món ăn có tác dụng tốt cho cơ thể.
Canh khổ qua được nấu từ những trái khổ qua tươi, cạo bỏ ruột, nhồi thịt băm nhỏ vào bên trong, rồi dùng nước hầm xương để nấu. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị đắng của khổ qua hòa lẫn với vị ngọt của thịt, nước canh hơi đắng nhưng lại là món ăn giúp bạn giải ngán khi ăn các món ăn nhiều đạm trong ngày tết.
Củ kiệu, tôm khô: Nếu như miền Bắc có dưa hành thì miền Nam có củ kiệu, tôm khô. Đây là món ăn kèm với bánh tét cực kỳ thú vị.
Nhiều người không thích ăn dưa chua, nhưng lại không thể phủ nhận là nếu thiếu nó, các món bánh tét, thịt kho trở nên ngậy và ngán hơn hẳn.
Trần Yến