PNO - PNO - Ni sư Thích Đàm Lan biết việc mua bán đất nông nghiệp là bất hợp pháp, chính quyền không đồng ý, nên sư áp dụng chiêu bài “Giấy xin cúng đất vào chùa”.
Để mua được hàng chục ngàn mét vuông đất ruộng quanh chùa Thiên Phúc, sư Lan nhờ “cò” Ng. đứng ra “gom” từ những người dân. Phần vì Ng. thạo việc buôn bán đất đai, phần vì thời bấy giờ, cha đẻ của Ng. là ông D. đang đương chức Chủ tịch mặt trận tổ quốc xã, nên người dân hiểu nhầm rằng, ”có chủ trương của chính quyền”. Họ rủ nhau ồ ạt cắt đất bán cho nhà sư, không mảy may hay biết, UBND xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) từng "tuýt còi"… giữ đất.
“Cúng” đất để qua mặt cơ quan chức năng
Đầu tháng 9/2014, thông qua những người dân, chúng tôi tìm đến nhà riêng của Nguyễn Văn Ng. để có một hình dung đầy đủ hơn về quá trình “tậu” đất của sư Lan. Tiếp chúng tôi khá thoải mái trong căn biệt thự khang trang, nội thất phần lớn là gỗ quý, Ng. không chút nghi ngờ về vai diễn đại gia” của nhóm phóng viên. Chúng tôi hỏi Ng. “Em muốn mua đất nông nghiệp của dân, giống như sư Lan đã từng mua, anh lo giúp được không?” Ng. đáp: "Tất nhiên là được, không phải là anh thì còn ai có thể lo được việc này?”.
Lần gặp thứ hai, Ng. dẫn chúng tôi ra cánh đồng Hương, thuộc thôn Phú Thọ (xã Đông Xuân), vừa đi anh ta vừa khoe thành tích đã giúp sư mua đất như thế nào. Ng. cho hay mánh khóe để lách luật: “Phía nhà sư soạn thảo ra một văn bản rất lạ đời: “Giấy xin cúng đất vào chùa”. Bản chất là sư Lan biết việc mua bán đất nông nghiệp là bất hợp pháp, xã không đồng ý, nên sư mới áp dụng chiêu bài này. Về phía người dân, họ không quan tâm đến việc ký vào giấy “cúng” hay giấy bán, miễn là được nhận đúng số tiền theo giá thỏa thuận giữa hai bên”.
Nói về chuyện “cúng” đất vào chùa, chị Phạm Thị Đông (thôn Phú Thọ) kể: “Nhà tôi phải cắn răng bán 10 thước đất cho sư Lan lấy gần một trăm triệu. Thằng con trai lớn bị tai nạn giao thông, lúc đấy nhà khó khăn quá, không biết xoay sở ở đâu ra thì ông Đồng là Hội trưởng Hội phụ lão của thôn, đến “gạ” mua đất ruộng. Nhà nông, sống bám vào đồng ruộng, cực chẳng đã vì cứu con mới phải bán ruộng đi. Chúng tôi chẳng “cúng” đất vào chùa làm gì cả, sư nhiều tiền thế, đi mua bao nhiêu đất thế thì cúng cho sư làm gì? Gần chục nhà bán đất cùng đợt với tôi, còn thuê hẳn một chuyến xe xuống chùa Bồ Đề để lấy tiền bán đất”.
Chị Đông bảo, ông Đồng vẫn giữ cuốn sổ đỏ gần một mẫu đất của gia đình chị, trong đó ghi chi tiết từng thửa ruộng, từng diện tích, cánh đồng, đặc điểm… Nhưng khi bán một thửa ruộng cho sư Lan, chị Đông đã bị ông Đồng thu cả cuốn sổ đỏ gốc của gia đình. Gần đây, có việc phải vay tiền ngân hàng, cần sổ đỏ để thế chấp, chị Đông đã đến tận nhà ông Đồng để đòi sổ đỏ, nhưng ông Đồng trả lời “sổ đỏ do sư Lan giữ”. Cho đến nay, chị Đông và nhiều người dân Phú Thọ vẫn chưa đòi lại được sổ đỏ của mình.
Gia đình chị Nguyễn Thị Chắc có 3 người bán ruộng cho sư Lan, riêng chị Chắc thì chưa lấy được tiền vì thửa đất nhà chị Chắc thực tế rộng hơn 4 thước so với diện tích điền trong sổ đỏ.
Chị Chắc nói: “Công tôi phát bờ, mở rộng ra bao nhiêu năm, mới rộng được ra như thế. Giờ bán đất, mấy ông ở thôn này cứ ép tôi phải lấy tiền dựa trên diện tích đất điền trong sổ đỏ, cùng lắm tôi chỉ được nhận thêm 10 triệu tiền chênh diện tích, nên tôi không chịu. Khoảng tháng 7/2014, tôi có đi cùng xe bà con làng thuê xuống tận chùa Bồ Đề lấy tiền. Tôi đã trình bày với sư Lan chuyện đó, sư Lan đồng ý trả tiền theo diện tích thực tế thửa ruộng nhà tôi. Sư bảo để hôm nào đích thân sư lên thì đo đạc. Nhưng chờ mãi mà chưa thấy sư lên đo đất, trả tiền cho tôi như đã hứa. Tôi nhớ mãi, hôm đi lấy tiền đất cùng bà con, sư Lan còn phải bỏ cả tiền lẻ ra để trả, nên mỗi người dân lấy được bọc tiền rõ to. Trên đường về chúng tôi cứ buồn cười mãi. Nghĩ đến cảnh mình đi chùa cũng hay bỏ tiền lẻ lên các ban thờ nên mới buồn cười".
Những mánh lới xẻ thịt đất nông nghiệp
Sau lần tiếp xúc thứ hai, Ng. liên tục gọi điện cho chúng tôi để giữ “mối” làm ăn. Theo Ng., thời điểm này, mua đất nông nghiệp đang rất dễ dàng. Người dân muốn bán để tránh khỏi việc xã thực hiện chính sách “dồn điền đổi thửa”. Cái giá mà Ng. đưa ra đối với một sào đất nông nghiệp là 260 triệu đồng. Trước đó, những người dân thôn Phú Thọ đều khẳng định, giá đất bán cho sư Lan tại thời điểm gần nhất là là 200 triệu/sào. Chúng tôi thắc mắc “giá cao quá”, Ng. quả quyết: “Nếu chấp nhận mua giá cao như thế, các em sẽ mua được cả cánh đồng của người ta, chứ không phải là mua kiểu “xôi đỗ” như sư Lan. Mà anh khẳng định, kiểu mua đất của sư Lan, nếu không quan hệ tốt thì mất trắng hết. Làm gì có ai công nhận?”.
Để thuyết phục chúng tôi mua đất nông nghiệp với giá cao hơn sư Lan, Ng. giới thiệu cho chúng tôi một "cò" dự án. Theo đó, Ng. và L. tư vấn chúng tôi nên xây dựng dự án, xin phê duyệt, sau đó mới thu hồi đất của dân. Theo Ng. và L., cách này đúng theo trình tự pháp luật, chắc chắn làm được thủ tục sang tên, có điều giá đất sẽ bị đội lên khoảng 500 triệu/sào.
Ngày 24/9, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết:
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một thể thức văn bản mang tên kỳ lạ như "giấy xin cúng đất vào chùa". Trong trường hợp này, toàn bộ đất nông nghiệp, đất trồng lúa mà sư thầy Thích Đàm Lan đã mua là trái luật. Nhà nước nghiêm cấm việc mua bán đất nông nghiệp, chỉ thừa nhận một số giao dịch dựa trên cơ sở, người được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải là người nông dân, sinh sống tại địa phương. Quá trình nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, phải được chính quyền địa phương công nhận".
Thấy chúng tôi còn băn khoăn, Ng. và L. tiếp tục gửi đến chúng tôi một bản phân tích kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở, đúc kết những kinh nghiệm mà Ng. rút ra trong quá trình mua đất giúp sư Lan như sau: "Về phía người dân, đại diện gia đình có đất làm giấy tự nguyện công đức diện tích đất cho chùa". Giấy này chỉ có xác nhận của cán bộ thôn, không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Nhà chùa trả tiền cho dân bằng hình thức ghi phiếu chi, hỗ trợ hoa màu. Tính chất pháp lý của giao dịch này là hoàn toàn không có. Ruộng được nhà nước cấp cho các gia đình là để canh tác, mọi thành viên trong gia đình được cấp đất đều có quyền lợi như nhau. Vì vậy, chỉ một người đồng ý, không thông qua những thành viên khác là vi phạm pháp luật. Người ta kiện ra tòa thì bà Lan mất trắng".
Dường như sư Lan quá tự tin trong mọi quyết định của mình, nên khi ông D. không có chân trong vai trò quản lý nào nữa, bà đã nhanh chóng bắt mối với ông Đồng, người nắm giữ vị trí cao nhất trong Hội Phụ lão của thôn, nhằm tiếp tục việc mua bán đất nông nghiệp được thuận lợi hơn. Trong bản mẫu "giấy xin cúng đất vào chùa", do Ng. cung cấp có nội dung mùi mẫn như sau: "Để tỏ lòng thành kính phật, để nhà sư về trụ trì và xây dựng chùa Thiên Phúc ngày càng khang trang, tố hảo, mang lại đạo đức và lẽ sống nhà phật cho nhân dân... gia đình chúng con nguyện cúng đất vào chùa". Dưới văn bản là phần để ký tên của các bên liên quan, mà to nhất về mặt chính quyền là UBND xã, nhưng chưa ký.
Ngày 20/9, chúng tôi đến nhà ông Đồng, nhưng ông đi vắng. Qua vợ ông Đồng, chúng tôi được biết vợ chồng ông Đồng giúp sư Lan thuê người cấy 10 mẫu lúa mỗi vụ. Số thóc thu được, ông Đồng bán giúp sư Lan, chờ đến khi thời cơ hợp lý, sẽ quây tường, làm đường vào chùa…
Chiều cùng ngày, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đồng qua số điện thoại mà vợ ông cung cấp. Ông Đồng tưởng chúng tôi mua thóc, hẹn tối cùng ngày quay lại gặp ông. Nhưng sau khi được biết chúng tôi muốn mua đất nông nghiệp giống sư Lan, ông hào hứng "môi giới": "Hiện nay cánh đồng trũng thuộc Phù Lỗ người ta muốn bán, nhưng sư Lan không mua tiếp nữa, nếu các cháu muốn mua thì bác giới thiệu cho". Nhưng khi hỏi đến thủ tục hợp thức hóa đất nông nghiệp có khó không, ông Đồng nói: "Khó với người này, dễ với người kia, cũng còn tùy tình hình các cháu ạ. Như nhà sư người ta mua mấy chục ngàn mét vuông, bác còn giúp được nữa là".
Khi chúng tôi hỏi: "Bác giúp được nhà sư sang tên đất nông nghiệp cơ ạ? Sư có phải là người của địa phương đâu?", ông Đồng chống chế: "Bà con bán đất cho sư, người ta làm bằng hình thức "cúng" đất vào chùa, chuyện giấy tờ, thủ tục hợp thức hóa, nhà sư lo hết, bác không phải lo". Theo đó, ông Đồng khẳng định, việc mua bán đất nông nghiệp ở thôn Phú Thọ vẫn âm thầm diễn ra, trước khi UBND xã tiến hành dồn điền đổi thửa.
Những ngày qua, khi tiếp xúc với những người dân ở thôn Phú Thọ, chúng tôi được biết một chuyện bi hài khác. Lý do người dân phải thuê xe xuống tận chùa Bồ Đề nhận tiền đất, vì khi thanh toán tiền đất cho dân, các cán bộ thôn hay bắt trích lại mấy chục ngàn nói là “làm công đức cho chùa”.