 |
Sự kiện đã thu hút sự quan tâm, tham dự của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Nhà nước và TPHCM cùng 250 đại biểu là Mẹ Việt Nam anh hùng, nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nữ thương binh, nữ cựu tù, nữ biệt động Sài Gòn |
Tham dự sự kiện, có bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Bí thư TW Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bà Lê Thị Thu – nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số, Gia đình và trẻ em, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Thành phố; Thượng tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Nguyễn Phước Lộc - Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - cùng các nguyên lãnh đạo TPHCM; lãnh đạo sở, ban, ngành Thành phố, Lãnh đạo CLB Truyền thống kháng chiến, Ban liên lạc Cựu tù Chính trị và tù binh thành phố; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 7, Bộ tư lệnh Thành phố; lãnh đạo Ban Phụ nữ Quân đội, Hội LHPN TPHCM và 250 đại biểu là các nữ Anh hùng lực lượng vũ trang, nữ thương binh, nữ biệt động Sài Gòn và nữ cựu tù tiêu biểu của TPHCM.
 |
Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng Ban Phụ nữ Quân đội - trò chuyện cùng Mẹ Việt Nam anh hùng |
Phát biểu tại sự kiện, bà Phạm Thị Thanh Hiền – Chủ tịch Hội LHPN TPHCM – bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự cống hiến, hy sinh to lớn của các Mẹ Việt Nam anh hùng, nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nữ thương binh, nữ cựu tù cách mạng, nữ biệt động, đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để non sông ta nối liền một dải.
 |
Bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM phát biểu tại sự kiện |
Chủ tịch Hội LHPN TPHCM khẳng định, trong suốt hành trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, biết bao thế hệ phụ nữ Việt Nam đã hy sinh tuổi thanh xuân, cống hiến hết sức mình để có cuộc sống hòa bình, độc lập. Chính các mẹ, các cô, những nữ chiến sĩ kiên trung, những biệt động, du kích, bộ đội địa phương, cán bộ phụ vận từng xông pha nơi chiến trường, từng nằm trong lòng địch, vận động quần chúng, từng bị bắt và chịu biết bao đòn tra tấn dã man của kẻ thù.
Nhưng dù phải đối mặt với khó khăn, gian khổ, bao mất mát đau thương, các mẹ, các dì vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, trọn lòng trung kiên với Đảng, anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì hoà bình, hạnh phúc của Nhân dân.
“Sự hy sinh của các mẹ, các dì tô thắm thêm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam; là tấm gương sáng để bao thế hệ phụ nữ noi theo về ý chí tự lực tự cường, khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bà Phạm Thị Thanh Hiền nhấn mạnh.
 |
Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc tặng biểu trưng bức ảnh Nữ tướng Nguyễn Thị Định đến các Mẹ Việt Nam anh hùng |
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, nhiều năm qua, các cấp Hội phụ nữ đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như xây “Nhà tình nghĩa”, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, trao quà cho vợ thương binh nặng, chương trình Nghĩa tình biên giới, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã quan tâm thăm hỏi giúp đỡ trao phương tiện sinh kế cho gia đình chính sách.
Chủ tịch Hội LHPN TPHCM khẳng định, trong thời gian tới, Hội LHPN Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng. Cán bộ, hội viên, phụ nữ sẽ đoàn kết, xây dựng và phát triển tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh, góp phần cùng các cấp, các ngành quyết tâm bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại sự kiện, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã chia sẻ nhiều ký ức khi bị giam cầm, hành hạ trong 6 nhà lao ở miền Nam trong suốt 11 năm trời, trong đó có chuồng cọp Côn Đảo.
Nữ cựu tù khẳng định, để vượt qua những tháng ngày khó khăn, gian khổ ấy, có 2 điều trở thành niềm tin, sức mạnh của người tù. Một là tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ và Cách mạng. Hai là phải xác định đã ra đi làm cách mạng, chiến đấu trong lòng kẻ thù, thì có thể không có ngày về. Chính niềm tin ấy đã biến những thủ đoạn, âm mưu của kẻ thù trở nên tầm thường.
 |
Nữ cựu tù Côn Đảo Trương Mỹ Hoa (trái) và nữ cựu tù - NSƯT Phi Điểu (phải) chia sẻ về những ký ức khó quên trong thời gian bị địch bắt và tù đày |
NSƯT Phi Điểu cũng là một cựu tù chính trị bị giam cầm khi mới 14 tuổi. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bà được tự do trong đợt trao trả tù binh và sau đó tập kết ra Bắc theo yêu cầu công tác của tổ chức. Chuyến đi tưởng chừng 2 năm ấy đã kéo dài thành 21 năm. Sau ngày thống nhất đất nước, bà mới trở về.
Trở về từ khói lửa, mang theo trên mình bao vết thương chiến tranh, nhưng các nữ cựu tù vẫn tiếp tục đóng góp cho hành trình xây dựng đất nước sau chiến tranh. Hành trình hơn 25 năm của Quỹ Học bổng Vừ A Dính và hơn 10 năm ra đời của Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” của nữ cựu tù Trương Mỹ Hoa đã vận động, quy tụ nhiều trái tim hướng về biển đảo, ươm mầm tương lai cho học sinh vùng dân tộc, miền núi, cho các em học sinh nghèo, hiếu học, con em chiến sĩ, biên giới, hải đảo, xây dựng trường học, nhà tình thương vùng biên giới.
 |
Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Phạm Thị Thanh Hiền (thứ tư từ phải sang) và Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng Ban phụ nữ Quân đội (thứ tư từ trái sang) trao quà và biểu trưng đến các đại biểu |
Tương tự, dù cao tuổi, nhưng NSƯT Phi Điểu vẫn đều đặn tham gia các hoạt động xã hội. Tại liên hoan Phim ngắn truyền hình năm 2023, NSƯT Phi Điểu đã đoạt giải Diễn viên chính xuất sắc nhất ở tuổi 91, với vai Bà Ngọc trong phim Ai giết bánh bò. Nhiều năm qua, bà cũng là Đại sứ Áo dài quen thuộc của Lễ hội Áo dài TPHCM.
Thu Lê