Stress vì phải nấu cơm hay nấu cơm giúp xả stress?

28/06/2019 - 11:30

PNO - Chiều nay ăn gì, phối với món nào cho chuẩn, thực phẩm có đảm bảo sạch không, món ăn có hợp khẩu vị của chồng con không... Giải được bài toán ấy, thật nan giải.

Chuyện bếp núc, theo nhiều người, đương nhiên là... đặc quyền của phụ nữ. Thế nên, người phụ nữ mang trong mình nhiều trọng trách và áp lực. Họ mệt, vì phải gánh trọng trách, vì cảm giác mình phải chu toàn. 

Chuyện đàn bà bé mọn

Hẳn bạn thường nghe vô số lời hay ho về những bữa ăn gia đình, rằng đó là nơi ấm áp nhất, là nơi để người đàn ông quay về, là nơi sưởi ấm trái tim đàn bà… Những lời đẹp đẽ đó chỉ để nói cho nhau nghe. Còn thực tế, dường như lại là những tiếng thở dài. Tiếng thở dài của cô bạn đồng nghiệp, tiếng thở dài của chị hàng xóm mới gặp ngoài chợ, tiếng thở dài của chính ta. 

Stress vi phai nau com hay nau com giup xa stress?
Ảnh minh họa

Từng là nhân viên của một lãnh sự quán, khi sinh con thứ hai, Mai ở nhà chăm con và làm nội trợ theo ước mong từ lâu của mình. “Tháng đầu tiên, Mai hạnh phúc lắm. Dọn dẹp lại bếp núc thành giang sơn của mình. Thong thả đi chợ, ngắm nhìn, chọn lựa, trả giá chứ không chạy “trối chết” như trước, rồi háo hức chờ chồng con về mỗi chiều, để được ngắm… họ ăn những gì mình nấu. Và cũng chính Mai, buông lời buồn chán chỉ sau một thời gian ngắn nấu nướng cho chồng con.

Yêu bếp, thậm chí mê gian bếp, nhưng rốt cuộc, Mai cảm thấy mệt mỏi. Không phải vì ở nhà luẩn quẩn vì đó là điều Mai chủ động chọn mà cô mệt vì chính những bữa ăn hằng ngày đã từng là niềm háo hức của mình. Ăn gì hôm nay? Sáng nào cô cũng hỏi mình câu đó.

Có ngày đi mấy vòng chợ mà cô vẫn không biết mua gì. Có bữa thì chồng Mai chê, bỏ đũa giữa chừng. Có bữa thậm chí anh ấy than… đầy bụng không ăn sau khi Mai “báo” menu. Bữa thì con Mai nhăn nhó vì “cái này khó ăn quá, mẹ toàn làm theo ý bố”. Và có nhiều hôm Mai nấu nướng thịnh soạn rồi chờ mãi chồng không về. Sự vui sướng hạnh phúc dần dà mai một. 

Dù chẳng bao giờ nói ra nhưng hầu như người đàn bà nào cũng từng mang ảo tưởng mình có thể lấp biển vá trời khi nắm trong tay “trọng trách” chăm chồng chăm con.

Stress vi phai nau com hay nau com giup xa stress?
Ảnh minh họa

Có chị một mực khăng khăng chồng chỉ thích ăn cơm nhà, nên khư khư ôm lấy bếp. Vì “ổng có đi đâu cũng về ăn cơm nhà”, nên dù bận đến đâu, chị cũng vội về nấu cơm. Có chị chưa một lần cho chồng con đi ăn bên ngoài, vì không vệ sinh.

Có chị dẫu có cuộc hẹn nào đó buổi sáng cũng cố gắng dậy sớm đi chợ mua thịt cá về ướp sẵn, để tối về nấu cơm. Họ tin rằng chỉ có mình mới có thể đảm bảo được một bữa ăn ngon. Và họ cứ luẩn quẩn trong cái vòng nấu ăn, bận bịu và… than vãn.

Làm sao để thảnh thơi hơn?

Có lần, một phụ nữ bĩu môi ngay trong một hội thảo về nội trợ: “Nấu ăn mà thong thả như bà ấy à, thật khó tin!” khi một chị khác chia sẻ kinh nghiệm của bản thân: “Hãy đơn giản và thảnh thơi hơn trong chuyện bếp núc”.

Với phụ nữ, người vợ nấu ăn phải luôn bận rộn; phải luôn động não suy nghĩ, phải luôn tất tả ghé chợ này, chạy vào tiệm tạp hóa kia; phải vò đầu bứt tóc nghĩ xem nên nấu món gì... Vậy thì làm sao có được người nấu bếp thảnh thơi.

Chị Kim Xuyến, một nhà tư vấn đầu tư tại TP.HCM, là một trong số khá hiếm những người đàn bà nấu bếp thảnh thơi. Thật không dễ gì tin rằng toàn bộ cơm nước của hai vợ chồng và ba đứa con đều do chị đảm nhận, sau một núi công việc đồ sộ chị phải hoàn tất mỗi ngày bên ngoài. Đặc biệt hơn, chưa khi nào tôi nghe chị than một câu về việc làm bếp.

Chị Xuyến tâm sự: “Ướp xong nồi cá, tôi thấy mình phấn chấn hẳn. Nấu được nồi chè hạt sen, tôi thấy ngọt ngào. Thay vì than van, chúng ta hãy làm bà nội trợ thông minh. Giữa thế giới phẳng này, không gì là không thể. Nên hãy ứng dụng mọi kỹ năng mình có được, học thêm cách để phục vụ cho chuyện bếp núc của mình”.

Hãy sử dụng dịch vụ nếu bạn có điều kiện. Với những phụ nữ vừa phải đi làm vừa phải đảm đương bếp núc, việc sử dụng thêm một vài dịch vụ bên ngoài để hỗ trợ cũng là một gợi ý.

Giữa thời buổi chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể bao quát hết mọi thứ, với sự trợ giúp này, phụ nữ sẽ có thêm nhiều thời gian cho bản thân. Mai Anh (Công ty Nuskin) vẫn thường chia sẻ trên trang cá nhân của mình hình ảnh những bữa ăn hằng ngày. Cô không ngại khi thừa nhận rằng sự lung linh này có được nhờ sử dụng dịch vụ đi chợ online. Thậm chí có chị sử dụng luôn cả dịch vụ lên thực đơn, mua và bảo quản giúp thức ăn.

Stress vi phai nau com hay nau com giup xa stress?
Ảnh minh họa

Cuối giờ làm việc, đơn hàng được giao đến văn phòng, về nhà chỉ mất một ít thời gian nấu nướng theo khẩu vị gia đình. Việc sử dụng dịch vụ bên ngoài với thực đơn phong phú được chuyên gia dinh dưỡng cân đối khẩu phần và phối hợp các món với nhau hợp lý, linh hoạt, thay đổi liên tục… ít gây ngán; liều lượng được đong đo theo khẩu phần nên ít dư thừa. Những điểm cộng này giúp phụ nữ thảnh thơi rất nhiều vào cuối ngày, khi đã kiệt sức sau một ngày dài làm việc.

Cũng theo chị Xuyến, hiện nay trên thị trường có rất nhiều dụng cụ làm bếp đa chức năng: nồi cơm điện có thể vừa nấu cơm vừa hấp cá; nồi hấp có thể vừa hấp gà, luộc trứng, hấp rau củ cùng lúc. Thế nên, chỉ cần chuẩn bị trước nguyên liệu, việc nấu ăn sẽ giản đơn và nhanh gọn hơn. Dù bạn đang đi làm hay ở nhà nội trợ, cũng nên thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm các công thức món ăn mới, cách chuẩn bị thực đơn, thậm chí là cách rửa rau sao cho nhanh mà sạch, khử mùi cá nhanh...

Hãy lên kế hoạch ăn uống cho cả tuần. Tập thói quen không đi chợ ngẫu hứng, tùy tiện; không thấy thức ăn là mua, mà phải theo kế hoạch một cách kỷ luật. Xây dựng cho mình một thực đơn tuần theo khẩu vị của cả nhà: món cả nhà cùng thích, món yêu thích của từng người, đảm bảo ai cũng có thể ăn được ít nhất là một món ăn trong mâm cơm mỗi ngày.

Nấu bữa cơm với suy nghĩ đơn giản nhất

Ngày càng nhiều phụ nữ thoát khỏi suy nghĩ mình là người quan trọng nhất, để đóng vai thứ yếu trong nhà. Rồi tự họ kết luận rằng không có mình, mọi việc vẫn cứ đâu vào đó. Liên (Q.2, TP.HCM) lấy chồng bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm cắm cúi chăm lo cho căn bếp ấm lửa. Vì Liên nghĩ chồng mình khó ăn, ăn cá thát lát mà có lẫn chút xương là giận dỗi, nên chẳng dám bỏ bê một bữa cơm nào.

Hôm mẹ Liên bệnh, nhà neo người, Liên về quê chăm mẹ ít tuần. Tuần đầu, Liên gần như bấn loạn vì lo. Chị nấu sẵn thức ăn trữ trong tủ lạnh, ngày gọi điện thoại mấy lần dặn dò từng chút, cái gì ăn với cái gì… Điều này khiến chồng Liên đổ quạu, quát: “Để anh tự lo, có bấy nhiêu mà làm quá...”. Tiếng quát của chồng hôm ấy khiến Liên ngộ ra rất nhiều.

Stress vi phai nau com hay nau com giup xa stress?
Ảnh minh họa

Liên cho rằng mình đã tự “làm quá” chứ thực ra chồng có ăn ngoài một bữa hay tự nấu ăn, ăn mì gói… cũng chẳng sao. Lỗi của phụ nữ là tự gánh trách nhiệm rồi than thở rằng kiệt sức, buồn tủi, mỏi mệt.

Thực ra nấu một bữa cơm cũng có rất nhiều ý nghĩa. Quan trọng nhất là bạn phải tìm được niềm vui trong việc nấu ăn, linh hoạt tìm sự trợ giúp từ chồng con hoặc các dịch vụ bên ngoài, cố gắng đơn giản hóa việc nấu nướng… để bữa cơm mỗi ngày không còn là gánh nặng. 

Hãy lên kế hoạch ăn uống cho cả tuần. Tập thói quen không đi chợ ngẫu hứng, tùy tiện; không thấy thức ăn là mua, mà phải theo kế hoạch một cách kỷ luật. Xây dựng cho mình một thực đơn tuần theo khẩu vị của cả nhà: món cả nhà cùng thích, món yêu thích của từng người, đảm bảo ai cũng có thể ăn được ít nhất là một món ăn trong mâm cơm mỗi ngày.

Nhiều phụ nữ đã tìm cách để chồng - con tham gia và tự thiết kế bữa cơm cho gia đình trong vài ngày để họ bớt những câu nói “sốc óc” kiểu: có bữa cơm cũng không xong, cơm cũng không nấu được thì làm được gì… Và có rất nhiều ông chồng chỉ sau 1-2 ngày làm bếp chính đã buông hàng với vợ “em ơi, kêu gì ăn cho khỏe đi”.  

Chị Lê Ngọc Hường (chủ nhiệm Phú Mỹ Hưng Gallery - Công ty phát triển Phú Mỹ Hưng): Đừng quá chú trọng sự hoàn hảo

Tôi rất thích nấu ăn nên với tôi, khoảng thời gian trong bếp mỗi ngày chính là lúc tôi thư giãn, tìm niềm vui. Tôi thường xuyên “bày trò” trong căn bếp của mình để chính mình không cảm thấy bị nhàm chán. 

Khi bạn xem mọi thứ là trách nhiệm phải hoàn thành bằng mọi giá, bạn đang tạo áp lực cho chính mình, đặc biệt trong chuyện bếp núc. Cứ thật thoải mái. Hôm nào mệt thì thôi. Mai thích ăn bánh canh cua thì mua cua về nấu. 

Stress vi phai nau com hay nau com giup xa stress?
Chị Lê Ngọc Hường tìm thấy sự thoải mái trong căn bếp của mình

Mà thực tế, ăn bên ngoài cũng đầy niềm vui, đầy hứng khởi: được ăn món mới, được trải nghiệm cảm xúc mới. Nếu ăn món gì thú vị ngoài quán, tôi đều “nghiên cứu” món đó nấu thế nào, nguyên liệu gồm những gì, khi nào tiện sẽ học nấu theo. 

Hôm nay mình nấu biếu hàng xóm, mai hàng xóm biếu lại mình món khác. Thế cũng là tiết kiệm được thời gian. Nếu quá bận rộn, bạn có thể mua thức ăn nấu sẵn. Mỗi lựa chọn đều cho mình những trải nghiệm. Đừng e ngại và quá chú trọng sự hoàn hảo.

Tôi không gò bó mình vào một thực đơn đã nghĩ sẵn mà hoàn toàn thuận theo tự nhiên. Đi chợ thấy gì ngon thì tôi mua. Đừng cố biến mình thành người nấu bếp chuyên nghiệp mà thuận theo nguyên tắc: nấu trước những gì nhà đang có; xử lý những thức ăn có sẵn trong tủ lạnh trước khi mua món mới. Có cá thì chiên, có mắm thì chưng. Vậy đó, đâu có gì phức tạp.

Đàn ông cũng nên đơn giản bớt. Tôi từng biết có người lúc nào cũng tuyên bố: “Chỉ thích ăn cơm, không xôi phở gì hết”. Sao lại làm khó vợ mình đến vậy? Có anh lại nói chỉ thích cơm nhà, làm vợ cứ chạy đôn chạy đáo lo ăn uống dù có khi mệt đến rã rời. Để phụ nữ bớt vất vả, theo tôi còn phải có sự thống nhất với cả nhà, trên tinh thần trân quý nhau.

Trong nhà tôi có sự phân công khá rõ ràng. Tôi phụ trách đi chợ và nấu. Bé trai nhỏ vo gạo nấu cơm, bé trai lớn thì nhặt rau, ngâm rửa. Ăn xong ba cha con dọn dẹp và rửa luôn. 

Bữa cơm nào nhà tôi cũng rộn ràng. Hôm nào mệt quá, cả nhà lại kéo nhau đi ăn. Cũng chẳng cần cầu kỳ, mỗi người một tô phở cũng xong.

Chị Nguyễn Đặng Quỳnh Anh (Giám đốc chiến lược và phát triển kinh doanh Trung tâm Mathnasium): Ăn ngon không quan trọng bằng cả nhà được bên nhau 

Chúng tôi xác định mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu, xem bữa cơm tối là nơi gia đình gặp mặt sau một ngày bận rộn, việc cả nhà quây quần bên mâm cơm quan trọng hơn thức ăn ngon. Nên có hôm nấu nhạt hay mặn một chút cũng không quá quan trọng. Làm việc gì trong tâm thế sẵn sàng và thoải mái cũng dễ dàng hơn. 

Stress vi phai nau com hay nau com giup xa stress?
Chị Đặng Quỳnh Anh cho rằng nụ cười bên bàn ăn mới là quan trọng

Thường sáng cuối tuần, tôi đi chợ hoặc ghé siêu thị mua nguyên liệu, rồi lên thực đơn từ chỗ nguyên liệu đó cho cả tuần. Để tránh mất thời gian, tôi lập danh sách những món cần mua trong tuần để không bị thiếu - thừa. Tôi tự tay nấu và để vào hộp thủy tinh trữ lạnh, hoặc nhờ người giúp việc sơ chế. Mỗi ngày đi làm về, tôi chỉ nấu món chính, hôm nào tôi về trễ thì chồng tôi giúp tôi chuẩn bị. 

Bí quyết của tôi là nấu món mình thích thuần thục để trở thành món tủ; thỉnh thoảng thử những công thức món ăn đơn giản, dễ chế biến mà tôi tình cờ thấy được trên mạng. Tôi cũng thường nhờ bọn trẻ chuẩn bị cái này cái kia trong quá trình chế biến thức ăn hoặc thỉnh thoảng nhờ chồng nấu món mà anh ấy thích. 

May mắn thay, nấu ăn cũng là một sở thích tôi dùng để xả stress. Thật ra khi phải làm việc gì mà bản thân không thích lắm, bạn rất dễ cảm thấy mệt mỏi và chán nản, nhất là việc đó cứ lặp đi lặp lại như một trách nhiệm thì càng nặng nề. Phụ nữ bây giờ có nhiều công cụ hỗ trợ trong việc bếp núc. Bạn cũng có thể nhờ người nấu theo giờ hay như tôi nói ở trên - đặt thức ăn trước khi bạn về nhà, sắp xếp thời gian hợp lý để chuẩn bị bữa cơm cho gia đình và suy nghĩ thoải mái hơn.

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI