Sử dụng tội lỗi làm vũ khí

25/11/2014 - 07:10

PNO - PN - Sử dụng tội lỗi của chồng/vợ trong quá khứ để trừng phạt nhau có thể giúp bạn đạt được mục tiêu ngắn hạn nhưng đó là một chiến lược sai lầm, làm suy yếu mối quan hệ và cướp đi sự thân mật vợ chồng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong thực tế, không ít cuộc hôn nhân vẫn tồn tại sau ngoại tình, nhưng người có lỗi bị đối phương thu giữ được một số bằng chứng về sự không chung thủy và coi đó như một thứ “bảo bối” sẵn sàng tung ra bất cứ khi nào. Đó chỉ là sự kéo dài cuộc hôn nhân bất hạnh.

Anh Thắng, 44 tuổi, xin được tư vấn về ly hôn sau khi có bằng chứng vợ ngoại tình. Anh là chủ một cửa hàng vật tư xây dựng, vợ anh là một phụ nữ khá xinh đẹp, ở nhà bán hàng và nội trợ. Tháng trước, mẹ anh ốm phải nằm viện nên hàng ngày vợ chồng anh vào thăm. Những hôm anh bận không đi cùng được thì vợ đi xe ôm của một người quen ở gần nhà.

Điều bất ngờ là sau một thời gian, chị nảy sinh tình cảm với anh xe ôm và có lần họ đã đưa nhau vào nhà nghỉ. Anh Thắng phát hiện và truy hỏi đến cùng nên vợ không thể chối cãi được. Anh liền mua tặng vợ một quyển sổ tay rất đẹp, bắt vợ tường trình lại toàn bộ vụ việc. Khi chuyên viên tư vấn cùng anh nhìn lại vấn đề cả từ hai phía, anh hiểu ra mình cũng có sai lầm và không muốn ly hôn nữa, vì anh vẫn yêu vợ và vợ anh cũng đã biết ăn năn hối lỗi. Tuy nhiên, anh Thắng vẫn muốn giữ lại quyển sổ tay đó làm bằng chứng. Chuyên gia góp ý: đã tha thứ thì nên đốt nó đi trước mặt cô ấy và cả hai cùng quên chuyện này đi mới khôi phục được tình yêu và mới có hạnh phúc thực sự được.

Anh Thắng suy nghĩ một lát, hứa ngay tối hôm đó sẽ đốt quyển sổ tay trước mặt vợ, nhưng... bí mật photo một bản nữa cất đi. Hành vi này được anh giải thích là để làm kỷ niệm và cũng "có thể sử dụng khi cần". Thực ra, anh muốn giữ nó làm bằng chứng để đặt mình ở một vị trí quyền lực và duy trì hôn nhân bằng cách treo lơ lửng trên đầu người vợ một “bản án chung thân”.

Tại sao sử dụng tội lỗi?

Sử dụng tội lỗi không bao giờ là một hành động của tình yêu, thực chất nó là một hành vi bạo lực. Nó có thể được ngụy trang thế này thế khác nhưng thực ra nó vẫn là cách chà xát vào vết thương, gây đau đớn và phá vỡ mối quan hệ. Vậy tại sao chúng ta làm như thế?

Khi bạn phải thường xuyên sử dụng tội lỗi làm vũ khí, là bạn đã tự thấy mình không được yêu. Điều đó làm bạn bị tổn thương và bạn lại nghĩ đến tội lỗi của đối phương với thái độ quyết giành lại thế thượng phong. Thật không may, sử dụng tội lỗi không bao giờ cho chúng ta những gì ta thực sự tìm kiếm. Thay vì xây dựng tình cảm gắn bó mà ta mong muốn, ta lại tấn công đối tác bằng cách nhắc lại tội lỗi trước kia của họ, vô tình đẩy hai người ra xa nhau hơn.

Trong một mối quan hệ hôn nhân lành mạnh, không có chỗ cho quyền lực. Cả hai phải thực sự bình đẳng, tin tưởng nhau và đặc biệt là không có lý do gì lo sợ bị tấn công. Cả hai phải cởi mở và trung thực trong một môi trường an toàn, nơi họ luôn thấy mình được tôn trọng.

Sử dụng tội lỗi là phá hủy lòng tin và từ chối tha thứ

Dùng tội lỗi trong quá khứ để tấn công một người với mục đích làm họ khiếp sợ, đó là một hình thức kỷ luật gây ra đau đớn cho người khác với hy vọng buộc họ phải thay đổi quan điểm hoặc hành vi. Nhưng, làm sao bạn có thể mong đợi đối tác tin tưởng vào bạn khi bạn cố ý làm tổn thương họ? Nếu không có lòng tin, không thể có một mối quan hệ lành mạnh, cũng không thể tạo ra được môi trường tình cảm gần gũi. Đây là cơ sở cho sự trung thực, cởi mở và không làm tổn thương nhau.

Một trong những cách gây đau đớn nhất là nhắc đến sai lầm của họ. Đó là cách trừng phạt tàn nhẫn. Nếu bạn chọn, bạn có thể tra tấn họ mãi mãi, trong khi chỉ có yêu thương, tha thứ và quên hẳn nó đi mới khôi phục được tình yêu ở họ. Nếu bạn không thể bỏ qua cho ai một lỗi lầm đã xảy ra trong quá khứ, bạn sẽ không bao giờ xây dựng được mối quan hệ yêu thương với người đó.

Anh Trung, 36 tuổi, là kiến trúc sư ở TP.HCM. Trong một chuyến công tác ở Hà Nội, anh quen một nữ kỹ sư xây dựng đã ly hôn và họ yêu nhau lúc nào không biết. Trở về Sài Gòn, hai người vẫn điện thoại, nhắn tin hàng ngày và vì thế vợ anh phát hiện. Anh Trung rất ân hận, xin lỗi vợ và hứa cắt đứt mọi liên lạc với người tình. Thế nhưng hàng năm sau, cứ có cơ hội, chị Hạnh - vợ anh lại đem chuyện đó ra chì chiết. Chị không cho chồng đi làm các công trình xa nhà, vì cho rằng anh là người có máu trăng hoa. Nếu anh không thừa nhận điều đó, chị sẵn sàng lôi chuyện cũ ra để chứng minh. Và mỗi lần như thế, "chiến tranh" lại bùng nổ.

Nếu bạn có sai lầm trong quá khứ?

Tình yêu không tồn tại được trong mối quan hệ mà bạn luôn bị đối tác đe dọa làm tổn thương. Nó cũng không thể tồn tại nếu bạn luôn cảm thấy mình xấu xa, hèn mọn trong mắt bạn đời. Là con người, ai cũng có thể mắc sai lầm nào đó. Điều đó không có nghĩa là bạn đã cung cấp cho đối tác một thứ vũ khí để họ trừng phạt bạn mãi mãi. Nếu phải sống với ai mà họ có quyền trừng phạt mình tùy thích thì có lẽ bạn sống độc thân còn tốt hơn. Còn nếu bạn nghĩ rằng bạn xứng đáng để người ta trừng trị vì mình là kẻ có lỗi, bạn nên gặp một chuyên gia tâm lý để tìm ra giải pháp cho cuộc đời mình.

Chị Liên, 34 tuổi, lấy chồng đã 10 năm, có hai con. Khi mới lấy chồng được một năm, tình cờ người yêu cũ của chị từ nước ngoài trở về, có nguyện vọng muốn gặp chị để nói vài lời về chuyện cũ. Quá nể nang, chị nhận lời và mời anh đến nhà mình. Giữa lúc hai người đang ngồi cầm tay nhau ở phòng khách thì chồng chị bất ngờ trở về. Họ vội buông tay ra nhưng không kịp; người chồng mắng nhiếc, đuổi người yêu cũ của chị ra khỏi nhà.

Sau lần đó, anh coi chị là loại người hư hỏng cần phải quản lý thật chặt. Danh bạ điện thoại di động của chị chỉ được phép có hai số máy của mẹ và chị gái, ngoài ra không được liên lạc với ai và mỗi lần chị muốn ra khỏi nhà thì phải được anh cho phép. Mặc dù đã nhiều lần chị nói rõ là không hề còn tình ý gì với người cũ nên mới mời anh ta đến nhà chơi, nhưng người chồng nhất định bỏ ngoài tai và cứ lôi chuyện đó ra phỉ báng vợ, mỗi khi chị không đáp ứng một đòi hỏi nào đó của anh.

Trong trường hợp này, chị Liên cần phải có một cuộc nói chuyện thẳng thắn và tình cảm với chồng về ba nội dung sau: thứ nhất: “Anh còn yêu em không?”. Thứ hai: “Anh có muốn em yêu anh không?”. Thứ ba: “Anh còn muốn chung sống với em không?”. Nếu ba câu hỏi đó đều được trả lời là có thì thực tế anh đang làm ngược lại. Em muốn từ nay đừng bao giờ anh nhắc tới chuyện đó, trừ khi em tái phạm. Còn nếu với cả ba câu hỏi đó đều có đáp số là không thì anh viết đơn ly hôn đi, em ký. Chung sống không để tìm hạnh phúc mà để hành hạ nhau suốt đời thì chung sống làm gì!

 Chuyên viên tâm lý THANH TÙNG 

Một trong những cách gây đau đớn nhất là nhắc đến sai lầm của họ. Đó là một cách tàn nhẫn để trừng phạt ai đó.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI