Sử dụng chất cấm: “Cần phải truy tố, người nông dân mới sợ”

15/07/2016 - 13:40

PNO - “Cần phải khiến họ sợ, và nghe thông tin để không dám sử dụng chất cấm, cần cứng rắn để ngăn cấm. Nói loạn thuốc nhưng không xử lý cứ để người nông dân làm do đó cần truy tố, người nông dân mới sợ..."

Su dung chat cam: “Can phai truy to, nguoi nong dan moi so”
Bàn chủ tọa hội thảo - Ảnh: Việt Tuấn/vneconomy

Đó là phát biểu Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong Hội thảo nông nghiệp an toàn: Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp diễn ra sáng nay (15/7), tại Hà Nội.

Ông Vân nhấn mạnh: “Cần phải khiến họ sợ, và nghe thông tin để không dám sử dụng chất cấm, cần cứng rắn để ngăn cấm. Nói loạn thuốc nhưng không xử lý cứ để người nông dân làm do đó cần truy tố, người nông dân mới sợ. Cần sửa đổi 1 số điều trong bộ Luật Hình sự, tôi tin chất cấm sẽ giảm mạnh và nhiều người không dám dùng”.

Cũng theo ông Vân, Cục Chăn nuôi đang nghiên cứu và sẽ đề xuất với Chính phủ một số nội dung liên quan đến vấn đề nêu trên, kỳ vọng có sự chuyển biến từng bước, từ từ.

Đến tham dự và chủ trì hội thảo có Đại diện Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cùng nhiều tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế - nông nghiệp, doanh nghiệp, nông dân tiêu biểu, và các cơ quan thông tấn báo chí, Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 10% dân số thế giới bị ngộ độc do thức ăn nhiễm độc, trong số đó có hàng trăm nghìn người bị chết vì nguyên nhân thực phẩm không an toàn.

Su dung chat cam: “Can phai truy to, nguoi nong dan moi so”
Ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Việt Tuấn/vneconomy

Ở Việt Nam, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn còn rất cao. Số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như người số người bị nhiễm độc thực phẩm do các tác nhân nấm mốc, vi sinh vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu… còn xuất hiện, tồn dư trong thực phẩm sử dụng hàng ngày còn khá cao. Con số thống kê ngộ độc thực phẩm cho thấy số vụ và số người bị ngộ độc không giảm trong những năm gần đây mà còn có dấu hiệu gia tăng.

Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn lạc hậu, nhỏ lẻ; quản lý chất lượng sản phẩm còn lỏng lẻo ở nhiều khâu trong chuỗi từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, bao gói, tiêu thụ thực phẩm; nhận thức và ý thức, trách nhiệm về an toàn của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, quản lý còn nhiều hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt và xử chưa đủ sức răn đe.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, cho biết hội thảo này có ý nghĩa quan trọng và thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Ông Lợi nói: Bây giờ chỉ cần khoá từ khoá "thực phẩm bẩn” ngay lập tức nhận được 4 triệu kết quả trong vòng 0,24' trên Google. Điều này cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội. Cơ quan thông tấn báo chí vừa qua đã thực hiện nhiều sản phẩm báo chí về thực phẩm bẩn…”

Ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh vấn nạn thực phẩm bẩn đang đe dọa giống nòi dân tộc và gây hoang mang cho toàn xã hội. Cuộc chiến này dù có sự tham gia nhiều bên nhưng vẫn chưa thể đẩy lùi vấn nạn này. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng nông nghiệp an toàn, loại bỏ thực phẩm ra khỏi xã hội. Vì vậy, phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm sạch. Cơ quan báo chí truyền thông cần có thông điệp tích cực tránh gây hoang mang.

Nhật Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI