Sư cô Thích Nữ Giới Tánh - Lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy tình thương làm lẽ sống

23/11/2021 - 09:48

PNO - Sư cô Thích Nữ Giới Tánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển, kết nối văn hóa, tạo nên những dấu ấn Phật giáo Việt Nam sâu sắc trên đất Hàn.

 

Sư cô Thích Nữ Giới Tánh
Sư cô Thích Nữ Giới Tánh

Sư cô Thích Nữ Giới Tánh (Incheon - Hàn Quốc) từ lâu đã trở nên quen thuộc với cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. Đó là hình ảnh của một sư cô nhỏ nhẹ khiêm cung, có sự hiểu biết sâu sắc. Luôn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những cô dâu Việt lấy chồng xứ người và các sinh viên, doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc, sư cô Thích Nữ Giới Tánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển, kết nối văn hóa, tạo nên những dấu ấn Phật giáo Việt Nam sâu sắc trên đất Hàn. 

Có duyên theo Phật từ rất nhỏ

* Sư cô thấy mình… “có duyên” với chốn thiền môn từ bao giờ?

Sư cô Thích Nữ Giới Tánh: Từ nhỏ, chúng tôi được theo ba mẹ và chị đi lễ chùa. Gần nhà tôi có ngôi chùa làng, chúng tôi theo sinh hoạt trong gia đình Phật tử chiều thứ Bảy hằng tuần; hai tuần một lần ở chùa anh chị Huynh trưởng dạy giáo lý Phật giáo.

Thời bấy giờ, điện 110v không đủ sáng nên mỗi lần đi học tối, chúng tôi phải mang theo cây đèn dầu. Ông nội tôi là Phật tử tại gia. Mỗi khi ông tụng kinh, chị em chúng tôi lại ngồi cùng lạy Phật sau lưng ông. Còn bé, chưa biết gì, thi thoảng tôi lại hái các loài hoa dại ven đường để mang tới cúng Phật. Ngày lên chùa, tôi còn nhớ các anh chị gia đình Phật tử và gia đình họ hàng tới nấu chè liên hoan tụng kinh cầu an. Lúc viết lưu bút chia tay, mọi người khóc, còn tôi lại chỉ mong trời sáng để sáng mai đến chùa như lời dạy của sư bà. 

Giờ phút quan trọng đã đến, chúng tôi đến trước bàn Phật, lạy Phật, lạy ông bà, lạy ba mẹ tạ ơn nghĩa dưỡng sanh. Nắm tay mẹ, tôi nói: “Con sẽ quay về thăm gia đình mình khi con thành đạt; con sẽ gắng tu học giỏi, ba mẹ yên tâm”. Ba tôi tỏ vẻ cứng rắn còn mẹ tôi dặn dò: “Con tới chùa ráng tu nhé con!”.

Khi ra khỏi sân, quay nhìn mẹ, nhìn nhà lần cuối, tôi thấy mẹ tôi ôm cây cột úp mặt khóc, cố kìm nén nỗi buồn. Em gái tôi thì khóc, đòi đi theo chị. Bước chân tôi nặng trĩu nhưng rồi tôi rảo bước đi thật nhanh thật xa, nhìn vào nhà một lần nữa rồi lên xe.

Một thời gian rất lâu sau đó, chị tôi mới kể lại rằng khi tôi đi tu rồi, mẹ lo lắng vì tôi còn quá nhỏ, vào ra quanh nhà thấy nồi ăn chay riêng và áo quần của tôi, mẹ khóc suốt... Mẹ buồn mất ba năm vì thương con.

Sư cô Thích Nữ Giới Tánh và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan
Sư cô Thích Nữ Giới Tánh và Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan

Dù bà thấu hiểu đạo, biết đi tu là tốt nhưng tình mẫu tử không thể nào chia cách được nên trong kinh Vu lan có ghi: “Mẹ già hơn 100 tuổi, còn thương con 80, ân ấy có đoạn chăng, chỉ hơi thở cuối cùng”. Vì vậy, càng thương mẹ thương cha và lý tưởng... tôi càng tinh tấn cố gắng học tu công quả và nghiên cứu giáo lý Phật đà. 

* Cuộc sống mới ở chùa đã diễn ra như thế nào, thưa sư cô?

- Sư bà làm lễ xuống tóc cho tôi và đặt pháp danh Nguyên Tâm, pháp tự là Giới Tánh. Tôi tên thật là Thức, nên Thức Tâm Tánh là trọn nghĩa trong bộ kinh Duy Thức học. Sư bà bảo đã bước chân vào chùa là những tâm tính xấu ngoài đời bỏ hết bởi các con được xuất gia vào chùa đã là người có phước đức.

Tôi rất thích được học. Chùa có chín chú tiểu mà chỉ có hai cuốn kinh, muốn học phải chép ra giấy. Vở không có, tôi phải xin giấy gói nhang để tập viết chữ Hán.

Tôi còn nhớ những buổi sáng đi bán rau, bán xì dầu, tương chao ở các chợ xa để phụ quý sư... Nhiều lúc mệt và không còn thời gian để học, chiều thứ Bảy tôi hay bị phạt, nên đã phát nguyện sám hối, “xin đức Quan Âm khai thông trí tuệ để cho con tinh tấn thuộc bài”. Từ đó, tôi siêng năng học thuộc hết kinh A Di Đà và các kinh luật căn bản hai thời công phu và bốn quyển Luật (Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách).

Sư bà của tôi giới luật uyên thâm, tôi học hỏi được nhiều từ hạnh đức của thầy. Học hỏi giáo lý Phật đà, thực tập sống luôn an trú trong chánh niệm (đi đứng nằm ngồi) đều phải oai nghi. Tôi thấy đời tu thật giá trị và cao quý vô cùng.

Thương những cảnh đời

* Những hoạt động cộng đồng của sư cô tại Hàn Quốc đã diễn ra như thế nào?

- Chúng tôi rất quan tâm tới những phụ nữ làm dâu xứ Hàn. Vì xa xứ, xa quê hương, họ rất nhớ nhà, nhớ mẹ. Họ có tuổi đời rất trẻ, có những gia đình đa văn hóa, có gia đình rất khó khăn (con bị bệnh, cô dâu bị té lầu…), chúng tôi luôn tới thăm, động viên. Chúng tôi mong muốn họ hòa nhập vào Hàn Quốc cho phù hợp nên tìm cách tiếp cận với các bà mẹ (mẹ chồng của các nàng dâu), mời các bà dùng cơm, không phân biệt tôn giáo.

Trong lúc sinh hoạt, câu chuyện chúng tôi đề cập tới chính là về truyền thống văn hóa Việt Nam để các bà thấu hiểu, thông cảm với con dâu của mình. Nếu mẹ chồng hiểu thì con trai, con dâu sẽ được thông cảm và đối xử tốt, giảm bớt mâu thuẫn và sự bất hòa trong gia đình.

Sư cô tại khu vực chìm phà Sewol, cầu mong bình an cho mọi người
Sư cô tại khu vực chìm phà Sewol, cầu mong bình an cho mọi người

Chúng tôi còn tổ chức các đại lễ Phật giáo, các khóa tu tập, các đại lễ cầu siêu, cầu an, cầu nguyện hòa bình; thường xuyên thăm hỏi, chăm lo đời sống tinh thần các gia đình Việt - Hàn, động viên các gia đình tạo điều kiện để con cháu học hỏi tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.

* Không chỉ người Việt mà sư cô cũng rất quan tâm tới người Hàn Quốc. Thảm kịch lật phà ở Sewol bảy năm trước, sư cô đã tới tận nơi, hẳn đó là những ký ức ám ảnh? 

- Được biết trong vụ phà chìm có cả người Việt Nam, vì vậy trái tim của tôi thôi thúc phải đi ngay. Sư cô đã nhờ một Phật tử đưa mình tới nhà xác ở Ansan để cầu nguyện cho các nạn nhân, động viên thân nhân của họ.

Sáng hôm sau, từ Seoul đến tỉnh Wangju mất sáu tiếng, chúng tôi đến nhờ hai vị thầy Phật giáo Hàn Quốc lái xe đưa ra đảo Jeju. Gặp những người mẹ đang cầu nguyện mong ngóng tin tức của con, chúng tôi thực sự không cầm được nước mắt. Những cảnh sát hôm đó rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi. Chư tôn đức Phật giáo Hàn cũng tới cầu nguyện và tiếp chúng tôi trong sự kính trọng.

Cùng chung là con người có máu đỏ như nhau, đau xót trước sự mất mát của người thân và nạn nhân trong vụ chìm phà, chúng tôi cùng các Phật tử và cộng đồng người Việt sinh sống tại Hàn Quốc đã tổ chức lễ cầu nguyện cho công việc tìm kiếm người trên phà được thuận lợi. 

* Vâng, tôi cũng nhớ sư cô từng được trìu mến gọi là sư cô biển đảo?

Sư cô luôn làm việc thiện, hướng về quê hương đất nước, dạy các cháu người Việt hiểu thêm về văn hóa Việt Nam
Sư cô luôn làm việc thiện, hướng về quê hương đất nước, dạy các cháu người Việt hiểu thêm về văn hóa Việt Nam

- Chúng tôi luôn tưởng nhớ tới công ơn của các anh hùng liệt sĩ, nhất là các chiến sĩ hải đảo ở biển xa. Mỗi lần trong các khóa lễ cầu an, cầu siêu cho cộng đồng, sư cô luôn vận động kiều bào đoàn kết yêu thương đất nước, gây quỹ ủng hộ 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma, làm bia và xây nhà thờ bia trên đảo Phan Vinh. 

* Trong đại dịch COVID-19, sư cô đã đồng hành cùng bà con mình như thế nào để giúp họ trụ được giữa muôn ngàn khó khăn?

- Tháng 3/2020, hơn 750 người Việt từ Hàn Quốc trở về và cách ly 14 ngày tại Trường Quân sự Sơn Tây thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), tôi cùng các Phật tử thay mặt Trung tâm Văn hóa Phật giáo, Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc đã tặng quà và vật phẩm tới trường, Bộ Tư lệnh Thủ đô. Tôi muốn thăm gặp và trấn an tâm lý cho những người đang cách ly tại Sơn Tây.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam  Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp nhận  ủng hộ từ sư cô Thích Nữ Giới Tánh, Giám đốc Trung tâm  Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp nhận ủng hộ từ sư cô Thích Nữ Giới Tánh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc

Năm 2021, những ngày tháng bận việc Phật sự và bị kẹt lại tại Hà Nội do COVID-19, tôi luôn nỗ lực vận động bà con Phật tử tìm các nguồn lương thực thực phẩm, trợ cấp gạo, khẩu trang, vật tư y tế để ủng hộ, giúp đỡ bà con nghèo các vùng miền nơi có nhiều ổ dịch và bị phong tỏa.

Cho dù sự đi lại khó khăn do giãn cách nhưng đây cũng là một thử thách nên dù ốm đau mệt mỏi hay vất vả, chúng tôi cũng sẽ dốc hết sức mình.

Ngoài ra, chúng tôi còn vận động bà con kiều bào chung tay chung sức góp phần cho Quỹ vắc xin của Việt Nam. Trong lúc khó khăn nhất mà chúng ta làm được, đó mới thực sự quý giá.

Giải thưởng càng khiến tôi phải nỗ lực 

* Là người Việt đầu tiên được nhận giải Hòa bình Phật giáo thế giới tại Hàn Quốc năm 2020, sư cô có thể chia sẻ niềm vinh dự này được không?

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hoạt động kết nối và giúp những người Việt tại Hàn Quốc ngày càng gắn bó với đất nước - Ảnh: An Vũ
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hoạt động kết nối và giúp những người Việt tại Hàn Quốc ngày càng gắn bó với đất nước - Ảnh: An Vũ

- Sư cô rất vinh dự khi nhận được giải thưởng cao quý này. Đây là giải thưởng lớn lần đầu tiên được tổ chức tại Hàn Quốc nhằm vinh danh các chư tôn đức Phật giáo nước ngoài tại Hàn Quốc đã góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác phát triển giữa Phật giáo Hàn Quốc cùng các nước khác trong khu vực và thế giới.

Niềm vinh dự này không chỉ dành riêng cho cá nhân tôi mà cho cả cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập, làm việc, kinh doanh tại Hàn Quốc bởi chính họ là những người đang đóng góp tăng cường sự đoàn kết hữu nghị giữa hai quốc gia Việt - Hàn. 

* Tiếp tục năm 2021, Hiệp hội Ahn Jung Geun đã trao giải Hoạt động thiện nguyện vì hòa bình thế giới cho sư cô như lời tri ân đặc biệt?

- Đây là sự kiện được tổ chức hằng năm của Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật Ahn Jung Geun nhằm vinh danh những cá nhân tiêu biểu có đóng góp cho sự phát triển của xã hội trên các lĩnh vực, nhất là văn hóa, nghệ thuật và thiện nguyện; góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc. Giải thưởng khiến tôi cảm kích và luôn tự nhủ mình phải nỗ lực hơn nữa.

Sư cô nhận giải Hòa Bình Phật giáo thế giới tại Seoul
Sư cô nhận giải Hòa Bình Phật giáo thế giới tại Seoul

Trong nhiều năm qua, Hội Phật tử và bà con cộng đồng đã tạo nên những dấu ấn Phật giáo Việt Nam sâu sắc trên đất Hàn, tổ chức mời và đưa các đoàn Phật giáo Hàn Quốc nhiều tông phái tới Việt Nam để tham dự hội thảo, giao lưu Văn hóa Phật giáo và làm việc thiện nguyện.

Những hoạt động trên được đại sứ quán Hàn Quốc đánh giá rất cao và khẳng định Phật giáo Việt Nam đang rất lớn mạnh trên đất nước Hàn Quốc. 

* Sắp tới, sư cô có những dự định gì?

- Chúng tôi sẽ tổ chức một sự kiện văn hóa Phật giáo, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.

Sự kiện dự kiến diễn ra tại Việt Nam vào tháng 1/2022 và tại Hàn Quốc vào tháng 4/2022 nếu tình hình dịch bệnh không quá căng thẳng. Chúng tôi đang vận động kết nối các hội đoàn, lên kế hoạch để tổ chức chương trình cho sự kiện ngoại giao này.  

* Cuối cùng, bài kinh nào mà sư cô áp dụng thường ngày?

- Sư cô thường tập và hành trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dùng khế lý khế cơ cho phù hợp với cuộc sống, đưa văn hóa Phật giáo áp dụng vào đời sống thường ngày để hướng dẫn các Phật tử.

Trong kinh Bát Nhã có câu: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế bồ đề tát bà ha” có nghĩa là “nhanh lên, nhanh lên, để vượt qua bờ bên kia”. Làm chủ bản thân, tự mình thắp đuốc lên mà đi, lấy trí tuệ là sự nghiệp, lấy tình thương làm lẽ sống.

* Cảm ơn sư cô đã chia sẻ. 

Sư cô Thích Nữ Giới Tánh xuất gia từ năm 1988, đến năm 1993 được thọ Giới Sa Di Ni; năm 1996 thọ giới lên cấp bậc Thức Xoa Ma Na (học và hành trì bốn giới trọng sáu giới khinh và 292 hành pháp); năm 1998, oai nghi giới thể phẩm hạnh đầy đủ, xin thọ giới Tỳ kheo (Cụ túc) và Bồ tát giới.

Sư cô Thích Nữ Giới Tánh hiện là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Với rất nhiều cống hiến, nỗ lực hết mình, ngày 1/7/2019, sư cô vinh dự nhận giải thưởng cao quý “Hòa bình Phật giáo thế giới” được Phật giáo Hàn Quốc tổ chức dưới sự bảo trợ của chính phủ và quốc hội Hàn Quốc.

Tháng 11/2021, sư cô tiếp tục nhận giải “Hoạt động thiện nguyện vì hòa bình Phật giáo thế giới” do Hiệp hội Văn hóa Nghệ thuật Ahn Jung Geun Hàn Quốc trao tặng.

Tuệ Lam (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI