Sử dụng mạng xã hội để thúc đẩy những nhận thức chung về văn hóa

05/07/2023 - 15:24

PNO - Sáng 5/7, tọa đàm "Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh" diễn ra tại TPHCM.

Có 9 nhóm vấn đề được quan tâm, trao đổi như: vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; báo chí, xuất bản và văn học, nghệ thuật gắn với hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh…

Cần có thêm ấn phẩm xuất bản nhân dịp kỷ niệm 325 năm Sài Gòn - TPHCM

Trong lĩnh vực xuất bản, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt đặt vấn đề làm gì để thế hệ trẻ yêu quý, giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa của TPHCM. Trong dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM, TPHCM đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để nhắc nhớ về lịch sử. NXB Trẻ và NXB Tổng hợp đã phổ biến các tài liệu, công bố và xuất bản các tác phẩm liên quan sự kiện này. 

Theo bà, năm 2023, kỷ niệm 325 năm quá trình mở cõi, tạo lập phát triển Nam bộ, thì 2 NXB của TP cần có kế hoạch tái bản, bổ sung, cập nhật thông tin, tài liệu mới cho các ấn phẩm đã xuất bản; đầu tư, khai thác chủ đề mới về văn hóa, lịch sử; khuyến khích giữ gìn phát huy những giá trị di sản văn hóa Nam bộ, di sản văn hóa Hồ Chí Minh… Bà cho rằng việc cung cấp thông tin đúng để người trẻ hiểu rồi yêu văn hóa là điều hết sức quan trọng.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt phát biểu trong toạ đàm vào sáng 5/7
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt phát biểu trong tọa đàm vào sáng 5/7

Bà cũng đề xuất thư viện mở chuyên đề về Nam bộ, gồm sách giấy, sách nói, tài liệu được số hóa… trên nhiều lĩnh vực như: giá trị di sản văn hóa, con người có đóng góp cho sự phát triển của TPHCM, Nam bộ… Đây cũng là không gian để nói chuyện, giao lưu, gặp gỡ tác giả, trưng bày, trình diễn nghệ thuật… Tất cả được gói gọn trong Thư viện chuyên đề Nam bộ mang tên Nguyễn An Ninh.

Quan điểm trái chiều về vai trò của báo chí

Nhiều ý kiến cho rằng báo chí có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Nhà báo Đức Hiển, Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TPHCM nói nhiệm vụ của báo chí là lan tỏa những giá trị tử tế, tốt đẹp trong cuộc đời, sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, phản biện, đóng góp ý kiến để chính quyền hoàn thiện chính sách xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; lan tỏa các chương trình văn hóa, nghệ thuật, các công trình kiến trúc, chỉnh trang đô thị… gắn với không gian trên.

Mạng xã hội có vai trò, sức mạnh không thua kém báo chí, thậm chí cao hơn, nếu được sử dụng đúng đắn. Mạng xã hội hiện có lượng người dùng cao hơn bất kỳ tờ báo nào, và có nhiều ưu điểm trong việc tương tác. Theo ông, việc sử dụng mạng xã hội để thúc đẩy những nhận thức chung về văn hóa là tất yếu. Các nền tảng thường có thông tin đa chiều, không loại trừ thông tin kích động, bạo lực, thuyết âm mưu… Vì thế, theo ông, cách tiếp cận hiệu quả nhất là chủ động đưa thông tin chính thống, đúng đắn, thay vì chỉ tập trung xóa bỏ tin giả, cấm đoán.

Nhà báo Đức Hiển (đứng) nhấn mạnh vai trò của mạng xã hội trong bối cảnh hiện tại
Nhà báo Đức Hiển (đứng) nhấn mạnh vai trò của mạng xã hội trong bối cảnh hiện tại

Tiến sĩ Nguyễn Thái Giao Thủy (Trường Đại học Sài Gòn) nói báo chí có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng; giữ vai trò mật thiết với văn hóa. Báo chí chuyển tải văn hóa nghệ thuật đến công chúng, và ngược lại văn hóa nghệ thuật cũng là môi trường để báo chí hoạt động. Báo chí, truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến tư duy, nhận thức, thay đổi hành vi công chúng, phát triển con người lành mạnh; quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới; bảo tồn văn hóa... Bà cũng đồng thời đề cao sức mạnh của các mạng xã hội. 

Thạc sĩ Phạm Duy Phúc, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng thực tế vị thế, vai trò của báo chí hiện đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, bởi sự phát triển của mạng xã hội. Anh nói, báo chí, truyền thông không phải là công cụ vạn năng để giải quyết được hết các vấn đề. Báo chí, văn học nghệ thuật chỉ phản ánh hiện thực đời sống. Để chúng đảm đương được các nhiệm vụ kỳ vọng, thì phải có sự thay đổi ở hiện thực đời sống, đòi hỏi sự chung tay của tất cả lĩnh vực, ban ngành. 

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin -Truyền thông TPHCM cho biết, theo thống kê sơ bộ trong 1 tháng vừa qua, lượt xem của 5 TikToker nổi tiếng bậc nhất tại TPHCM là hơn 18 triệu. Tổng lượng người theo dõi của 5 TikToker này là hơn 60,2 triệu. Những con số này đặt ra thách thức lớn với báo chí chính thống. Theo ông, trong thời gian tới, nếu tận dụng được các TikToker này để quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa thì rất tốt.

Thạc sĩ Phạm Duy Phúc
Thạc sĩ Phạm Duy Phúc phát biểu tại tọa đàm sáng 5/7
Bà Nguyễn Như Mây (Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM) nói bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật... thì điều quan trọng là phải có tác phẩm hay thì mới tuyên truyền được hiệu quả. Vì thế, ngoài vai trò của báo chí, truyền thông, thì việc đầu tư, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tác là hết sức quan trọng; cần nâng chất lượng các giải thi sáng tác; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên mặt trận này… 

Đạo diễn, nghệ sĩ Công Hậu cho rằng điều cần làm là tìm ra các giải pháp cho tình hình phát triển không gian văn hóa trên thực tế. Anh đặt ra vấn đề liệu có thể đưa các tác phẩm văn học, nghệ thuật này vào không gian học đường hay không? Làm sao để đưa tác phẩm, văn hóa đến thanh niên, khơi gợi cho họ sự cảm nhận đúng đắn. Theo anh, đừng nên bàn vấn đề quá rộng, mà nên đi vào chi tiết, cụ thể. 

Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết thời gian tới, Thành ủy sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thêm tọa đàm về phương hướng, giải pháp cho vấn đề này. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh những vấn đề được đặt ra trong tọa đàm đã đóng góp kinh nghiệm, gợi ý nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để nghiên cứu thêm. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI