“Sứ giả” hòa giải

08/06/2013 - 10:59

PNO - PN - Đến nhiều xã, phường, chúng tôi được nghe không ít câu chuyện về những cán bộ Hội PN làm “sứ giả” hòa giải. Họ tình nguyện trở thành người “vác tù và hàng tổng”, đem lại niềm vui cho mọi người.

“23g, một bé gái đập cửa rầm rầm, mếu máo: “Cô Nguyệt ơi, ba con đánh mẹ”. Khoác vội chiếc áo, tôi vừa chạy vừa điện thoại thêm cho anh cảnh sát khu vực. Đã quen với cảnh này, tôi nói với hai vợ chồng: “Anh chị đánh nhau, gây mất trật tự khu phố, đề nghị lập biên bản phạt 500.000đ”. Nghe vậy, cô vợ òa khóc: “Chị ơi, tụi em có muốn vậy đâu. Tại ảnh không có việc làm cả tháng nay, còn nhiều lần uống rượu chè, con cái có nguy cơ nghỉ học…”. Đó là một trong những tình huống mà chị Dương Thị Nguyệt - nguyên Phó Chủ tịch Hội PN P.14, Q.11, TP.HCM nhớ mãi.

Theo chị Nguyệt, làm công tác hòa giải mâu thuẫn trong gia đình thường gặp khó khăn hơn hòa giải ở cộng đồng, bởi nhiều người cho rằng mâu thuẫn trong gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà. Vì thế, người trong cuộc rất khó chịu khi người ngoài can thiệp. Người làm công tác hòa giải không ít lần gặp phải những câu nói rất khó nghe. Nếu không có tấm lòng, không có tính kiên nhẫn, họ sẽ dễ bỏ cuộc.

Mặc dù đã 73 tuổi nhưng dì Tăng Thị Trâm - tổ trưởng tổ PN 60 khu dân cư 9, P.14, Q.5, TP.HCM vẫn có mặt để tham gia các cuộc hòa giải “trên từng cây số”. Với thâm niên hơn 10 năm làm hội thẩm nhân dân tòa án quận, dì có nhiều kinh nghiệm khi tham gia tổ hòa giải trong tổ chức Hội PN tại địa phương. Dì nhớ lại: “Hai nhà hàng xóm chỉ vì một bọc rác “đi lạc” mà hục hặc không thèm nhìn mặt nhau. Sau khi tìm hiểu, mình hòa giải bằng cách rủ rê, trò chuyện, mời họ tham gia các phong trào Hội PN. Nhân lúc thời cơ thuận lợi, mình mới phân tích, giải thích… Vậy mà thành công”.

Nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải, dì Trâm luôn trăn trở trước mỗi vụ việc. Vì thế, dì cùng với cán bộ các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tìm hiểu cặn kẽ sự việc để có cách hòa giải tốt nhất. Bên cạnh tính kiên nhẫn, bình tĩnh, có một nguyên tắc mà dì Trâm luôn xem trọng, đó là đặt cái tình, cái tâm lên hàng đầu. Bởi chỉ có giải quyết thấu tình đạt lý thì bà con mới “tâm phục khẩu phục”.

“Su gia” hoa giai

Chị Dương Thị Nguyệt (phải) đã hòa giải giúp cho hàng trăm gia đình giữ được mái ấm.

Có hàng ngàn lý do làm nảy sinh bất hòa giữa hàng xóm láng giềng, giữa vợ chồng hoặc những người thân trong gia đình. Người làm công tác hòa giải phải tìm hiểu kỹ vụ việc, có cái nhìn khách quan thì mới có thể giải quyết vấn đề tận gốc. Nhờ sâu sát cuộc sống của người dân địa phương nên cán bộ Hội PN dễ dàng tiếp cận để phân tích thiệt hơn, khuyên nhủ những điều hay lẽ phải. Hòa giải thành công một vụ việc, họ cảm thấy vui vì thêm một gia đình “gương vỡ lại lành”, tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt…

Dù mới tham gia công tác hòa giải được gần ba năm, nhưng cô Chu Thị Trọng - Chi hội trưởng Chi hội PN KP.2, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM đã vận động được hàng trăm hộ dân có nhà cạnh xa lộ Hà Nội di dời, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Cô còn là người đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng về chính sách đền bù hỗ trợ của Nhà nước cho người dân. Cô chia sẻ: “Muốn làm tốt công tác hòa giải phải đặt mình trong hoàn cảnh của người được hòa giải để hiểu, thông cảm và từ đó đề ra những cách giải quyết đúng đắn, phù hợp nhất”.

Bây giờ, sau bao sóng gió, gia đình chị Hà Thị Vân (KP.1, thị trấn Hóc Môn, TP.HCM) đã thuận hòa, êm ấm. Ngày trước, khi có men rượu, chồng chị lại “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với vợ. Chịu hết xiết, chị gửi đơn xin ly hôn. Suốt mấy tháng liền, cán bộ Hội PN kiên trì phân tích thiệt hơn, chỉ ra những điểm hạn chế của hai vợ chồng. Chị Vân được Hội PN hỗ trợ vay vốn bán hủ tíu, anh chạy xe ôm, hai con đều được đi học. Đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, chị Vân thổ lộ: “Nhờ có các chị trong Hội PN giúp đỡ, gia đình tôi mới được như ngày hôm nay”.

Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngăn ngừa và phòng chống tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Với sự nhẹ nhàng, tinh tế vốn có của PN, những hòa giải viên là cán bộ Hội PN cơ sở thường xuyên xử lý các vụ việc đạt hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn cán bộ Hội giải quyết công việc chủ yếu nhờ vận dụng kinh nghiệm, vốn sống, đa phần đều “tay ngang”, vốn kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế nên chưa thể phân tích sự việc, tình huống qua lăng kính pháp luật. Vì vậy, các cấp Hội PN cần quan tâm hơn nữa đến việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ những người làm công tác hòa giải để chị em phát huy vai trò của mình.

Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI