Áo dài cách điệu lên phim bom tấn
Cuối tuần, cùng hai con ra rạp xem Nữ hoàng băng giá 2 - phim bom tấn được trẻ em cả thế giới chờ đợi, tôi giật mình. Thay vì váy áo rực rỡ như các nàng công chúa Disney, cả hai cô Elsa và Anna đều diện trang phục gọn gàng và sinh động, hợp với tính phiêu lưu của bộ phim.
Đặc biệt, trong phim, có tới ba nhân vật diện áo dài cách điệu. Elsa lúc còn nhỏ mặc chiếc áo dài cách điệu màu xanh lá, mẹ của hai công chúa mặc áo dài cách điệu màu tím. Riêng Anna, từ đầu chí cuối phim chỉ… thủy chung với trang phục áo dài cách điệu, khoác thêm tấm áo choàng quen thuộc.
Gọi là áo dài cách điệu, vì phần thân trên áo của các nhân vật hệt áo dài truyền thống Việt Nam với cổ dựng năm phân hay bảy. Phần cách điệu là tà ngắn hơn hoặc không xẻ tà, mà dạng váy rộng, phù hợp với sự năng động của các cô công chúa. Ngay các mẫu hoa văn trên áo cũng phảng phất những mẫu áo dài tôi từng gặp trong tủ của dì, của mẹ hay trên các nhà may áo dài, rất Á Đông và rất Việt Nam.
Nếu ai biết ảnh hưởng sâu rộng của phim Nữ hoàng băng giá đối với thị hiếu, sở thích và xu thế thời trang của các bé gái, mới hiểu hết ý nghĩa của việc các nhân vật công chúa Disney mặc gì. Và đó là lý do tôi xúc động với từng thước phim. Lên mạng tìm kiếm, thấy phim vừa chiếu lập tức hàng loạt mẫu trang phục búp bê, trang phục bé gái của Anna được chào bán. Thật mừng khi áo dài và tinh thần của áo dài đang trên hành trình lan tỏa khắp thế giới.
Tôi có gần 20 năm làm trong các cơ quan Hội Liên hiệp phụ nữ. Mỗi năm, các cơ quan tôi làm đều dành một khoản gọi là “tiền đồng phục áo dài”. Cô bạn tôi làm giáo viên, có cả trăm bộ áo dài.
Phụ nữ Việt có cần phải may nhiều áo dài thế không? Câu trả lời đơn giản thôi, chúng tôi luôn sắm áo dài khi lễ, tết, hội nghị, dịp gặp mặt quan trọng. Mỗi tấm áo là mỗi tấm lòng, là một kỷ niệm, là khoảnh khắc thời gian... Chất chồng theo năm tháng, số áo dài cũng nhiều lên và điều kỳ diệu của chiếc áo dài là nó gần như không lỗi mốt, nên mặc hoài không chán.
Áo dài may tay và áo may công nghiệp
Chiếc áo dài truyền thống đầu tiên trong đời tôi may tại một tiệm có tiếng ở Sài Gòn, Thanh Châu (Cầu Bông, Q.1). Vải voan màu tím tôi tự tay chọn tại con phố vải áo dài Hai Bà Trưng, trước chợ Tân Định. Thương hiệu nhà may áo dài Thanh Châu khi ấy đã có 50 năm tuổi, người đo ni cho tôi chính là con gái người sáng lập nhà may. Tôi nhớ chị ấy còn cho tôi giữ tờ giấy ghi số đo nho nhỏ, có dòng chữ “chú ý vai xuôi” ở góc trái. Chị nói với tôi rằng, thành bại của chiếc áo không chỉ ở công thức của các nhà may, kỹ thuật cắt may, mà cực kỳ quan trọng ở người đo. Đo chệch một chút, ẩu một chút, là mất đi độ đứng, độ thoải mái.
Đo áo xong, một tuần sau tôi được hẹn tới thử áo. Khi thử, thợ ngắm và cân chỉnh chiếc áo trên người tôi một lần nữa, dùng kim ghim dọc theo vùng eo lưng thật chuẩn xác để những “đường may chết” sẽ không có quyền sai sót.
Cách may đo thủ công này xưa rất phổ biến ở Sài Gòn, tại hàng loạt nhà may nổi tiếng như Thiết Lập, Nha… khiến chiếc áo dài của ai chỉ là sở hữu riêng của người đó, chuẩn nhất với người đó, không một nền công nghiệp tiên tiến nào có thể làm theo được.
Bây giờ, ở Hội An, nơi nức tiếng dịch vụ may áo dài lấy trong ngày, đi đâu tôi cũng thấy các cô gái Nhật, Hàn, Hoa… xúng xính chụp hình. Tà áo dài muôn sắc trong phố cổ, còn gì đẹp và thấm đẫm chiều sâu văn hóa hơn thế, dù đa số các cô đi giày sneakers, chứ không phải giày cao gót, sandals; dù tóc các cô đủ kiểu ngắn dài, xanh đỏ, chứ không phải mái tóc dài đen óng ả. Trên các đường phố Sài Gòn, Hà Nội, các nữ du khách dễ dàng ghé một tiệm áo dài, chọn ngay một chiếc size S-M-L-XL cho mình hay đem về tặng người thân. Nhìn những đường thêu máy trên áo, tôi hiểu áo dài, từ vật phẩm thủ công, đã trở thành sản phẩm công nghiệp không quá cầu kỳ và phức tạp.
Có lẽ không nên đặt quy tắc đóng đinh nào cho chiếc áo dài. Bởi suy cho cùng, những thứ đi cùng con người luôn phải đổi thay, nếu không sẽ mất đi hoặc bị triệt tiêu. Áo dài cách tân liên tục, là vì nó cũng phải thức thời theo thói quen tiêu dùng của các thế hệ.
Cụ thể, các câu chuyện kể, sách lịch sử và cả bưu thiếp của người Pháp chụp phụ nữ Việt thời thế kỷ XIX cho thấy, áo dài thời ấy không hề giống chiếc áo dài ta vẫn gọi là áo dài truyền thống bây giờ.
Trong tập sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay (Khai Tâm và nhà xuất bản Hồng Đức), tác giả Phạm Nguyên Thảo khẳng định chiếc áo dài truyền thống bây giờ ra đời nhờ tấm lòng yêu mến phụ nữ Việt của họa sĩ trẻ Lemur - Cát Tường. Những mẫu vẽ áo dài cải tiến của anh đăng trên báo Phong Hóa (Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam làm chủ bút) năm 1934.
Họa sĩ Cát Tường lập luận: “Quần áo tuy dùng để che thân thể nhưng nó có thể như tấm gương phản chiếu trình độ trí thức của một nước. Trước hết nó phải hợp với khí hậu nước ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn; sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn”.
Và thế là chiếc áo dài truyền thống Việt Nam ra đời cùng với phần cách tân mạnh mẽ ở… chiếc quần. Họa sĩ Cát Tường quyết liệt khai tử các loại cạp dây rút và sự thùng thình ở phần eo, bụng trước kia, thay bằng phần mổ chính giữa như quần tây của nam giới và đề nghị dùng khuy bấm hoặc kéo khóa…
Mẫu áo đẹp nhất sẽ ở lại
Thời gian luôn có giá trị gạn lọc và lưu giữ những mẫu mã đẹp nhất, hợp lý nhất. Đó là lý do chiếc áo dài hiện được phụ nữ Việt mặc nhiều nhất chính là chiếc áo của họa sĩ Cát Tường với cổ ôm khít, eo bó sát, tà dài mềm mại, xẻ vừa phải mà Thiếu nữ bên hoa huệ (tranh lụa của Tô Ngọc Vân) là tiêu biểu.
Mấy ngày nay, bộ ảnh các thiếu nữ “Tây” chụp với áo dài trắng và cúc họa mi trên bờ sông Hồng làm rộn ràng thêm cuộc tranh luận về áo dài và bản quyền áo dài.
Các cô gái phương Tây, tuy có vai ngang và khung xương lớn hơn hẳn chị em châu Á nhưng thật bất ngờ khi mặc áo dài cũng có vẻ đẹp rất lạ. Phom áo đứng, ngực bỗng gọn lại, vùng eo bỗng thon thả sexy. Đó là lý do ngày càng nhiều nghệ sĩ Âu Mỹ chọn áo dài làm trang phục biểu diễn hoặc… mặc đi chơi. Không thiếu các mẫu trang phục dạng dài của một số nhãn hàng nổi tiếng như Mango, Zara cũng bắt đầu có đường nét áo dài mà phụ nữ Việt nhìn vào nhận ra ngay sự “quen quen” như tôi nhận ra hình bóng chiếc áo dài trong trang phục của phim Nữ hoàng băng giá.
Tự hào không? Tự hào chứ
Khi đã được xem là văn hóa, áo dài không còn cứng nhắc là một mẫu đóng đinh cụ thể nào, nên mỗi người mặc thường thiết kế lại theo thẩm mỹ cá nhân, theo mục đích riêng. Tuy vậy, ăn mặc vẫn là thứ thuộc về quyền cá nhân. Ngay cả quan niệm “vi phạm thuần phong mỹ tục” cũng rất mông lung, dựa trên quan điểm của mỗi người.
Tuần rồi, tôi về dự hội trường phổ thông. Người bạn cùng lớp mua tặng cả nhóm mỗi người một chiếc áo dài may sẵn. Chỉ cần hỏi số cân nặng và chiều cao mà bạn chọn chuẩn size cho từng người. Xúng xính trong chiếc áo dài vải thun trắng, tôi tự hỏi, nếu như không có cả một nền công nghiệp vải vóc tân tiến và nếu không cởi mở cho cả chất liệu “kém sang” như thun tham dự bữa tiệc áo dài, mà cứ khăng khăng phải là tơ, là lụa, là gấm… liệu buổi hội trường của chúng tôi có đẹp đến thế không?
Tôi thầm cảm ơn chiếc áo dài đã biến hóa khôn lường, để phụ nữ thời nào cũng được diện nó, tuổi nào cũng được diện và cân nặng nào cũng có thể mặc áo dài dân tộc.
Minh Lê