Sự cảnh báo mang khuôn mặt phụ nữ

26/05/2014 - 14:30

PNO - PN - Lại thêm một vụ giết người chặt xác dã man, làm kinh hoàng dư luận xã hội. Kẻ thủ ác và nạn nhân có quan hệ đồng tính nam, nhưng bên cạnh đó có thêm một cô gái tham gia vào vụ việc, là “bạn gái” của kẻ thủ ác.

edf40wrjww2tblPage:Content

Những gương mặt trẻ măng, thư sinh, thậm chí khá “trí thức” kia lại chính là những kẻ đã xuống tay tàn độc đến vậy. Một cú sốc nữa khi biết cả hai kẻ giết người và kẻ giúp che giấu việc giết người đều là sinh viên.

Su canh bao mang khuon mat phu nu
Trần Nhật Duy tại cơ quan công an

Nếu nói về động cơ, về dự tính, thì những thông tin ban đầu cho thấy Trần Nhật Duy - kẻ thủ ác, đã có động cơ từ trước. Thanh niên 20 tuổi này đã tự tìm mua thuốc độc, đã thử một lần bỏ thuốc độc vào thức ăn và lần thứ hai đã cố giết người bằng được, sau khi giết, còn đủ bình tĩnh để mua cưa, kéo và các vật dụng khác để cắt xác nạn nhân phi tang. Cô gái kia đã được gọi đến để phụ dọn dẹp vệ sinh, đã nhìn Duy cưa, cắt, còn nhận giữ số tiền Duy bán xe, bán điện thoại của người đã chết. Chỉ có cái kết cục cho thấy sự non nớt của cả hai: chúng để mặc phần thi thể còn lại trong nhà vệ sinh phòng trọ và chạy trốn về quê cho tới khi bị bắt.

Có thể thấy ở đây hai khía cạnh đáng sợ: một là những kẻ phạm tội ác dã man ấy không phải là những sát thủ chuyên nghiệp; và hai là bất kỳ một người “bình thường” nào đều có thể thủ ác đến mức kinh hoàng, man rợ. Bên cạnh kẻ đang ngồi cưa xác người, còn có một cô gái! Điều đó cho tội ác đã bị “bình thường hóa” tới mức nào, do đó, càng đáng sợ hơn ngàn lần nữa.

Có hay không việc cái ác đã được mô tả quá nhiều, đã bị “bình thường hóa”, đã trở thành một phương cách để giải quyết những mâu thuẫn, những ẩn ức, thậm chí chỉ để giải quyết một mối lợi nhỏ nhoi? Có hay không việc phạm tội ở lứa tuổi ngày càng trẻ hơn, có ý thức, có hiểu biết vẫn phạm tội?

Những gì luật pháp làm được, luật pháp chắc chắn sẽ làm đến nơi đến chốn. Nhưng những gì cộng đồng cần được nhắc nhở, cần được cảnh báo để phòng tránh, xin các cơ quan truyền thông hãy làm hết sức mình. Mức độ vô cảm đã đến mức báo động đỏ rồi. Cái ác đang phủ chiếc bóng tàn độc của nó lên tất cả các đối tượng, không loại trừ già hay trẻ, trí thức hay thất học, bần cùng khốn khó hay không. Cái ác đang làm chai sạn giác quan và tàn phá nhận thức của con người, khiến con người phạm tội trong tối tăm mê muội.

Trong bản tính con người, có nỗi sợ hãi cái ác, cái xấu, nhưng cũng có sự tò mò, muốn nhìn, muốn xem cái ác, cái xấu ấy thế nào. Không dạy nỗi sợ hãi, không khắc sâu nỗi sợ hãi trong con người, thì cái sự tò mò có khi sẽ lấn át, làm người ta chai sạn dần trước cái ác, từ đó tới chỗ thủ ác không xa. Cả một thời gian dài gần đây, xã hội cảnh báo về việc những ngành xã hội - nhân văn khan hiếm người học, vì nó không giúp người học kiếm ra việc làm lương cao. Hãy nhìn vào cái bản - chất - người đang dần bị méo mó, mai một đi trong những loạt tội ác như thế này, để nhận thấy nỗi lo ngại có thực về nền tảng nhân văn của xã hội, để thấy sự cần thiết phải dạy con người cách sống, cách cư xử với đồng loại.

Một khi đã nhúng tay vào máu, cái ác sẽ xé toạc tâm hồn con người, khiến cho người ta trở thành kẻ phi nhân tính. Sự cảnh báo trong vụ án này mang khuôn mặt một phụ nữ: từ vị trí là nạn nhân, bị lôi kéo trở thành kẻ thủ ác.

 NGUYÊN QUÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI