Có một nơi mà nếu có quyền chọn lựa, chẳng ai muốn đến, đó là bệnh viện. Mà một khi đã đến bệnh viện, tất cả bệnh nhân cùng đặt hết niềm tin, phó thác sức khỏe, tính mạng và cả những quyết định sống còn của mình, vào tay bác sĩ. Điều đó là đương nhiên.
Niềm tin của bệnh nhân là điều tối thiểu mà bác sĩ cần và xứng đáng được có, để làm tốt chức phận của mình.
Nhưng, sự cố mới đây ở Bệnh viện Chợ Rẫy lại nhắc cho người ta nhớ về những “tai nạn niềm tin”, khi bệnh nhân phải chịu mất một phần thân thể, tàn phế và thậm chí không ít trường hợp phải tử vong, do nhầm lẫn của bác sĩ.
Như vụ cắt nhầm hai quả thận cho một phụ nữ ở Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ, mổ nhầm chân ở Bệnh viện Việt Đức, cắt nhầm bàng quang sản phụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, cắt nhầm bàng quang bé trai 21 tháng tuổi khi phẫu thuật điều trị thoạt vị bẹn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Giới chuyên môn gọi đây là sự cố y khoa.
Ở góc độ người dân, nó là tai nạn niềm tin - một loại tai nạn mà họ khó lòng phòng tránh. Nhưng, ở góc độ “tai nạn y khoa”, với bác sĩ, liệu đây có phải chuyện không thể phòng tránh?
Phải nhấn mạnh rằng, theo thông tin đến được với công chúng, những tai nạn kiểu này chỉ có xác suất cực thấp, kiểu như... tai nạn máy bay.
Nhưng, con số chính xác mỗi năm có bao nhiêu sự cố y khoa ở một cơ sở y tế là điều chưa bao giờ được công khai, minh bạch chứ chưa nói tới tính chuẩn xác của thông tin.
Lâu nay, người dân biết được những sự cố y khoa tại các bệnh viện chỉ qua một kênh duy nhất, đó là báo chí. Và, chỉ những sự cố y khoa mà bệnh viện chối bỏ trách nhiệm, hay thương lượng không thành, đền bù không thỏa đáng… thì nạn nhân mới nhờ đến truyền thông, từ đó thông tin được hé lộ.
Còn trên thực tế, với tình trạng bác sĩ quá tải, bệnh viện quá tải thì việc xảy ra sự cố y khoa không phải là chuyện hiếm, nhưng việc thừa nhận sòng phẳng với nạn nhân, với công luận, với quản lý thì lại là chuyện hiếm.
|
Bệnh nhân bị tổn thương đốt sống ngực nhưng lại bị khoan nhầm chân |
Những câu chuyện động trời như Bệnh viện C. cắt ruột thừa cho bệnh nhân, bỏ quên kéo trong ổ bụng bệnh nhân, Bệnh viện T. mổ chân phải trong khi bệnh nhân bị đứt dây chằng chân trái do bác sĩ quên đọc bệnh án; hay Bệnh viện B. truyền nhầm máu làm chết bệnh nhân ngay trên bàn mổ… vẫn râm ran trong giới y khoa và truyền thông.
Và cũng có tiếng đồn râm ran rằng, những sự việc này được phủi trách nhiệm bằng thuật ngữ y khoa “tai biến ngoài tầm kiểm soát”, hoặc được "cho qua" sau khi bệnh viện thương lượng thành công với bệnh nhân.
Còn nhớ trong phiên tỏa xử vụ cắt nhầm hai quả thận của bệnh nhân nữ ở TP.Cần Thơ, khi quan tòa hỏi bệnh viện thấy có lỗi không, đại diện bệnh viện cứng rắn nói “không” và cũng viện dẫn thuật ngữ y khoa: “Đây là tai biến y khoa ngoài sức tưởng tượng”.
Hay có những sự cố y khoa đã bị ém nhẹm từ trong trứng nước. Như chuyện tại một bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM, 2 bệnh nhân cùng tên được lên ca mổ cho ngày hôm sau, được làm hồ sơ, test nhóm để dự phòng nguy cơ truyền máu khi phẫu thuật. Điều dưỡng đã sơ ý để nhóm máu của người này thành nhóm máu của người kia. Hôm sau, 2 ca phẫu thuật diễn ra, 1 trong 2 bệnh nhân được chỉ định truyền máu.
Trước khi truyền máu, bác sĩ gây mê cho test lại nhóm máu và phát hiện mẫu phẩm máu không trùng khớp với nhóm máu in trên tem dán nên phòng mổ đã báo về khoa.
Rà soát lại, khoa này phát hiện điều dưỡng đã để nhầm mẫu phẩm máu. Vụ việc được ém lại tại phòng mổ và khoa chứ không báo lãnh đạo trực của bệnh viện theo quy trình. Và người gây lỗi tày đình này chỉ bị phê bình, nhắc nhở trong nội bộ khoa. Còn ngoài kia, 2 bệnh nhân hoàn toàn không biết mình vừa may mắn thoát khỏi tay thần chết.
Thử điểm những sự cố y khoa từ trước tới nay được công khai trên truyền thông, hầu như không có vụ nào từ đầu bác sĩ, bệnh viện thừa nhận lỗi và chủ động xin lỗi nạn nhân.
Họ dùng lá bùa hộ mệnh là những viện dẫn, giải thích bằng thuật ngữ y khoa cao siêu để “cả vú lấp miệng em” và có nhiều vụ đã qua truông bằng cách này.
Một khi lỗi của bác sĩ, bệnh viện rành rành, không thể chối cãi, họ cũng nhận lỗi theo kiểu “bề trên”. Và thay vì phải bồi thường tổn thất, cả bệnh viện lẫn bác sĩ thường đánh tráo câu chữ thành “hỗ trợ, chia sẻ với bệnh nhân”.
Ngay cả với vụ nhầm lẫn đang gây sóng của Bệnh viện Chợ Rẫy hiện nay, đại diện bệnh viện vẫn làm cho dư luận sục sôi lần nữa với phát biểu: “Lỗ khoan xương này sẽ tự lành sau 6 tháng mà không cần can thiệp bằng phương pháp nào, cũng không gây di chứng cho bệnh nhân" và "bệnh viện chỉ chịu trách nhiệm các chi phí phát sinh do sự nhầm lẫn này gây ra".
Vậy, tổn thất từ thể xác đến tinh thần do sự nhầm lẫn này thì ai chịu trách nhiệm?
Năm nào cũng vậy, có rất nhiều hội nghị khoa học của ngành y, từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố, trung ương và cả quốc tế. Ở đó, các thầy thuốc tự hào, hân hoan báo cáo về những thành tích, thành tựu đạt được trong ngành, hay của bệnh viện mình.
Ít thấy hội nghị mà các bệnh viện báo cáo về sự cố y khoa.
Tại hội nghị khoa học kỹ thuật bệnh viện chuyên đề nội khoa và quản lý chất lượng, tổ chức vào 10/2018, Bệnh viện Trưng Vương đã chủ động báo cáo sự cố y khoa của bệnh viện mình. Phần báo cáo gây bất ngờ cho người dự, phần đông sau đó đều trầm trồ, nể phục vì sự dũng cảm của Bệnh viện Trưng Vương.
Một phần nguyên nhân được hé mở. Vì sao những sự cố y khoa ít được báo cáo bài bản để rút kinh nghiệm cho đơn vị và cả ngành y? Đó là do sợ bị buộc tội, sợ bị trừng phạt, sợ ảnh hưởng thương hiệu… và sợ tạo ra tiền lệ: phải bồi thường mọi tổn thất.
Chẳng biết tự bao giờ, tâm lý chuyện lớn biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ coi như không lại mạnh mẽ đến thế trong ngành y, từ người làm nên lỗi chính, đến ê kíp, đến lãnh đạo khoa và cả lãnh đạo bệnh viện.
Lẽ ra, bên cạnh thành tựu các bác sĩ đi báo cáo thường xuyên và rất tự hào thì những hạn chế, tiêu cực cũng là một phần không thể chối bỏ của ngành y. Nói một cách sòng phẳng, cũng như thành tựu, chính việc mổ xẻ tiêu cực, những sự cố y khoa sẽ giúp nhân viên y tế rút được nhiều bài học quý báu, ý thức hơn trách nhiệm của mình, cải thiện chất lượng hoạt động của cơ sở y tế.
Đừng để cách hành xử “tốt khoe, xấu che” làm ố mờ ngành y nước nhà vốn được nhiều tiếng thơm trên trường quốc tế những năm qua.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em phát biểu tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với sự cố y khoa lĩnh vực Sản – Nhi diễn ra tại TPHCM ngày 20/8/2018: Sự cố y khoa có thể là do yếu tố chủ quan hoặc yếu tố khách quan. Trong đó, những vấn đề khách quan bao gồm quá tải bệnh viện, sàn nhà trơn trượt, thiết bị cũ, hỏng… Tuy nhiên, đây chỉ là những vấn đề thiếu số, phần lớn sự cố y khoa xuất phát từ yếu tố con người. Sự cố y khoa là một phần không thể tránh khỏi của ngành y tế, nhất là lĩnh vực sản - nhi, bởi các vụ tử vong liên quan đến bà mẹ và trẻ em luôn là vấn đề nhạy cảm, dễ gây ra bức xúc trong xã hội.
Theo ông Vinh, đa số các vụ tai biến y khoa người dân chủ yếu bức xúc về thái độ ứng xử của cơ sở y tế để ra xảy sự cố hơn là vấn đề chuyên môn kỹ thuật. Những cơ sở để xảy ra sự cố y khoa thường đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm, né tránh, quy kết đổ lỗi cá nhân, thiếu thông tin chia sẻ là nguyên nhân gây nên những khiếu nại kéo dài.
|
Thùy Dương