Still walking (tạm dịch: Vẫn cứ bước đi, 2008) dẫn dắt người xem vào một tình huống đơn giản với phần lớn sự kiện chỉ diễn ra trong vòng 24 giờ trên phim: Gia đình Yokoyama tổ chức đám giỗ, tưởng niệm người con trai trưởng Junpei đã hy sinh cách đó 12 năm để cứu một đứa trẻ chết đuối. Đó là dịp các thành viên trong gia đình được tề tựu. Từ đó, những suy nghĩ, quan niệm, xung đột đối chọi nhau dần dần hé mở, cuối cùng đọng lại cảm giác bâng khuâng, tiếc nuối.
|
Bộ phim khắc họa những mâu thuẫn gần gũi trong gia đình |
Một trong những nét đặc trưng của Vẫn cứ bước đi là tính bao quát của bộ phim trong nỗ lực truyền tải những xung đột gia đình ở bề rộng lẫn bề sâu. Kore-eda nắm bắt được những vấn đề phổ biến trong gia đình hiện đại mà ta có thể dễ dàng liên hệ đến bản thân, khước từ lối lãng mạn hóa hay đưa ra những triết lý suông mà chỉ cho người xem những thước phim cụ thể biểu hiện điều đó và lý giải nó bằng ngôn ngữ điện ảnh.
***
Xung đột trong Vẫn cứ bước đi diễn ra đa dạng và gần gũi. Chẳng hạn như xung đột giữa Ryota và con trai riêng của vợ là Atsushi, khi anh và cậu bé đều không thể hiểu được nhau. Hay đó là mối bất hòa giữa Ryota và người cha bác sĩ Kyohei vì anh không nối nghiệp cha như người anh cả. Đó cũng là cái nhìn định kiến ngầm của người mẹ Toshiko với con dâu Yukari vì cô từng là góa phụ, nên bà đã cư xử với đứa cháu Atsushi như người ngoài. Và đó cũng là sự tiếc nuối của đôi vợ chồng già vì người mất là người con trưởng giỏi giang, chứ không phải là người con thứ Ryota thường thường bậc trung mà giờ đây mãi loay hoay, chật vật với nghề phục chế tranh.
Sâu xa hơn, đó là sự va chạm giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và hiện tại. Các nhân vật trong Vẫn cứ bước đi thường được đặt trong các lằn ranh giữa xưa và nay, nhớ và quên, thấu hiểu và không thấu hiểu, nắm chặt và buông bỏ. Cái chết của người anh cả Junpei là một mất mát to lớn đã dẫn đến những sự chông chênh trong cả cuộc sống và tâm hồn của nhà Yokohama, khơi dậy sâu hơn những mâu thuẫn tiềm ẩn đó. Nỗi mất mát ấy vẫn chưa thể nào nguôi ngoai, đẩy những thành viên vào vũng lầy của nỗi đau không lời. Có thể đặt ra giả thiết rằng việc lựa chọn tình huống đám giỗ của Junpei - một sự kiện có tính chất lặp lại hằng năm - như ngụ ý cho việc nỗi đau của họ tựa một vòng tuần hoàn luẩn quẩn, không hồi kết.
|
Diễn viên gạo cội Kiki Kirin trong vai người mẹ Toshiko |
Ta biết rằng đám giỗ Junpei hằng năm vẫn mời Yoshio, chàng trai mà Junpei đã cứu sống, nay là một kẻ mập mạp, nhếch nhác, cuộc sống bấp bênh. Họ nghĩ rằng người anh cả đã hoài công vô ích khi cứu mạng một người như vậy. Bà mẹ Toshiko muốn Yoshio phải cảm thấy ân hận vì điều đó. Nếu suy xét kỹ, ta sẽ thấy rằng Yoshio không làm gì sai mà chỉ là một đứa trẻ được cứu thoát. Vì sự ích kỷ của bản thân mà người mẹ và cả nhà đã cố gắng khiến Yoshio giày vò vì một “lỗi lầm” không do anh gây ra. Ở đây ta đặt ra câu hỏi, khi làm thế, liệu bà và gia đình có hạnh phúc hay họ lại càng lún sâu trong sự rạn vỡ tâm hồn? Một mặt, họ nhấn chìm đời sống của chàng trai, mặt khác, họ cũng tự nhấn chìm chính họ.
Vẫn cứ bước đi không có những phân đoạn ngược về quá khứ dẫu cho nỗi ám ảnh về quá khứ là một chủ đề quan trọng của bộ phim. Đúng hơn, chính sự triệt tiêu những đoạn ấy là một điểm đặc biệt trong cách làm phim của Kore-eda, cũng như làm nổi bật lên tính chân thật cho bộ phim, khiến nó diễn ra và trôi đi như đời sống thường nhật. Thay vào đó, quá khứ của gia đình Yokohama trong Vẫn cứ bước đi hiện diện trong lời nói, suy nghĩ, biểu cảm và đặc biệt là được cô nén trong các đồ vật - những thứ vốn có khả năng thâu tóm và lưu giữ thời gian, cũng như gói ghém nỗi lòng của con người trong đó.
Với Ryota, quá khứ cùng ước mơ được trở thành bác sĩ như cha mình được hiện lên thông qua bài tập làm văn cũ. Đó chỉ là một thời thơ dại của Ryota. Ước mơ ngô nghê năm xưa ấy giờ đây đã trở thành nguồn cơn cho sự xung đột giữa anh và người cha bảo thủ của mình. Vì thế, anh không muốn nhớ lại, né tránh và vò nát nó đi. Với Toshiko, nỗi đau phát hiện ông Kyohei ngoại tình 30 năm trước được cô đặc trong đĩa nhạc Blue light Yokohama nổi tiếng một thời của danh ca Ayumi Ishida - ca khúc bà đã nghe chồng mình hát trong lúc cõng Ryota đến nhà người tình của ông. Đĩa nhạc ấy được cất kỹ suốt bao năm như một minh chứng cho biết sự tổn thương ấy chưa bao giờ phai nhạt. Nó chỉ náu mình ở một góc trong tim và khi được đánh thức, nó sẽ làm ta đau thêm lần nữa.
|
Bộ phim nhắn nhủ với người xem về sự dở dang của cuộc đời |
***
Trong bộ phim Câu chuyện Tokyo (1953) của đạo diễn Ozu Yasujiro có một phân cảnh nổi tiếng: Khi được hỏi rằng “Đời thật đáng thất vọng phải không?”, cô con dâu Noriko (do Setsuko Hara đóng) đã nở một nụ cười thật tươi và đáp: “Phải, đúng vậy đấy”. Trong Vẫn cứ bước đi cũng có một phân cảnh tương tự: Lúc Ryota nói với vợ: “Phụ nữ thật đáng sợ”, vợ anh cũng cười và đáp lại chồng mình: “Con người đều đáng sợ. Ai cũng thế”. Ta nhận ra ở đây có sự đối lập rõ giữa lời nói và biểu cảm của họ. Dẫu cảm thán về sự mỏi mệt của cuộc đời hay những góc khuất con người, họ đều giữ nụ cười trên khuôn mặt, như một sự chấp nhận rằng cuộc sống và con người là như thế.
Sự dở dang cũng là một từ khóa quan trọng trong Vẫn cứ bước đi. Trong những phân cảnh cuối cùng, ông Kyohei, người con Ryota và đứa cháu Atsushi cùng nhau ra biển. Biển ở đây là một không gian khoáng đạt, rộng lớn, không còn là không gian chật hẹp, tù túng trong căn nhà của gia đình Yokohama. Biển ở đây từ chối biểu tỏ ký ức đau thương về người anh cả hay nỗi thống khổ ngầm của các thành viên trong gia đình mà mang ý niệm về sự gột rửa và hòa giải.
Trailer phim Still walking:
Ba con người thuộc ba thế hệ khác nhau tưởng chừng không thể hòa hợp nhưng cuối cùng đã nỗ lực thấu hiểu và chấp nhận nhau. Thế rồi giây phút chia ly đã đến mà họ vẫn chưa thể nói với nhau được hết những gì mình muốn nói, những gì mà lúc bên nhau chưa thể nhớ ra. Đến lúc chia tay, cả Ryota và Toshiko mới nhớ ra tên của sumo mà hai người đã nói đến. Nếu đặt vào góc nhìn tích cực, ta sẽ thấy rằng dù nuối tiếc là thế nhưng đó lại là một khoảnh khắc mà hai tâm hồn đồng điệu, gắn kết với nhau.
Ta cũng có thể đặt ra câu hỏi: “Phải chăng việc truy cầu một sự trọn vẹn giữa cuộc đời này là điều bất khả?”. Cũng như những nỗi đau hay những xung động trong tâm trí, ta cũng phải xem sự dang dở như một phần trong đời. Chúng ta chỉ có thể tập sống cùng nó, như sống cùng những cây xanh đang lay động trước gió nhẹ quanh ta. Như thế, ta đã tìm được niềm an ủi để có thể bước tiếp cuộc đời còn dở dang.
Chấp nhận và bước đi, cuối cùng là cách để ta tiếp tục sống, tìm được sự thanh thản, sự hòa giải, cho cuộc đời và cho chính mình.
Hồ Nam