Bị thu hút bởi triển vọng làm việc trong các mỏ thiếc và đồn điền cao su hoặc trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại, nhiều người Trung Quốc đã tìm đến Philippines, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ… Điều này đã tạo ra các phố Tàu với nhiều đặc điểm khác nhau, thích nghi với xã hội nước sở tại trong khi vẫn duy trì các đặc điểm của văn hóa Trung Quốc.
Những năm gần đây, với sự xuất hiện của lớp người nhập cư mới, các cộng đồng người Hoa mới đã bắt đầu hình thành bên cạnh những cộng đồng cũ ở Bangkok, Kuala Lumpur… Nhiều người trong số họ giàu sang, có học thức và đang tìm kiếm những cơ hội mới.
Theo dữ liệu về di cư quốc tế của Liên hiệp quốc, có khoảng 10,5 triệu công dân Trung Quốc đang sống bên ngoài Trung Quốc đại lục vào năm 2020. Tuy nhiên, ước tính gần đây của địa phương đã đưa ra con số cao hơn.
Philippines
Vào một ngày nắng nóng đầu tháng 8/2024, có một hàng dài những người ở độ tuổi 20 và 30, ướt đẫm mồ hôi đứng bên ngoài nhà hàng nhỏ Wai Ying. Quán ăn 25 năm tuổi này ở Binondo - khu phố Tàu của thủ đô Manila, Philippines - nổi tiếng với món hoành thánh giòn tan và vịt quay ngon ngọt.
|
Binondo ở Philippines được cho là khu phố Tàu lâu đời nhất thế giới - Nguồn ảnh: The Bureau Aisa |
Binondo - được cho là khu phố Tàu lâu đời nhất thế giới - đã trở thành điểm đến thời thượng nhất trong thành phố dành cho cả giới trẻ Philippines và du khách. Nhiều thế kỷ trước, đây là một trong những nơi đầu tiên Hoa kiều đặt chân đến khi họ rời quê hương với khát vọng “đổi đời”.
Ở nước sở tại, nhiều người bắt đầu tụ tập tại các cộng đồng dân tộc thiểu số với tư cách thương nhân hoặc lao động chân tay. Các công trình xây dựng của các khu phố Tàu đầu tiên đã hình thành, đến nay vẫn dễ dàng được nhận diện trên toàn thế giới bởi các cổng vào và các đặc điểm kiến trúc mang họa tiết truyền thống của Trung Quốc.
Paifang hay cổng vòm lớn nhất ở Binondo, được cho là lớn nhất trong số tất cả các khu phố Tàu, được lắp đặt vào năm 2015 dọc theo đại lộ Padre Burgos. Cấu trúc kết hợp giữa màu sắc đậm và họa tiết vàng được hoàn thiện bằng mái hiên cong đặc trưng của kiến trúc Trung Quốc.
Theo nhà sáng tạo nội dung và kiến trúc sư Mitch Ngo - 27 tuổi, được biết đến với cái tên The Chinita Foodie - hiện tại, để duy trì hoạt động kinh doanh, các cơ sở phải đưa ra những cách mới để thu hút khách. Cô đã chia sẻ chuyến đi bộ ẩm thực của mình ở Binondo trên phương tiện truyền thông xã hội và thu hút hơn 3 triệu lượt xem.
Singapore
Khu phố Tàu của Singapore không chỉ có người Trung Quốc mà còn có một cộng đồng nhỏ thương nhân Ấn Độ. Đền Sri Mariamman - ngôi đền Hindu lâu đời nhất ở Singapore - được thành lập vào năm 1827, vẫn nằm ở trung tâm khu phố Tàu tại đường South Bridge. Khu vực này phát triển nhanh chóng vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Vào giữa những năm 1960, Chính phủ Singapore đã giải quyết tình trạng quá tải thông qua các dự án cải tạo đô thị.
Một cột mốc khác là việc tái thiết khu phố Tàu, cùng với khu Little India và Kampong Glam, thành các điểm đến di sản du lịch vào những năm 1980. Quá trình tái phát triển đã mang lại cho những khu vực này sức sống mới, tạo ra những thay đổi về cách mọi người sống và làm việc nơi đây. Các cơ sở truyền thống như phòng thuốc, cửa hàng bán buôn hàng khô và cửa hàng kim hoàn hiện nằm cạnh các khách sạn, quán bar, nhà hàng và các cửa hàng phục vụ du khách. Nhiều cư dân ở khu phố Tàu chuyển đi vì có nhiều sự lựa chọn nhà ở tốt hơn, biến nơi đây thành khu vực chủ yếu phục vụ thương mại và du lịch.
Nhà sử học Loh Kah Seng - Giám đốc Công ty Tư vấn nghiên cứu Chronicles Research and Education - cho biết vẻ đẹp và sự sôi động của khu phố Tàu đến từ những người sống ở đó. Ngày nay, tính chất cộng đồng và sinh sống của khu phố Tàu đã thay đổi. “Là một khu du lịch, nơi đây vẫn sẽ thú vị đối với người dân địa phương và người nước ngoài. Hiện tại, vẫn còn sót lại vài nơi người già tụ tập, gặp gỡ bạn bè và bạn có thể nhìn thấy dấu vết của một khu phố Tàu cũ”.
Khu phố Tàu cũng có nhiều thay đổi khi Singapore trở thành điểm đến đáng chú ý cho người dân Trung Quốc tới làm việc, sinh sống và nghỉ dưỡng. Theo Tổng cục Du lịch Singapore, trong 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch Trung Quốc là nhóm du khách lớn nhất đến Singapore, với khoảng 1,45 triệu người.
Pek Sin Choon - một doanh nghiệp trà Trung Quốc 99 năm tuổi trong một cửa hàng trên phố Mosque - đã chứng kiến nhiều thay đổi nhanh chóng, cả về môi trường kinh doanh lẫn môi trường xung quanh. Cạnh bên, Tai Thong Cake Shop (một tiệm bánh Quảng Đông 73 năm tuổi nổi tiếng với bánh trung thu thủ công) và một quán cà phê giờ đã không còn nữa. Thay vào đó là một cửa hàng Moutai bán rượu ngũ cốc Trung Quốc nổi tiếng của tỉnh Quý Châu và một nhà hàng chuyên về ẩm thực của tỉnh Tứ Xuyên.
Malaysia
Khu phố Tàu nổi tiếng hàng thế kỷ của Malaysia tại Kuala Lumpur cũng đã trải qua một số thay đổi về nhân khẩu học. Những năm gần đây, nơi này đã chứng kiến dòng người nhập cư không phải là người Hoa và không còn là nơi định cư chỉ dành cho cộng đồng người Hoa địa phương.
|
Cổng vòm theo phong cách Trung Hoa tại phố Tàu Jalan Petaling ở Malaysia - Nguồn ảnh: China Daily |
Với sự hiện diện ngày càng tăng của người lao động nhập cư từ Indonesia, Pakistan và Bangladesh, một số cửa hàng đã thay đổi các dịch vụ truyền thống để phục vụ những khách hàng mới. Các lựa chọn ẩm thực Trung Hoa Halal hoặc phù hợp với người Hồi giáo đã xuất hiện ở khu vực Jalan Petaling, thu hút cả khách hàng từ cộng đồng người Malaysia địa phương.
Quầy hàng tráng miệng Madam Tang Machi Popo, chuyên bán đồ ăn vặt muah chee làm từ gạo nếp phủ đậu phộng, hiện do Liew Mun Yee - 24 tuổi, cháu gái của chủ sở hữu ban đầu, cố Madam Tang Kwok Wang - điều hành. Để phục vụ khách hàng Hồi giáo, Liew đã ngừng bán món muah chee hương rượu vang đỏ phổ biến và hiện cung cấp các hương vị mới từ trà.
Phố Tàu Jalan Petaling với những dãy nhà xây từ thời tiền chiến, một số được vẽ tranh tường đầy màu sắc, đã được phục hồi trong những năm gần đây để thu hút du khách.
Thái Lan
Phố Tàu khu vực Yaowarat của Bangkok đông nghẹt du khách vào ban ngày. Vào ban đêm, giao thông chậm lại khi xe buýt chở đầy du khách chen chúc ở các quầy hàng ven đường phục vụ rat na (mì nước xốt) hay bánh nướng chảy kem trứng lá dứa hoặc sô cô la.
|
Phố Tàu ở đường Yaowarat của Bangkok nổi tiếng với ẩm thực Trung Hoa chính thống và đồ ăn đường phố - ẢNH: TAN HUI YEE |
Trên con đường hẹp Plaeng Nam, du khách châu Á và phương Tây đổ xô đến quán Khao Tom 3/1 đã tồn tại gần 1 thế kỷ, nơi có nhiều món ăn chế biến sẵn, như xúc xích heo và rau muống xào, được phục vụ cùng cháo suốt ngày đêm.
Một bức tranh khác có thể thấy ở quận Huai Khwang của Bangkok, nơi một “khu phố Tàu” mới đã xuất hiện, phục vụ cho một nhóm khách hàng khác.
Những thay đổi nhanh chóng ở Huai Khwang khiến cư dân lâu năm Nipa Sukthat - 65 tuổi, điều hành một cửa hàng văn phòng phẩm và quà tặng trên đường Pracha Rat Bamphen - vô cùng bối rối. Bà cho biết: “Khi người Trung Quốc đến, con phố như được lột xác một cách kỳ diệu”, đồng thời nói thêm rằng những căn phố tồi tàn đã được những người thuê nhà Trung Quốc mua hết, đẩy giá lên cao và đánh bật những người thuê nhà tiềm năng là người Thái.
***
Theo các nhà quan sát, những khu vực mới hơn này ở một số vùng Đông Nam Á thực chất là những thị trấn của người Hoa hơn là khu phố Tàu.
Nhà sử học Wasana Wongsurawat (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) cho biết Huai Khwang vẫn chưa thể được coi là khu phố Tàu vì tính chất tạm thời của những người tụ tập ở đó. Bà cho biết, không giống như người Hoa ở Yaowarat, những người đã hòa nhập vào xã hội Thái Lan từ lâu, những người Hoa tụ tập quanh Huai Khwang là những doanh nhân, sinh viên hoặc du khách vẫn gắn bó với Trung Quốc và không có ý định định cư tại Thái Lan.
Teoh Chee Keong - chuyên gia nghiên cứu về văn hóa và di sản Malaysia, giảng viên Khoa Kiến trúc và Môi trường xây dựng của Đại học UCSI - cho rằng việc những người di cư đến rồi đi hình thành nên những cộng đồng mới ở quốc gia tiếp nhận họ là điều hết sức tự nhiên.
Ngày nay, các khu phố Tàu đã in dấu ấn lên nhiều nơi ở châu Á. Trong khi một số đã biến mất và một số khác phát triển, chúng vẫn mang đến mối liên hệ giữa người dân địa phương cũng như du khách với nền văn hóa Trung Hoa đã tồn tại hàng thế kỷ.
Hà Thụy