Sự cố sức khỏe ở trẻ em khi đi học tăng cao

19/09/2022 - 06:07

PNO - Trẻ vừa đi học được 2 tuần thì số trường hợp gặp các sự cố sức khỏe liên quan tới học đường phải nhập viện cấp cứu tăng mạnh.

Tai nạn giao thông trên đường đi học

Theo bác sĩ Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - kể từ ngày khai giảng đến nay, số vụ trẻ bị tai nạn giao thông trên đường đến trường và trở về nhà tăng gấp đôi bình thường. Gần như ngày nào Khoa Cấp cứu cũng tiếp nhận vài học sinh bị tai nạn giao thông. Tai nạn xảy ra khi các em được người thân chở bằng xe máy, hoặc tự điều khiển phương tiện giao thông rồi xảy ra va quẹt. 

Bác sĩ Vũ Hiệp Phát kiểm tra sức khỏe cho bé T., bị tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường tới trường - ẢNH: THANH HUYỀN
Bác sĩ Vũ Hiệp Phát kiểm tra sức khỏe cho bé T., bị tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường tới trường - Ảnh: Thanh Huyền

Cách đây vài ngày, Khoa Cấp cứu tiếp nhận trường hợp vô cùng thương tâm. Bệnh nhi là bé trai, tên N.M.T., 8 tuổi, được chuyển từ tỉnh Đồng Nai lên trong tình trạng gãy xương đùi, vỡ xương chậu, dập gan, chấn thương sọ não. Được biết, vào buổi sáng, T. và chị gái 14 tuổi được người chú chở xe máy đi học. Trên đường tới trường, ba chú cháu bị tai nạn giao thông. Pha va quẹt nghiêm trọng khiến người chú mất ngay tại chỗ, chị gái của T. được đưa đến bệnh viện địa phương và qua đời sau đó không lâu. Trường hợp của T. quá nguy kịch nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 để tích cực cứu chữa. 

T. không phải ca duy nhất bị tai nạn giao thông trên đường đi học. Ngày 13/9, nam sinh tên T.B.Q., 14 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, đã được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Tai nạn xảy ra khi Q. đang tự điều khiển xe máy đi từ trường về nhà thì lơ đễnh đâm thẳng vào cột đèn. Điều đáng nói, Q. không đội mũ bảo hiểm. Hậu quả là cậu bé bị gãy xương vùng mặt, chấn thương sọ não.

Để hạn chế rủi ro cho sức khỏe của trẻ, bác sĩ Vũ Hiệp Phát khuyên phụ huynh cần trang bị mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông, nhắc con chạy xe cẩn thận, từ tốn, không phóng nhanh vượt ẩu. Phụ huynh nên cân nhắc, kiểm soát thật kỹ nếu để con tự điều khiển phương tiện giao thông tới trường. 

Đau bụng, tiểu rát vì... sợ tới trường

Bác sĩ Vũ Hiệp Phát còn ghi nhận rất nhiều học sinh có các biểu hiện sức khỏe bất thường phải đi khám, nhưng sau đó xác định được nguyên nhân là do bị stress quá mức khi quay lại trường học. 

Cách đây ít ngày, bé gái 10 tuổi tên N.C.V., ngụ quận Phú Nhuận, được mẹ đưa đến khám rối loạn tiêu hóa. Theo người mẹ, cả tuần nay V. cứ kêu đau bụng, rồi ói. Tưởng con ăn không tiêu, chị ra tiệm mua men tiêu hóa về cho uống nhưng tình trạng của bé vẫn không thuyên giảm. Sau đó, chị đưa con tới phòng khám tư, bác sĩ lưu ý theo dõi trào ngược dạ dày. Nhưng chị băn khoăn, bởi trước nay V. chưa hề bị bệnh về dạ dày. Sau khi chỉ định bệnh nhi làm các xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, bác sĩ Vũ Hiệp Phát xác định bé hoàn toàn bình thường. Nghi ngờ nguyên nhân xuất phát từ vấn đề tâm lý, bác sĩ hỏi han thì được V. chia sẻ rất sợ đi học. Hóa ra mẹ mới xin cho bé chuyển về trường gần nhà. Thay đổi môi trường, bạn bè, thầy cô đã khiến bé gái bị căng thẳng quá mức. Đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn ói cũng là một trong những biểu hiện của rối loạn lo âu. 

Với trẻ độ tuổi mầm non, khi lo lắng lại có biểu hiện tè dầm, tiểu són. Bác sĩ Vũ Hiệp Phát vừa khám và tư vấn cho một phụ huynh liên quan tới vấn đề này. Bà mẹ ngụ quận Gò Vấp cho biết con gái 5 tuổi vài ngày nay cứ mắc tiểu liên tục. Cứ cách 15 phút bé vào nhà vệ sinh đi tiểu 1 lần. Đêm ngủ, bé còn hay giật mình, nói mớ, quấy khóc. Kiểm tra kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhi, không ghi nhận dấu hiệu nhiễm trùng. Hỏi han bệnh sử và các vấn đề liên quan, bác sĩ biết được bé không muốn đến trường. Buổi sáng trước giờ đi học bé đều la hét, khóc lóc, chạy trốn. Bác sĩ Vũ Hiệp Phát nghĩ nhiều tới khả năng trẻ đang bị rối loạn lo âu, khuyên người mẹ hãy giúp trẻ tiếp cận với trường lớp một cách chậm rãi hơn. Nếu sau 1 tuần, bé vẫn không hòa nhập được thì cần nghĩ đến chuyện thay đổi môi trường khác cho con. 

Các sự cố sức khỏe học đường khi trẻ quay lại trường học còn phải kể tới các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn. Hiện nay, số lượng trẻ tới khám vì mắc các bệnh nhóm này đang tăng gấp đôi ngày thường. Do đó, bác sĩ Vũ Hiệp Phát khuyên các phụ huynh phải cho trẻ rửa tay sát khuẩn trước khi ăn, đeo khẩu trang chính là cách góp phần phòng ngừa những bệnh lây lan qua đường hô hấp, đường ruột. 

Thanh Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI