Stress với đứa con riêng của ông chồng nước ngoài

07/03/2018 - 10:38

PNO - Chị Lan lấy chồng người Đức đã bốn năm và sang định cư ở đất nước này theo diện bảo lãnh của chồng.

Hai người chưa có con chung, nhưng trước khi đến với nhau, anh có một cậu con trai với người vợ trước. Giờ con trai ở với bố, thế nên chị Lan xác định tư tưởng, chị cưới chồng nhưng phải "cưới" cả con riêng của chồng, xác định làm người mẹ không cần lý tưởng nhưng có thể chung sống hòa hợp với một phần quá khứ hiện diện của chồng, như thế đã là thành công đối với chị.

Stress voi dua con rieng cua ong chong nuoc ngoai
Xác định là người đến sau nên chị  phải cố gắng nhiều hơn, mong hòa hợp với con riêng của chồng. Ảnh minh họa. 

Nhưng mọi thứ không diễn ra suôn sẻ như ý định tốt đẹp của chị. Sau những ngày tháng ngọt ngào của buổi đầu hôn nhân, anh phải đi làm kiếm tiền lo cho gia đình, phần lớn thời gian chị ở nhà nội trợ và tiếp xúc thường xuyên với con trai riêng của chồng. Thằng bé đang bước vào tuổi 14 - cái tuổi dở dở ương ương, càng ngày càng "xác lập" một chiến tuyến đương đầu với chị.

Chị càng mở lòng với nó, thằng bé càng thu mình lại và có những hành động chống đối ngầm mẹ kế. Bộ quần áo trẻ con, chị may tay rất đẹp để tặng người bạn sắp có em bé. Nó đợi chị vào nhà tắm, lẳng lặng lấy kéo cắt một đường ngọt. Đồ ăn chị cất công lên mạng tìm công thức, tỉ mẩn nấu nướng trang trí, đợi chồng về là mang ra và cả nhà cùng thưởng thức, thằng bé bí mật đem nước rửa tay đổ vào...

Chị chia sẻ rắc rối chuyện con riêng của chồng cho một người bạn đã định cư ở Đức lâu năm. Chị còn bày tỏ nhiều lúc cơn giận bốc lên, nhất là những lúc thằng bé cự tuyệt đồ ăn chị nấu và đập phá đồ đạc trước mặt chị, chị định bạt tai thằng bé cho hả cơn giận. Nhưng người bạn đã kịp thời ngăn cản.

Bạn nói luật pháp ở các nước châu Âu rất nghiêm ngặt, luôn đặt quyền lợi của trẻ em lên hàng đầu. Chỉ cần giơ tay tát một đứa trẻ là đã bị xếp vào tội bạo hành, cảnh sát sẽ có mặt can thiệp và với những chứng cứ thu thập được, chị không tránh khỏi vòng lao lý.

Trung tâm hỗ trợ thanh thiếu niên (Jugendamt) cũng sẽ từ đó mà tước quyền nuôi dạy đứa trẻ từ tay vợ chồng chị. Qua buổi trò chyện với người bạn, chị mới vỡ ra nhiều điều và biết rằng bạo lực không thể là giải pháp sáng suốt và được khuyến khích trong trường hợp của gia đình chị.

Stress voi dua con rieng cua ong chong nuoc ngoai
Con cái ương bướng nổi loạn là nỗi trăn trở của không ít cặp vợ chồng. Nguồn ảnh Internet.

Chị bàn với chồng đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý. Được bác sĩ tỉ tê trò chuyện, đả thông tư tưởng, nghe chừng thằng bé có vẻ êm xuôi. Ai dè về đến nhà, chỉ đợi bố nó đi làm, thằng bé lại giở chứng ương bướng chứng nào tật nấy. Mà càng ngày, cu cậu không chỉ dừng ở chống đối ngầm nữa mà đã thể hiện ra mặt.

Chị biết làm một người mẹ xuất hiện sau những tổn thương cuộc hôn nhân trước của bố mẹ bé, làm lành lặn những sang chấn tâm lý của một đứa bé đang bước vào giai đoạn dậy thì, đầy sự nổi loạn - là một thử thách cam go đòi hỏi sự nhẫn nại và cái tâm của người phụ nữ.

Thế nên chị cứ âm thầm bền bỉ từng ngày, từng ngày, chỉ mong cùng với thời gian, "sỏi đá cũng phải mòn", thằng bé dù có ương bướng cỡ nào trong một khoảnh khắc bất chợt của cuộc sống sẽ nhận ra cái tâm của chị, ghi nhận chị như một thành viên chính thức trong gia đình.

Mới đây, chị mới tình cờ phát hiện ra, mọi sự nổi loạn từ đứa con riêng của chồng có sự xúi bẩy và tiếp tay phía sau của mẹ nó, mong phá cuộc sống tốt đẹp hiện tại của vợ chồng chị. Mọi sự dường như ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi chị phải nỗ lực hơn nữa trong "công cuộc" cảm hóa con riêng của chồng, những mong dung hòa được mọi thành viên trong gia đình chung sống ổn định lâu dài.

Anh Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI