Sự cố sụt lún ở huyện Nhà Bè: Khẩn cấp di dời dân

02/06/2017 - 18:35

PNO - Chiều hôm qua (1/6), chính quyền xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM đã tổ chức sơ tán người dân ra khỏi khu vực sụt lún ven sông Rạch Tôm, đoạn qua hẻm 1740 Lê Văn Lương, ấp 3, xã Nhơn Đức.

Trước đó, sáng 30/5, khu vực này đã xảy ra tình trạng sụt lún làm nứt đường một đoạn dài gần 40m. Hiện, nhiều hộ dân sống ven sông Rạch Tôm đứng ngồi không yên trước nguy cơ nhà bị cuốn xuống sông.

Su co sut lun o huyen Nha Be: Khan cap di doi dan
Nhiều người dân địa phương lo lắng tình trạng sụt lún sẽ gây sạt lở, cuốn trôi nhà.

Chưa kịp mừng nhà mới đã lo trôi 

Trong căn nhà vừa mới xây xong cách đây vài ngày, anh Nguyễn Văn Ơi (52 tuổi, ngụ hẻm 1740 Lê Văn Lương, xã Nhơn Đức) nhìn xa xăm theo con nước Rạch Tôm, buồn bã nói: “Hai ngày qua vợ chồng tôi thức trắng đêm giữ nhà khi đoạn đường trước nhà bị sụt lún, tôi như ngồi trên đống lửa. Cứ nghĩ đến cảnh căn nhà bị cuốn theo dòng nước như xảy ra ở miền Tây, cả nhà mất ăn mất ngủ. Vợ tôi vừa đưa mấy cháu nhỏ sang nhà người thân ở tạm”.

Được biết, tình trạng sụt lún tại hẻm 1740 Lê Văn Lương xảy ra vào khoảng 6 giờ ngày 30/5. Ban đầu, tuyến hẻm này chỉ bị sụt lún một đoạn nhỏ, sau đó lan rộng thành một đoạn dài gần 40m. Nhiều hộ dân sống ở đây tỏ ra lo ngại vì nguy cơ nhà có thể trôi xuống sông bất cứ lúc nào. 

Chỉ vào những vết nứt dài trên tường nhà, cụ Trần Văn Mậu (ngụ hẻm 1740 Lê Văn Lương, ấp 3, xã Nhơn Đức) lo lắng: “Sống ở đây gần cả đời người, lần đầu tiên tôi thấy cảnh này. Từ lúc đường bị sụt lún, nhà tôi cũng bị nứt theo. Mấy đêm qua cả nhà thức trắng giữ nhà. Tôi vừa gửi mấy cháu nhỏ và một phần đồ đạc sang nhà người thân. Tối nay người già cũng đi nơi khác, chỉ còn mấy thanh niên ở lại cùng với địa phương trực chiến chỗ có thể xảy ra sạt lở”.

Su co sut lun o huyen Nha Be: Khan cap di doi dan
Khu vực sạt lở trong hẻm 1740 Lê Văn Lương.

Trong tâm trạng phập phồng, chị Trần Kim Hương (ngụ hẻm 1740 Lê Văn Lương, ấp 3, xã Nhơn Đức) cho biết, gia đình chị được chính quyền địa phương yêu cầu di dời đến trú tạm ở trường học do UBND xã bố trí, ban ngày hai vợ chồng chị đi làm và gửi hai con nhỏ ở nhà người thân. Do sự việc quá đột ngột nên mọi sinh hoạt xáo trộn, nhà cửa không biết ra sao, chị chỉ mong sự cố nhanh chóng được khắc phục để gia đình ổn định cuộc sống. 

Tuyệt đối đảm bảo tính mạng người dân 

Ngày 1/6, đoàn do ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM dẫn đầu đã thị sát hiện trường sụt lún, kiểm tra và động viên các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Làm việc với địa phương, ông Khoa nhấn mạnh, tính mạng, tài sản của người dân phải tuyệt đối được bảo đảm, trước mắt phải khẩn cấp di dời bảy hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng ngay trong ngày 1 và 2/6, riêng Sở GTVT và các cơ quan chuyên môn nhanh chóng xác định nguyên nhân, đưa ra các biện pháp khắc phục.

Cụ thể, Sở GTVT phối hợp cùng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đánh giá toàn diện để có phương án khắc phục sự cố một cách triệt để. Thời gian tiến hành từ năm-bảy ngày, tuy khẩn trương nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn và kỹ thuật. 

Chiều 1/6, tại buổi họp với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố trong hẻm 1740 đường Lê Văn Lương, ông Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cho biết, sự cố sụt lún gây ảnh hưởng cho tám nhà dân với 25 nhân khẩu. Ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND xã đã tổ chức phong tỏa khu vực bị sụt lún, cử lực lượng chốt chặn 24/24.

Su co sut lun o huyen Nha Be: Khan cap di doi dan
Phó Chủ tịch UBND Lê Văn Khoa cùng các sở ban ngành đi kiểm tra vị trí xuất hiện vết nứt tại huyện Nhà Bè.

Chiều ngày 1/6, UBND xã Nhơn Đức đã họp, vận động người dân trong vùng bị ảnh hưởng di dời đến khu vực an toàn. Cụ thể, điểm tập trung là trường tiểu học Lê Văn Lương. “Chúng tôi khuyến khích người dân đến trú tạm nhà người thân. Những trường hợp không có nơi ở chúng tôi sẽ bố trí chỗ ở tạm tại trường tiểu học Lê Văn Lương. Các lực lượng công an, quân sự và các thanh niên sẽ túc trực ở khu vực này 24/24”, ông Thoảng thông tin.

Trước mắt UBND xã Nhơn Đức sẽ tạm ứng kinh phí cho các hộ dân di dời là 1,5 triệu đồng/hộ. Về lâu dài, địa phương sẽ tính phương án hỗ trợ mỗi hộ dân 900.000đ/tháng.

Dự kiến khắc phục sạt lở trong một tuần

Đánh giá nguyên nhân gây sụt lún, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, nguyên nhân ban đầu có thể do đường hẻm 1740 được xây dựng trên nền đất yếu, lượng phương tiện đi lại khá cao nên khi triều cường dâng rồi rút xuống rất dễ khiến nền đất bị xói lở. Chưa kể, khu vực trên chưa có bờ kè nên nguy cơ bị sạt lở khi mưa lớn hoặc triều dâng rất cao.

Su co sut lun o huyen Nha Be: Khan cap di doi dan
Vết nứt khiến người dân huyện Nhà Bè lo lắng những ngày qua.

PGS-TS Tô Văn Thanh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố sụt lún, các cơ quan chức năng tiến hành đo lòng sông và phát hiện hố xoáy dài gần 100m, sâu hơn hiện trạng lòng sông từ 2,5-3m. Đây có thể là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sụt lún.

“Dòng chảy thay đổi có thể do hệ quả của quá trình vận động làm bào mòn lòng sông. Do vào đầu mùa mưa nên dòng chảy không ổn định, đồng thời các công trình xây dựng ở phía đối diện cũng góp phần khiến thay đổi dòng chảy”, ông Thanh nhận định.

Theo ông Thanh, giải pháp trước mắt là cần nhanh chóng lấp hố xoáy dưới lòng sông để ngăn tình trạng xói lở lan rộng. Bên cạnh đó, các chuyên gia cần tích cực làm rõ nguyên nhân và đề xuất hướng khắc phục. Dự kiến sẽ ngăn chặn sạt lở trong một tuần. “Trong lúc chờ các cơ quan hữu quan đánh giá nguyên nhân, người dân nên hết sức cẩn thận vì việc sạt lở thường xảy ra vào ban đêm, khi mực nước xuống thấp. Khi mưa lớn tình trạng sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn”, ông Thanh cảnh báo.

Trước mắt, để hạn chế nguy cơ sạt lở khu vực này, Khu Quản lý đường thủy nội địa sẽ sử dụng cát đá lấp ngay lòng hố bằng cát và đá. Song song đó, cùng với đơn vị tư vấn là Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, Khu Quản lý đường thủy nội địa lập phương án, xây dựng bờ kè kiên cố. 

Kiến nghị rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở

Hiện, TP.HCM có khoảng 50 điểm, trong đó có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Điểm sụt lún tại hẻm 1740 Lê Văn Lương là điểm có nguy cơ sạt lở mới phát sinh. Ngay sau sự cố này, chúng tôi sẽ đề xuất, kiến nghị UBND TP.HCM rà soát, kiểm tra lại những điểm có nguy cơ sạt lở để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.  

 PGS-TS Tô Văn Thanh - Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam

Xóm Đáy lại phập phồng lo sạt lở

Ngay sau khi xảy ra sự cố sụt lún ở hẻm 1740 Lê Văn Lương, nhiều người dân ở xóm Đáy (ấp 1, xã Nhơn Đức) lại phập phồng lo sợ tái diễn sạt lở. Cuối năm 2015, tại xóm Đáy đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng khiến hơn 300m2 đất bất ngờ đổ ập xuống sông Mương Chuối. May mắn,  hàng chục người đang sống trong ba căn nhà đã kịp thoát thân.

Cuối năm 2016, Khu Quản lý đường thủy nội địa đã xây dựng bờ kè chống sạt lở ở khu vực này. Tuy nhiên, dự kiến khoảng một năm nữa dự án mới hoàn thành. Nhiều người dân địa phương lo lắng tình trạng sạt lở sẽ tái diễn ở xóm Đáy trong mùa mưa này.

Trong một diễn biến khác, ba hộ dân bị sạt lở nhà ở xóm Đáy vào năm 2015 là hộ Phan Thị Lãnh (SN 1943), Phan Văn Cường (SN 1971), Phan Văn Thành (SN 1973) vẫn đang sống tạm trong Trạm Y tế xã Nhơn Đức (cũ) và chưa được cấp đất, bố trí nơi ở mới.

 Sơn Vinh - Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI