Sự học, sự lành

11/06/2016 - 01:27

PNO - Sự hăng hái nhiệt thành đổi mới không đi kèm với đầu óc chiến lược và trái tim vì cộng đồng,.. thì sự hăng hái đó sẽ làm đau cho sự học.

Su hoc, su lanh
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Giáo dục Việt Nam thời điểm này có hai điểm nhấn: lời phát biểu dung dị về lễ khai giảng năm học mới của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và những xáo trộn lớn trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Hai điểm nhấn tình cờ ấy đã vô tình phác họa đúng bức tranh giáo dục hiện tại của chúng ta, một mảng màu là những xáo động thái quá và mảng kia là dấu hiệu của sự bình ổn, phẳng lặng.

Việc học của con trẻ xưa nay vẫn là một việc lành. Có hồi hộp, có chờ đợi, có nỗi buồn và có vô số hân hoan trên chặng đường con trẻ đến với sự học. “Chúng ta hãy làm vì các cháu, nhất định không để các cháu nhỏ đứng nắng xếp hàng, vẫy cờ chào đại biểu, phải nghe bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh, huyện, sở, phòng, trong khi các cháu không hiểu gì cả” - lời nói của vị Phó thủ tướng giản dị thôi mà như thức tỉnh cộng đồng về cái sự rườm rà công thức của giáo dục bao năm nay.

Tôi không nghĩ Phó thủ tướng nhắc thế là chỉ đạo một việc nhỏ, mà là ông muốn bắt đầu cải cách giáo dục từ một việc nhỏ: ngày khai giảng - ngày đầu tiên con trẻ bắt đầu chặng hành trình tìm tri thức. Đó là một tư duy sâu và rạch ròi, quả quyết: Giáo dục phải thay đổi từ gốc, lấy căn cốt là sự giản dị, nhân văn và đối tượng thụ hưởng số một là con trẻ.

Đó cũng là một thông điệp ấm lành, gieo hạt hy vọng giữa những ngày xã hội ồn ã với nỗi buồn về một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thiếu tính trường quy và không hề tinh giản, tiết kiệm như hứa hẹn.

Có lẽ, trong lịch sử thi cử Việt Nam hiện đại, chưa bao giờ con trẻ đi thi lại lận đận bởi những lý do không nằm ở phía các em như năm nay. Chưa bao giờ hơn một triệu thí sinh cùng gia đình phải trải qua những ngày xét tuyển căng thẳng như năm nay, chỉ số an toàn học hành đâu chưa thấy, chỉ thấy chỉ số mệt mỏi và áp lực tăng vùn vụt.

Sự học của con trẻ là một sự lành. Đặt con trẻ vào những náo động mệt mỏi trong quá trình học hành là trái quy tắc giáo dục và trái với quy luật phát triển của cộng đồng. Không thể có những sản phẩm giáo dục tươi mới, năng động từ một quá trình giáo dục xơ cứng, giáo điều và chi chít những hướng dẫn kiểu cầm tay chỉ việc.

 Không nói thời cha ông, mà nhìn ngay sang các quốc gia lân cận như Nhật, Singapore, Philippines hiện nay, việc học của con trẻ luôn nghiêm cẩn mà giản dị, luôn khắt khe mà đầy nhân ái, sản phẩm giáo dục là con trẻ luôn tự nhiên như một cái cây lớn dần trong những khuôn viên ngăn nắp và đầy ắp khí trời trong lành.

Đó là một môi trường trường học xanh, có cây xanh, có bò sữa đủng đỉnh, có bê non gặm cỏ, có thỏ, có chim chóc ríu rít bắt sâu trên những luống rau xanh con con. Lũ trẻ biết xếp hàng nhận đồ ăn, biết phân loại thìa dao đĩa đũa để vào từng ô sau khi ăn, biết phân loại rác, biết vặn vòi nước rửa tay không ồ ạt… Rồi lớn lên một chút, các cháu chơi thể thao, học đàn, học nhảy múa, học cách để giao tiếp… - những viên gạch đầu tiên để con trẻ biết sống hài hò a giữa cộng đồng; để bắt đầu cuộc giao tiếp với cộng đồng bằng những quy tắc văn minh và đầy tình người.

Nhìn lại Việt Nam, từ phía cộng đồng, càng nỗ lực bao nhiêu, sự học càng có dấu hiệu cồng kềnh, phức tạp và khó thực hiện bấy nhiêu. Con trẻ bon chen, giành giật như người lớn. Bậc tiểu học, sách vở đựng đầy ắp một ba lô to, học trò bé đã giỏi cãi cọ, tranh giành hơn là nhường nhịn, giúp đỡ bạn. Học sinh trung học cơ sở thì đã yêu đương, tô son điểm phấn, đánh lộn đưa clip lên mạng…

Nhìn đến người làm giáo dục ở Việt Nam, cũng thấy ở họ những nỗ lực vì một sự đổi thay cho môi trường học tập của con trẻ, nhưng sự vận hành của một guồng máy lớn không thể cứ nhanh mà tốt. Nhanh quá thành chậm, cứ nhìn kỳ thi hai trong một năm nay là thấy rõ. Những diễn biến của hàng triệu người không thể gói gọn trong một lời cam kết duy ý chí của một vài cá nhân ở Bộ chủ quản rằng “phải có niềm tin”.

Niềm tin luôn có, nhưng niềm tin ấy phải được chứng minh bởi hiệu quả thực tế mang lại cho cộng đồng chứ không phải chỉ là niềm tin vào những trang giấy vô cảm. Sự bao biện không phải là cách để làm giáo dục tốt lên. Sự hăng hái nhiệt thành đổi mới không đi kèm với đầu óc chiến lược và trái tim vì cộng đồng, không hiểu thấu điều kiện, hoàn cảnh của cộng đồng, thì sự hăng hái đó sẽ làm đau cho sự học.

Anh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI