Sự cô đơn huy hoàng của sói già

23/12/2018 - 14:00

PNO - Một mình nếm trải, băng ngang mọi thử thách trong cuộc sống khiến gã đàn ông đêm ngày hiện diện trong gia đình như một biểu tượng rắn rỏi của niềm tin.

“Sói con nghe sói già, sói con không nghe mình…” - lời bài hát mà bất cứ hướng đạo sinh nào cũng đã từng ê a tuổi ấu nhi. Tôi lại thường tự nhủ vui: “Sói con nghe sói già. Thế đến lượt mình, sói già phải nghe ai? Sói già lắng nghe sự cô đơn của chính nó”.

Và điều đó mang giá trị ghê gớm hầu có thể giúp kẻ đứng đầu đủ sức mạnh tinh thần lẫn thể lý trong trách nhiệm gánh vác gia đình.

Su co don huy hoang cua soi gia
Ảnh minh họa

1. Dù sét có nổ trên đầu hay lưng bị đâm rỉ máu, về đến nhà, mọi thứ đã bị “sói già” bỏ lại bên ngoài sập cửa. Vợ có thể than mệt mỏi, có khi buồn vui về công việc của nàng hay tiền nong, vật giá, chuyện hai bên nội ngoại... Con cái tíu tít ở trường hôm nay có gì, bài vở nhiều - ít, khó - dễ… Gã lắng nghe, đưa ra lời khuyên, khen chê, bàn luận, giải quyết. Cả nhà chìm vào giấc ngủ mà đâu biết, hắn một mình cứ thế tơi bời với những ngày mai “sét nổ”, “vết thương” phải đương đầu.

Tôi nhiều lần mất việc, thất nghiệp, nhưng ngày ngày vẫn đi về, rút tiền tiết kiệm “đóng hụi chết” cho vợ. Hà cớ gì chuyện của đàn ông mà ta lại khiến cả nhà phải lo toan?

Như thế, giá trị rực rỡ của niềm cô đơn là làm cho ta biết và ý thức mình thực thụ là chỗ dựa, là lá chắn, chứ không hề chỉ là cảm thức như hồi thanh niên.

2. Kẻ thấy trước luôn là kẻ cô đơn - thêm một giá trị lộng lẫy nữa của tình trạng này. Viễn kiến tránh cho “sói đầu đàn” không rơi vào cảnh huống bất ngờ nào.

Su co don huy hoang cua soi gia
Ảnh minh họa

Trẻ con ai chả thích gà rán. Bọn trẻ nhà tôi cũng không ngoại lệ. Chính xác là chúng ăn món này rất cừ. Tiếc của giời - di chứng thời khốn khó, tôi thường hay “chếch” lại rồi gặm luôn những khúc đùi, cánh mà chúng quẳng ra. Thế là trẻ con cho rằng: “Ba thích ăn xương lắm, chừa xương cho ba đi”. Các con thật hồn nhiên nhưng tôi không thể ngây thơ mà không biết hay đoán ra viễn cảnh của mình. Cũng hợp lý thôi, khi đã chu toàn trách nhiệm, ân huệ cuối cùng của cha mẹ dành cho con cái mình, chính là đừng trở thành hay tạo thêm gánh nặng cho chúng.

Thấy trước còn là phản xạ bắt buộc của người đứng mũi chịu sào: lo xa, cả nghĩ. Luôn hy vọng điều tốt nhất nhưng phải luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Vợ con, hoặc giả như có người tình, cũng không thể sẻ chia phần trăm nào trong cái cô đơn tạo ra bởi “thì tương lai” của nam giới. Trong trường hợp có được phần trăm nào chăng nữa, hậu quả lại phần lớn là sự căng thẳng không cần thiết.

3. Độc lập trong tư duy làm cho người đàn ông của bạn thường tách rời khỏi đám đông, khỏi chính vợ con… để có thể đưa ra những quyết định đúng trước những vấn đề an nguy của gia đình.

Tôi không đòi hỏi con cái mang một cái đầu đầy ắp kiến thức. Điều tôi cần là chúng sở hữu một cái đầu tốt trong tư duy. Có thể rất lạc lõng, nhưng chỉ tôi mới biết mình đang làm điều nào phù hợp nhất cho chúng.

Đó là sự cô độc huy hoàng khiến người đàn ông càng thêm “hấp dẫn”, “giàu có”. Bởi cô đơn chính là tài sản vô giá, là sự giàu có của tâm hồn nam nhi.

Su co don huy hoang cua soi gia
Ảnh minh họa

Cô đơn còn là nơi thanh lọc. Trong sự cô độc của mình, ta có thể suy ngẫm về những dị thường của đời sống hiện tại, bài học quá khứ và đòi buộc của ngày mai. Trong sự cô độc, ta gặp chính ta để tự mình tiếp thêm sức mạnh. Vì vậy, nên đến lượt mình, “sói già” lắng nghe sự cô đơn tinh khiết ấy để hội đủ bản lĩnh điềm đạm dẫn bầy vượt qua.

Một mình nếm trải, băng ngang mọi thử thách trong cuộc sống khiến gã đàn ông đêm ngày hiện diện trong gia đình như một biểu tượng rắn rỏi của niềm tin.

Ở nghĩa này, chính cái cô đơn còn khiến hắn kịp thời dừng lại trước những đam mê bên ngoài gia đình. Bởi nếu không quay đầu dừng lại, không tiếp tục che chở vợ con, dễ dãi chiều theo những lấp lánh chóng qua, thì đó chính là lần cuối cùng hắn còn ở trong sự cô đơn. Tài sản quý nhất của mọi đàn ông!

Quốc Ngọc

Từ khóa cva
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI