PNO - Rối loạn lo âu hoảng sợ hay stress cấp tính làm cho người bệnh cảm thấy hoảng loạn. Nỗi lo này xảy đến một cách đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi, dẫn đến suy kiệt về thể xác lẫn tinh thần. Điều đáng lo ngại là đa phần, người mắc phải lại bỏ qua.
Anh P.V.L. (38 tuổi, ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn là người vui vẻ, thường là “hoạt náo viên” của các buổi tiệc trong gia đình. Năm ngoái, anh quyết định nghỉ việc, thành lập công ty riêng. Việc kinh doanh đang trên đà phát triển, anh bị bạn làm ăn lừa tiền suýt phá sản nên càng lao vào làm việc hơn trước. Theo vợ anh, tuy hiện tại việc làm ăn đã ổn định và phát triển trở lại nhưng anh L. luôn cảm thấy bất an. Anh không còn thích tham gia các buổi tiệc của gia đình, tuyệt đối không đi chơi, du lịch như trước nữa.
Rối loạn lo âu hoảng sợ làm cho người bệnh kiệt quệ về tinh thần lẫn thể xác - Ảnh minh họa
“Hầu như anh chỉ về nhà khi tối muộn và luôn là người rời khỏi công ty cuối cùng. 4 tháng nay, anh chưa bao giờ ngủ ngon. Thậm chí giật mình giữa đêm, anh còn đòi lên công ty vì nghĩ rằng đã bỏ quên giấy tờ trong phòng làm việc” - vợ anh chia sẻ. Chị nhận thấy anh ngày càng ám ảnh công việc, sụt cân nhanh, có lúc quá lo lắng khi ký hợp đồng mới. Một ngày, anh L. đột ngột kêu đau đầu, rồi co quắp tay chân, ngất xỉu, gia đình đưa vào Bệnh viện Đại học y dược TPHCM cấp cứu. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm của anh đều bình thường. Bác sĩ nghi ngờ anh có vấn đề tâm lý nên nhờ bác sĩ tâm lý tham vấn.
Sau khi tiếp xúc, bác sĩ chẩn đoán anh L. bị rối loạn lo âu hoảng loạn, có thể từ cú sốc trong kinh doanh. Vì là trụ cột trong gia đình, anh L. không cho phép mình thất bại. Thêm phần anh thường làm việc trong trạng thái căng thẳng, nhiều áp lực, luôn cảm thấy bất an, sợ hãi nhưng vẫn luôn cố tỏ ra mình ổn nên mắc bệnh tâm lý lúc nào không hay. Cho đến khi cơn stress cấp tính bộc phát, như “quả bom” lâu ngày được tháo kíp nổ, cơ thể đột ngột hứng chịu phản ứng mạnh gây đau đớn bộc phát, ngất xỉu… giống như triệu chứng của nhồi máu cơ tim.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, trong cuộc sống nhiều áp lực, người mắc rối loạn lo âu hoảng sợ như anh L. không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, thay vì chủ động đi khám thì người bệnh thường lại cố gắng chịu đựng, cho đến khi cơ thể ngã quỵ. Ngoài các tác động lên thực thể, bệnh còn có thể làm cho người bệnh không kiểm soát được cảm xúc, hành vi rất nguy hiểm.
Một số yếu tố gây rối loạn lo âu hoảng loạn là do người bệnh từng bị chấn thương về tinh thần, thể chất; thường xuyên uống rượu bia, chất định thần; thường đối mặt với căng thẳng, mệt mỏi, áp lực kéo dài, hay môi trường sống không lành mạnh; thiếu tự tin, bị hiếp đáp, bế tắc trong cuộc sống…
Đối diện để vượt qua
Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn cho biết, dù xuất phát từ nguyên nhân có thật hay trong tưởng tượng, nỗi ám ảnh cũng làm cho cơ thể yếu sức. Người bệnh cảm thấy đau đớn, vật vã, có thể la hét, khóc, cáu giận… Tùy theo mức độ, các triệu chứng có thể xảy ra trong thời gian ngắn đến một vài ngày. Thậm chí có những diễn biến xấu như tim đập loạn xạ, hồi hộp, đánh trống ngực… phải vào bệnh viện cấp cứu. Các biểu hiện như thể người bệnh đang bị nhồi máu cơ tim, tai biến… Lúc này, bác sĩ cấp cứu chỉ có thể trấn an, tư vấn thân nhân đưa người bệnh đi khám về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên đa số trường hợp cả người bệnh và thân nhân đều không đồng ý.
Rối loạn lo âu có nhiều cấp độ, có người cảm thấy thoáng qua rồi hết nhưng có người khó chấp nhận được, gây nên phản ứng quá mức làm họ rơi vào nguy hiểm. Sau mỗi đợt căng thẳng, thay vì tìm cách vượt qua, người bệnh lại có xu hướng nhớ lại các tình huống, gây nên cảm giác đau buồn, sợ hãi, rồi tiếp tục bị cuốn vào ký ức này. Họ tự thấy bản thân yếu đuối, mất tự tin, từ chối tiếp xúc, nghi ngờ người thân, quen. Một số người mang cả sự sợ hãi vào giấc ngủ và liên tục gặp ác mộng, gây rối loạn giấc ngủ, dần dần kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần.
“Rối loạn hoảng sợ cứ thường xuyên lặp lại nếu không được can thiệp trực diện” - bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn cho biết. Thậm chí, có khả năng tác động lên thực thể gây đau dạ dày, đau đầu, chóng mặt kéo dài… Từ đó, bệnh nhân mất tập trung, lúc nhớ lúc quên, đôi khi đưa ra quyết định sai lầm, dại dột.
Nếu tình trạng bệnh quá nặng, cần động viên bệnh nhân phối hợp với bác sĩ trong kế hoạch điều trị. Có thể cắt các yếu tố lo âu, hoảng sợ bằng thuốc và những phương pháp tâm lý trị liệu, thay đổi nhận thức, hành vi, đưa người bệnh tái thích ứng với xã hội. Bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn nhấn mạnh: “Quan trọng là giúp người bệnh đối diện sự thật, sự sợ hãi để điều chỉnh thích ứng dần và vượt qua nguyên nhân gây bệnh. Bởi vì, né tránh chỉ là hành vi cố quên đi nỗi sợ. Một lúc nào đó, người bệnh sẽ tiếp tục bất ổn nếu vô tình có sự tác động liên quan”.
Người thân cần khuyên người bệnh đến gặp các chuyên gia, bác sĩ tâm lý để thăm khám, điều trị trong các tình huống sau: khi cảm thấy bản thân có các cảm xúc bất thường lặp đi lặp lại, than phiền khi liên tục gặp ác mộng với cùng một vấn đề; thay đổi tính tình, rối loạn giấc ngủ, nóng nảy, giảm khả năng tập trung. Đặc biệt, nếu gia đình xảy ra biến cố, mất mát hay các sự kiện đau buồn thì càng phải lưu ý hỗ trợ, nâng đỡ người bệnh. Nhất là khi thấy các biểu hiện như đột ngột im lặng, giam mình trong phòng, chán ăn, than mệt mỏi…
Sống lành mạnh để phòng stress cấp tính
Để phòng ngừa bệnh, mọi người nên dành vài phút mỗi ngày để lắng nghe cơ thể mình, giải tỏa các căng thẳng, áp lực bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ; duy trì các mối quan hệ tích cực; sắp xếp công việc, học tập và vui chơi hợp lý. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ nước thay vì rượu bia, thuốc lá. Các thành viên trong gia đình hãy cùng nhau tập thể dục, trò chuyện, đọc sách và ngủ đủ giấc.