Sự chung tay làm nên biết bao điều kỳ diệu

08/02/2022 - 06:18

PNO - Trong những ngày tết vừa qua, đã có nhiều cuộc gọi đến đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TPHCM. Khác với những cuộc gọi thường ngày, những cuộc gọi ngày xuân thường là những lời chúc mừng năm mới và những lời cảm ơn từ tận đáy lòng.

Không khóc mà nước mắt cứ chảy! 

27 tháng Chạp, cận tết, chị Võ Thị Hồng Thắm (ngụ tại 708, tổ 17, ấp An Thiện, xã An Cư, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) gọi điện về Báo Phụ Nữ TPHCM cảm ơn vì chị vừa nhận được tiền của bạn đọc hảo tâm giúp đỡ. 

Chị Thắm là nhân vật trong bài Xin cứu lấy gia đình chị Thắm! trên Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 8/11/2021, là trụ cột trong gia đình có đến năm người mắc bệnh hiểm nghèo.

Nhờ tiền hỗ trợ từ bạn đọc mà chị Võ Thị Hồng Thắm (bên trái) đã có tiền trang trải phần nào chi phí thuốc men cho chồng
Nhờ tiền hỗ trợ từ bạn đọc mà chị Võ Thị Hồng Thắm (bên trái) đã có tiền trang trải phần nào chi phí thuốc men cho chồng

Để chữa bệnh ung thư đại tràng cho chồng, phụ đỡ cha mẹ ruột cùng cha chồng trong cơn bạo bệnh, chị Thắm phải gắng gượng hết sức mình để đảm đương bao công việc. Con trai lớn của chị cũng phải nghỉ học để đi làm thay cha. Con gái vừa đi học vừa phụ quán ăn giúp mẹ. Bao gánh nặng trên vai khiến chị Thắm suy sụp, thiếu máu và suy nhược, phải vào bệnh viện điều trị dài ngày.

Sau khi bài viết về hoàn cảnh của chị được đăng tải, chúng tôi đã nhận được điện thoại từ cụ Bùi Thị Thìn (phường 13, quận Tân Bình) nhờ ghé nhận 1 triệu đồng gửi giúp gia đình chị Thắm. Bà nói: “Đọc xong câu chuyện nhà cô Thắm tôi không ngăn được nước mắt, muốn góp ngay chút tiền hỗ trợ cô ấy. Nhưng tuổi già, sức yếu, lại ngay mùa dịch bệnh, tôi không tiện di chuyển nên phải làm phiền quý báo”. Sự “làm phiền” của cụ Thìn là khởi đầu cho sự chung tay, góp sức, trợ giúp một gia đình gặp cảnh ngặt nghèo, khiến chúng tôi vô cùng xúc động. 

10,8 triệu đồng thật sự không thấm vào đâu so với chi phí chữa bệnh cho người thân, cũng chẳng bù đắp được những khoản nợ đang bủa vây, nhưng nó là nguồn động viên quý giá. Chị Thắm nghẹn ngào: “Tiền được gửi đến tài khoản con gái tôi ngay ngày giáp tết đã giúp gia đình xoay xở được bao thứ. Nhận tiền, không khóc mà nước mắt cứ chảy vì ấm lòng. Tôi cảm ơn báo, cảm ơn các nhà hảo tâm đã giúp gia đình tôi!”. 

Cũng giống như chị Thắm, 24 nhân vật, hoặc người thân của họ trong các bài viết trên chuyên mục “Đừng quên họ” trong năm 2021 đều gửi lời chúc năm mới và cảm ơn những tấm lòng vàng. Có những hoàn cảnh được tặng đến vài chục triệu đồng, đã thực sự giúp được bệnh nhân trong chuyện thuốc men, xạ trị, hóa trị…

Chị Trần Thị Vẻn, mẹ của em Nguyễn Thị Kiều My (sinh năm 2004, ngụ tại ấp Tân Bình, xã Tân Hòa, H.Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, nhân vật trong bài viết Bệnh con trở nặng vì cha mẹ nghèo đăng ngày 26/5/2021) xúc động nhắc đến số tiền 50 triệu đồng mà bạn đọc hảo tâm gửi tặng: “Số tiền quý giá ấy đã cứu chúng tôi bên bờ vực. Giúp bé My chữa bệnh và giúp gia đình chúng tôi trang trải bớt nợ nần…”.

Tiếp nối để tạo nên những phép màu

“Xúp cua đây! Xúp cua nóng hổi đây!”, tiếng rao quen thuộc ấy xuất hiện trở lại trên những nẻo đường quận 7, Nhà Bè trong những ngày giáp tết. Nghe tiếng rao, chị Kim Hương, một người sống tại khu nhà trọ trên đường Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) mừng rỡ, cầm tô chạy ra mua món ăn quen thuộc.

Khi chiếc xe của người bán dừng lại, chị hỏi dồn: “Trời ơi, sao đi đâu mà lâu nay không thấy? Chiều nào cũng trông miết. Cứ lo có chuyện gì”. Chị Mạch Kim Thùy - người bán - dựng xe rồi ngồi bệt xuống lề đường: “Dạ em bệnh. Hai cái chân đau không đi nổi. Không có tiền thuốc men nên phải nằm một chỗ mấy tháng nay chớ em thèm đi bán lắm”. Như để thỏa lòng mong chờ bấy lâu, chị Hương gọi với vào trong, bảo con mang thêm một cái tô để mua thêm xúp. Chị Thùy nghiêng nồi vét thêm tô xúp. Đó là tô xúp cuối cùng trong ngày.

Nửa năm trước, khi chúng tôi gặp chị Thùy, cũng kiểu chống xe rồi ngồi bệt xuống lề đường đúng vị trí ấy, nhưng lúc đó khuôn mặt chị đỏ gay, nước mắt đầm đìa vì không thể đứng lên. Căn bệnh tắc nghẽn tĩnh mạch ở đôi chân khiến không ít lần, cả xe, người và nồi xúp cua đổ lăn ra đường khi cơn đau bất chợt. Chị Thùy đã cố gắng vượt lên cơn đau để đi bán kiếm tiền chữa bệnh, nhưng cuối cùng chị phải buông xuôi khi chân không còn đứng lên nổi. Chị nói: “Bác sĩ bảo, muốn điều trị dứt điểm thì phải mổ. Mà chi phí ca mổ hơn 40 triệu đồng, em lấy đâu ra tiền. Mọi cố gắng của em cũng chỉ để thuốc men cầm chừng”.

Thời điểm kể trên trùng với tháng ngày thành phố giãn cách vì dịch bệnh, hàng rong bị hạn chế, chị Thùy nằm nhà và có những đêm khóc ngất vì những cơn đau thấu xương. Cũng may là còn có hàng xóm, cũng là những người thuê trọ, cưu mang. 

Tháng 10/2021, chúng tôi tìm đến nơi ở của chị Thùy để trao hơn 18 triệu đồng của bạn đọc hỗ trợ. Chị chắp tay cúi đầu, nước mắt ràn rụa mà không nói trọn lời cảm ơn.

Và bẵng đi, mãi đến trước Tết Nguyên đán, chúng tôi mới được nghe lại tiếng rao của chị trên những nẻo đường quen thuộc. Lần này, không chỉ mỗi buổi chiều, tiếng rao vang lên hai buổi mỗi ngày. Gặp chị, chị lại chắp tay cúi đầu, nhưng lần này câu cảm ơn đã trọn vẹn: “Cảm ơn Báo Phụ Nữ TPHCM. Em đi châm cứu, đỡ nhiều lắm rồi. Nay khỏe nên em đi bán cả ngày”.

Sự sẻ chia của bạn đọc đã giúp chị Thùy tạm thời vượt qua khó khăn, để cái tết này, chị không quá buồn tủi trong bệnh tật. Chiếc xe gắn máy chở nồi xúp của chị vẫn kiên trì lăn bánh cho đến những ngày cận tết, bởi hạnh phúc với chị là có sức khỏe để được đi làm. 

Sự sẻ chia ấy cũng đến với hai mẹ con chị Phạm Thị Lý (nhân vật trong bài viết Mẹ con họ đang bên bờ vực thẳm, số báo ngày 11/1/2022) trong những ngày cuối năm nằm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Trải qua năm lần phẫu thuật vì ung thư di căn gần như khắp các cơ quan nội tạng, đến lúc chị chấp nhận “buông tay” thì đứa con trai lên mười lại bị u não.

Lúc ông trời lấy hết đi của chị Phạm Thị Lý thì mẹ con chị được nhiều người giúp đỡ
Lúc ông trời lấy hết đi của chị Phạm Thị Lý thì mẹ con chị được nhiều người giúp đỡ

“Ông trời muốn lấy hết của em thì phải”, chị Lý u uất khi căn nhà nhỏ nơi gia đình nương náu cũng phải bán đi để có tiền trị bệnh cho con. Và rồi, vì con, chị lại mạnh mẽ thực hiện tiếp những đợt hóa trị phía trước. Để có kinh phí lo cho vợ con, chồng chị phải trở về quê kiếm việc làm thuê, còn chị vừa là người bệnh, vừa phải chăm con trai đang bệnh. Hai mẹ con thường xuyên phải di chuyển giữa hai cơ sở của Bệnh viện Ung bướu.

“Nhưng may, lúc tưởng chừng như ông trời lấy hết của em thì mẹ con em lại được nhiều người thương giúp đỡ” - chị Lý nói. Trước tết, trong lúc chị không biết lấy đâu ra 9 triệu đồng tiền cho toa thuốc của con thì một nhà hảo tâm (biết mẹ con chị qua Báo Phụ Nữ TP.HCM) đã gọi điện hỏi thăm sức khỏe và động viên chị cố gắng vượt qua khó khăn. Bạn đọc cũng đã chia sẻ với mẹ con chị trên hành trình chiến đấu với bệnh tật còn dài. Mỗi lần nhận được sự yêu thương của cộng đồng, chị Lý như được tiếp thêm sức mạnh để cùng con chiến đấu. Mùng Ba tết, chị được các bác sĩ cho xuất viện về thăm nhà sau 18 tháng coi bệnh viện là nhà, để chuẩn bị cho những đợt hóa trị, xạ trị tiếp theo.

Chị Lý, chị Thắm, chị Thùy… và còn nhiều hoàn cảnh nữa vẫn đang chờ mong những phép màu đến từ nhiều tấm lòng hảo tâm của bạn đọc gần xa. Sự chung sức đã làm nên biết bao điều kỳ diệu. Cảm động nhất là có nhiều anh chị, cô chú gửi tiền cho những mảnh đời khốn khó mà chẳng cần lưu lại tên tuổi hay bất kỳ địa chỉ nào. Như với hoàn cảnh của bé Kiều My, một bạn đọc đã giúp 40 triệu đồng không cần một lời cảm tạ. Chị chỉ cười: “Tiền con trai kinh doanh có lãi dành cho mẹ đi giúp người khó khăn”. 

Năm 2022 đang mở ra nhiều hy vọng mới. Với sứ mệnh là bạn đường hạnh phúc, Báo Phụ Nữ TPHCM vẫn sẽ tiếp nối công việc để góp sức tạo ra những điều kỳ diệu. 

BÁO PHỤ NỮ TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI