Sự im lặng đớn hèn

23/11/2018 - 06:15

PNO - "Sau một cuộc thanh tra, không ai làm việc gì cả, không chuyển động phục vụ nhân dân. Nếu cứ im lặng là vàng thì sao xã hội phát triển được..."

Ngày 17/4, làm việc với quận Cẩm Lệ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa báo động: “Hiện đang có tình trạng cán bộ thấy vướng sai phạm trước đây nên dẫn đến cán bộ sợ trách nhiệm… Không phải cứ đổ cho việc thanh tra, điều tra mà như vậy. Ông nào vướng thì dạt qua một bên để cho người khác làm”. 

Su im lang don hen
Tại một số cơ quan hành chính công đang xuất hiện sức ì lớn, theo tâm lý "chậm mà chắc" và đùn đẩy trách nhiệm. Ảnh minh họa.

Ngày 6/7, tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 17, giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm lên tiếng: “Tôi cũng hiểu thời gian vừa qua thành phố có nhiều việc thanh tra, kiểm toán bắt giò bắt cẳng… Tình hình cứ như thế này thì hiện nay có tâm lý “thôi chậm mà chắc”. Chậm không ai cách chức, xử lý, kiểm điểm, kỷ luật, còn nhanh mà sai phạm thì bị xử lý”. 

Và ngày 21/11 vừa qua, tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo: “Sau một cuộc thanh tra, không ai làm việc gì cả, không chuyển động phục vụ nhân dân. Nếu cứ im lặng là vàng thì sao xã hội phát triển được. Tôi xin nhấn mạnh chống tham nhũng là chống nhưng làm là vẫn phải làm”. 

Hơn 4 tháng trước đó, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào ngày 2/7, người đứng đầu chính phủ đã từng chỉ thẳng: “Đang xuất hiện một sức ì ngày càng lớn, cản trở mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh. Có nhiều vụ kỷ luật, vụ án xảy ra nhưng không phải vì thế mà chúng ta chùn bước”. 

Như vậy, trong thời gian kéo dài (của năm 2018), trên phạm vi rộng - diễn ra ít nhất ở hai thành phố lớn (Đà Nẵng và TP.HCM), hiện diện nơi từng cấp độ chính quyền và ban ngành, có thể len sâu xuống các cấp cơ sở địa phương là tâm lý chùn bước, ngán ngại, sợ (làm) sai, liên đới và hệ lụy trách nhiệm trong nhiều cán bộ, từ cấp phòng ban tham mưu cho đến các cấp lãnh đạo trong chỉ đạo, phê duyệt chủ trương.

Đó là một hiện trạng có thật, từ tâm lý dẫn đến thái độ, cung cách và dĩ nhiên là hệ quả phục vụ nặng sức ì, chậm và… đối phó theo kiểu “nín thở qua sông”. Một phó chủ tịch quận đã không ngần ngại thốt lên với tôi rằng, giờ ai phê thiếu năng động, sáng tạo tôi cũng chịu, chỉ ráng be bờ làm cho xong phần việc của mình thôi.

Hóa ra, nhiều cán bộ của ta cũng… mong manh phết! Kỷ luật, truy tố, bắt giam là hệ quả. Còn quá trình dẫn tới là hành vi, thái độ, tư cách đã bộc lộ qua những sai phạm, những cấu kết, biển thủ, tham ô, tham nhũng chính là nguyên nhân.

Không loại trừ có những vi phạm do tính “khách quan”, như yếu tố thể chế (xét về thời gian, thời điểm ban hành, hiệu lực, áp dụng…), hoàn cảnh lịch sử… nhưng từ vi phạm dẫn tới sai phạm - nghĩa là đã có sự cố tình, đặc biệt là biểu hiện vụ lợi, trục lợi, chiếm đoạt của công thì không hề là chuyện “hên xui”. Do đó, nếu nhìn cái sai (của người khác) để biết sợ sai thì mới có thể làm đúng; còn vì thấy hàng loạt án kỷ luật mà co mình thủ thế “làm ít sai ít, không làm không sai” thì chính là cái sai trong tư cách, phẩm chất của những vị “quan cách mạng” - chữ dùng của Hồ Chủ tịch. 

Chịu vận dụng sai đối với các quy định bất hợp lý, để đúng cho dân, nói nôm na là “sửa cho dân nhờ” khi chưa được phép, miễn là không tư túi; có làm lệch với quy chuẩn nhưng không biển thủ cá nhân là bản lĩnh công bộc. Nó khác hẳn sự đánh đổi đầy đớn hèn trong “im lặng là vàng”, nặng sức ì, đùn đẩy, vô trách nhiệm. Đã là cán bộ, làm sai hay không làm, làm đối phó, làm cho có thì đều là con số không trước nhân dân. 

 Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI