Sự hoàn hảo, hay áp lực phong kiến quay lại đè năng lên vai phụ nữ Trung Quốc

27/06/2018 - 06:00

PNO - Tại một trường đại học ở miền nam Trung Quốc, Duan Fengyan đang theo học ngành kế toán. Nhưng đồng thời, cô cũng phải học về cách trở thành một người phụ nữ “đúng chuẩn”.

Trong khóa học ra mắt vào tháng 3/2018, trường Cao đẳng Trấn Giang và Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc cùng kết hợp để dạy học viên nữ cách ăn mặc, pha trà và ngồi yên.

Duan, 21 tuổi, cho biết: "Bạn phải ngồi trên hai phần ba phía trước của ghế chứ không thể chiếm toàn bộ ghế. Bây giờ, hóp bụng, thư giãn vai, khép hai chân, rồi nâng vai lên".

Lớp học, chỉ dành cho nữ sinh, nhằm phát triển những phụ nữ “khôn ngoan”, “sành sỏi” và “hoàn hảo”.

Su hoan hao, hay ap luc phong kien quay lai de nang len vai phu nu Trung Quoc
Lớp học dạy cho phụ nữ trẻ các lễ nghi và kiến thức truyền thống trong gia đình.

Theo đó, trí tuệ đến từ việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Trung Hoa, sự sành sỏi trong phân tích tác phẩm sơn dầu và các nghi thức xã giao, còn vẻ hoàn hảo thể hiện qua cách trang điểm vừa đủ.

Khu học vụ Trường Phụ nữ Kỷ nguyên mới ra đời nhằm giáo dục văn hóa truyền thống Trung Quốc, giúp phụ nữ cạnh tranh trong thị trường việc làm, và chuẩn bị cho vai trò nội trợ.

Sheng Jie, người điều hành chương trình, nhắn nhủ: "Vai trò tại gia đình của phụ nữ ngày nay là quan trọng hơn cả".

Sau bốn mươi năm chuyển đổi kinh tế, phụ nữ Trung Quốc trở nên khỏe mạnh, giàu có và được giáo dục tốt hơn bao giờ hết, nhưng họ đang mất dần lợi thế so với nam giới.

Xếp hạng của Trung Quốc về chỉ số khoảng cách giới tính tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã giảm đáng kể, từ 69/144 quốc gia trong năm 2013 xuống vị trí thứ 100 vào năm 2017.

Các cán bộ hàng đầu của đất nước muốn phụ nữ được giáo dục, nhưng lo lắng rằng phụ nữ có học thức sẽ quyết định không kết hôn hay có con, kèm theo đó là dư thừa nam giới do chính sách một con gây ra, đe dọa gây bất ổn cho đất nước.

Mặc dù suy nghĩ này tồn tại trong ít nhất một thập kỷ, nhất là qua các thông điệp về tình dục và hôn nhân, chương trình của Cao đẳng Trấn Giang dường như là khóa học đại học đầu tiên về “công dung ngôn hạnh” thời nay.

Su hoan hao, hay ap luc phong kien quay lai de nang len vai phu nu Trung Quoc
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng khóa học vẫn còn mang nặng tính Nho giáo.

Duan nói: "Theo truyền thống văn hóa, phụ nữ nên khiêm tốn và dịu dàng, còn nam giới làm việc bên ngoài để chu cấp cho gia đình. Tôi muốn trở thành người mẹ mẫu mực cho con mình".

Giới cầm quyền khẳng định rằng điều này phản ánh các giá trị Nho giáo cốt lõi của văn hóa Trung Hoa. Nhưng nhiều nhà phê bình phản đối rằng văn hóa cần thay đổi và rằng Trung Quốc nên nhìn về phía trước, chứ không phải quay trở lại quá khứ.

Lu Pin, một nhà vận động vì nữ quyền nổi tiếng Trung Quốc, lên tiếng: "Văn hóa truyền thống của chúng ta đầy những hạn chế và sự đàn áp phụ nữ. Vậy chúng ta có nên đẩy phụ nữ trở lại vai trò truyền thống không?"

Năm 2017, dư luận rất bức xúc khi một công ty ở miền bắc mở “trường văn hóa truyền thống”, nơi phụ nữ được dạy “im lặng và làm việc nhà nhiều hơn”, cũng như thực hành cúi đầu chào chồng.

Theo cảnh quay trên Pear's Video, một giáo viên nữ tại trường dạy rằng: “Đừng đánh lại khi bị đánh. Đừng nói lại khi bị mắng. Và dù bất kỳ điều gì xảy ra, đừng ly hôn”.

Khi câu chuyện lan truyền, các quan chức địa phương cho biết thông điệp trên đã vi phạm "giá trị cốt lõi của xã hội" và kêu gọi điều tra.

Su hoan hao, hay ap luc phong kien quay lai de nang len vai phu nu Trung Quoc
Theo đó, phụ nữ phải không ngừng phấn đấu ở vai trò hậu phương trong gia đình.

Tuy vậy, Feng Yuan, nhà vận động chống bạo lực gia đình tại Bắc Kinh, cho biết sự tập trung vào đức hạnh tuyệt đối vẫn còn tồn tại: "Chúng tôi chỉ thấy các bài học về nhiệm vụ trong gia đình của phụ nữ, chứ không bao giờ có bất kỳ sự nhấn mạnh nào về vai trò của nam giới".

Trong hội trường và lớp học của Cao đẳng Trấn Giang, phụ nữ phải không ngừng tự phấn đấu.

Khóa học là sản phẩm trí tuệ của chi nhánh Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc tại địa phương, được giám sát bởi phụ nữ, với học viên là phụ nữ. Không có khóa học tương đương dành cho nam giới.

Cả giáo viên và học viên đều nói rằng phụ nữ trẻ nên liên tục tìm cách cải thiện “chất lượng” bản thân để duy trì tính cạnh tranh.

Su hoan hao, hay ap luc phong kien quay lai de nang len vai phu nu Trung Quoc
 

Li Ziyi, sinh viên khoa giáo dục mầm non, 19 tuổi, nói cô được dạy từ nhiều năm rằng đối với phụ nữ, điểm tốt thôi là không đủ.

Li Ziyi kể: “Khi tôi còn học trung học, giáo viên nói với chúng tôi rằng kỳ thi tuyển sinh đại học là kỳ thi công bằng cuối cùng trong cuộc sống, bởi vì nó không xét đến khuôn mặt của thí sinh”.

Sheng Jie, giám đốc chương trình, từ chối nói nhiều về quyền của phụ nữ bởi cô ấy “là một giáo viên, không phải là nhà vận động nữ quyền”.

Mục tiêu của cô là dạy cho phụ nữ trẻ những gì họ cần biết và từ đó giúp đỡ quốc gia, xã hội: "Đất nước đang nhấn mạnh văn hóa truyền thống, vì vậy chúng tôi cung cấp các khóa học. Đây là một kỷ nguyên mới. Lịch sử đang chuyển biến theo hướng tốt hơn”.

Ngọc Hạ (Theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI