Sự "im lặng đáng sợ" của Thổ đối với Mỹ - NATO

01/08/2016 - 07:10

PNO - Dù không lên tiếng xác nhận nhưng sự im lặng đáng sợ này của Thổ như một sự đồng thuận ngầm đối với những cáo buộc đối với Mỹ và NATO, đây như hành động đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ này


Một cựu quan chức của OSCE tuyên bố rằng, có thể những máy bay của NATO đã tham gia vào vụ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga.

Ngày 29/7, cựu nghị sĩ Quốc hội Đức Willy Wimmer tuyên bố trong buổi phỏng vấn của đài phát thanh Sputnik - Nga rằng, máy bay tiêm kích đa năng Su-24 của Nga đã bị máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trên bầu trời Syria, dưới sự bảo trợ của NATO.

Su
Ông Willy Wimmer cho rằng Mỹ và NATO đã hậu thuẫn giúp Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bau su 24

Theo thông tin mà ông Wimmer nắm được, trong sự việc này có một máy bay Mỹ và một máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm (AWACS) của Saudi Arabia cùng tham gia. Theo ông, một máy bay như bay ném bom của Nga, không thể dễ dàng bắn hạ như vậy nếu không có sự hỗ trợ của của các máy bay AWACS.

Ông giải thích rằng, NATO có bản hướng dẫn hành động như thế nào trong trường hợp vi phạm không phận: Trước tiên, các cơ quan điều khiển không lưu dân dụng sẽ thiết lập liên lạc với máy bay vi phạm đồng thời cảnh báo phi công về hành vi xâm phạm không phận.

Nếu điều này không hiệu quả, các cơ quan quân sự sẽ vào cuộc. Trong thời bình, biện pháp cực đoan nhất mà họ có thể lựa chọn là buộc phi công phải điều khiển máy bay xâm phạm không phận hạ cánh xuống sân bay gần nhất.

"Những điều đã xảy ra ở đó không tương ứng với quy định thông lệ quốc tế. Họ đã bắn hạ máy bay Nga, bởi vì họ đã rất muốn bắn hạ nó xuống", ông Wimmer nói.

Ông cho rằng nguyên nhân của vụ việc là lợi ích chính trị, cụ thể là mong muốn tiêu diệt các mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Được biết, sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, hoa tiêu Konstantin Murakhtin nói rằng, anh đã nhiều lần thực hiện các phi vụ ném bom và trở về căn cứ theo lộ trình đã định trước, có thể bịt mắt mà vẫn hướng dẫn máy bay di chuyển đúng lộ trình nên không có chuyện máy bay xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Konstantin Murakhtin khẳng định, anh và cơ trưởng Oleg Peshkov không nhận được bất kỳ cảnh báo nào bằng hành động hoặc qua radio từ phía chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ. 2 chiếc F-16 đã bỏ qua thông lệ quốc tế và lập tức phóng tên lửa vào máy bay Nga.

 "Đột nhiên tên lửa lao trúng đuôi máy bay của chúng tôi. Thậm chí chúng tôi còn không kịp hiểu điều gì đang xảy ra" - viên hoa tiêu nói.

Bộ quốc phòng Nga cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã được báo trước về sự xuất hiện của máy bay Nga, 2 chiếc tiêm kích đánh chặn F-16 đã bay lòng vòng gần khu vực biên giới trong hàng tiếng đồng hồ để đón lõng chiếc máy bay Su-24, sau đó lao sang cả không phận Syria để tấn công chiếc Su-24 mang số hiệu 83 của Nga. Nếu không biết trước hành trình bay, chúng sẽ không thể bay tới kịp để tấn công máy bay Nga.

Nga cũng đã cáo buộc Mỹ tuồn dữ liệu về thời gian và khu vực máy bay Nga ném bom cho Thổ Nhĩ Kỳ và điều máy bay cảnh báo sớm bay tuần trong khu vực để phát hiện máy bay Nga từ xa nhằm cung cấp số liệu cho tiêm kích F-16 phục kích bắn rơi Su-24.

Trong khi đó, hội nghị NATO hồi đầu tháng 7 vừa qua vẫn tiếp tục khẳng định không xem Nga là "mối đe dọa tức thì" và sẵn sàng nối lại đàm phán với Nga.

Trước đó vào năm 2015, phía Nga cũng từng tố cáo Mỹ đứng sau vụ việc Thổ bắn rơi Su -24. Theo thông tin từ trang Gazeta của Nga cho biết, Thượng tướng, Tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev đã nhận định rằng vụ tấn công là “hành động được lên kế hoạch từ trước của Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông này đã đưa thêm bằng chứng từ phía Nga chứng minh Mỹ và NATO đã rình thời cơ và có kế hoạch với Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ bắn rơi Su-24.

Su
Tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev từng khẳng định đây là một vụ việc dàn dựng, và ông Putin cũng từng khẳng định NATO đứng sau vụ việc vào năm 2015

Thượng tướng Viktor Bondarev tuyên bố rằng máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã phục kích máy bay ném bom Su-24 để bắn hạ chiếc phi cơ Nga từ phía dưới.

Trong khi đó, vị đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Alexander Grushko ngày 1/12 cũng lưu ý về khả năng NATO bao che cho Ankara và không lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời yêu cầu NATO nhận trách nhiệm về vụ việc này.

Trước đó, bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) hôm 30/11/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói thẳng về lý do Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 rằng là nhằm bảo vệ hoạt động cung ứng dầu của nước này.

"Quyết định bắn hạ máy bay Nga được đưa ra là nhằm bảo vệ hoạt động cung ứng dầu của IS", khi đó, ông Putin tuyên bố thẳng.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Hollande về khả năng liên minh chống IS của Nga, Tổng thống Putin đã tố cáo Mỹ đứng sau vụ máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga.

Nếu thông tin Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay Su-24 Nga dưới sự bảo trợ của NATO là sự thực, nhiều khả năng NATO - Mỹ và Nga - Thổ sẽ không thể gần nhau, thậm chí quan hệ căng thẳng giữa hai bên sẽ bị đẩy lên những nấc thang mới.

Vụ việc dẫn đến căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước khi Moscow quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Ankara để trả đũa. Ngày 27/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã viết thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để xin lỗi đồng thời bày tỏ sự hối tiếc về vụ việc.

Sau bức thư xin lỗi, quan hệ giữa hai nước Nga - Thổ ấm lên trông thấy, cả hai bên nỗ lực hàn gắn mối quan hệ tốt nhất có thể. Nga đã dỡ gần hết các lệnh trừng phạt đối với Thổ nhĩ Kì, Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Putin dự định sẽ có cuộc gặp mặt trực tiếp vào đầu thánh 8 tới để thảo luận về các vấn đề hợp tác kinh tế, quân sự,...giũa hai nước.

Song song với đó, Thổ cũng từng tuyên bố không "làm bạn" với Mỹ và tố cáo Mỹ đứng sau vụ đảo chính đẫm máu của nước này. Với NATO, EU thổ từng ngó lơ sự quan tâm của các khối liên minh phương Tây này và coi đó là sự phiền hà, Tổng thống Erdogan cũng lên tiếng yêu cầu Châu Âu không tham gia vào việc của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau những lời tố cáo từ phía ông Willy Wimmer, hiện phía Thổ Nhĩ Kỳ chưa lên tiếng xác nhận nhưng cũng không lên tiếng bác bỏ, đây có thể hiểu như cái "gật đầu" ngầm của Thổ đối với những lời buộc tội của Nga dành cho NATO và Mỹ. Có lẽ sự hồi phục về kinh tế, chính trị sau khi hàn gắn lại quan hệ với Nga đã khiến Thổ tin tưởng Nga hơn bao giờ hết bất chấp rạn nứt mối quan hệ với đồng minh lâu năm là Mỹ và khối liên mình EU.

Tiêu Giao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI