Stéphanie Đỗ: “Việt Nam trong máu, trong tim tôi”

17/03/2024 - 06:18

PNO - Mảnh mai, duyên dáng, có cách nói chuyện đầy cuốn hút với chất giọng miền Nam ngọt ngào, Stéphanie Đỗ khác với hình dung thường thấy ở một nữ nghị sĩ.

“Từ điển” món Việt yêu thích của chị kéo dài từ những món bún trải khắp Việt Nam sang các món cơm cho đến canh chua, mì xào giòn… Chị còn thường xuyên xuất hiện trong trang phục áo dài với niềm hãnh diện được là “phụ nữ Việt Nam”. Thật khó để hình dung chất Việt được lưu giữ trong chị, trong gia đình chị trọn vẹn đến thế dù chị đã sang Pháp từ năm 11 tuổi.

Stéphanie Đỗ sinh năm 1979 tại TPHCM, trong một gia đình trí thức Nam Kỳ. Ông cố nội của chị là cụ Đỗ Quang Đẩu - một nhà giáo danh tiếng của đất Nam Kỳ xưa. Tên cụ được đặt cho một con đường gần chợ Bến Thành ngày nay. Mùa hè năm 1991, Stéphanie Đỗ sang Pháp cùng cha mẹ và 3 anh trai, trong đó chỉ có cha chị nói được tiếng Pháp. Đây là một quyết định can đảm của cha chị - nhà giáo Đỗ Quang Thông.

Stéphanie Đỗ chụp ảnh lưu niệm cùng bảng tên đường mang tên ông cố nội của chị
Stéphanie Đỗ chụp ảnh lưu niệm cùng bảng tên đường mang tên ông cố nội của chị

Cuốn sách của Stéphanie Đỗ - Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Omega Plus) - vừa được dịch sang tiếng Việt vào cuối năm 2023. “Sinh ra ở Việt Nam, tới Pháp năm 11 tuổi, dù không biết tiếng Pháp, nhiều năm sau, Stéphanie Đỗ đã trở thành nghị sĩ Quốc hội. Cô đã đạt tới vị trí này nhờ lòng ngoan cường, ham muốn thành công và cống hiến vì người khác” - vài lời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phác họa chân dung Stéphanie Đỗ - người phụ nữ châu Á đầu tiên, người phụ nữ gốc Việt đầu tiên trở thành đại biểu Quốc hội Pháp. Cuốn sách nhẹ nhàng và truyền cảm hứng này không chỉ mang tới cho độc giả những câu chuyện vượt khó, tinh thần cống hiến cho cộng đồng, đất nước mà còn là lời cổ vũ cho rất nhiều người trẻ, đặc biệt là những người trẻ thuộc cộng đồng châu Á tại nước ngoài.

Trong dịp về TPHCM ra mắt quyển sách, Stéphanie Đỗ đã dành cho Báo Phụ nữ TPHCM cuộc trò chuyện chân tình và cởi mở.

Không có hạnh phúc nào lớn lao hơn là trao đi hy vọng

* Phóng viên: Điều gì đã thôi thúc chị viết và giới thiệu quyển sách Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên ở thời điểm này?

Chị Stéphanie Đỗ: Ông cố tôi từng dạy tiếng Pháp và tiếng Việt tại Trường phổ thông Pháp Jean Jacques Rousseau - tức trường Lê Quý Đôn ngày nay. Không chỉ là một nhà giáo, ông còn là một nhà văn và nhà triết học, nổi tiếng với những cuốn sách về cuộc sống và triết học. Ông cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại với "chữ Quốc ngữ", dựa trên bảng chữ cái Latin. Chắc chắn tôi đã được thừa hưởng từ ông rất nhiều điều, đặc biệt là tình yêu dành cho văn học, thơ ca và triết học. Thế nhưng, việc viết một cuốn sách, thuộc thể loại tự truyện là điều hoàn toàn khác biệt. Chỉ riêng việc vượt qua tính tình khép kín về đời sống cá nhân đã chẳng dễ dàng. Tôi cũng từng tự hỏi, nếu viết rồi liệu có đơn vị nào sẽ xuất bản. Vì những lý do như thế, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết một cuốn sách.

Tuy nhiên, sự động viên từ những người tôi gặp gỡ trong thời gian làm đại biểu Quốc hội Pháp, sự cổ vũ của gia đình và bạn bè đã giúp tôi vượt qua để chia sẻ trải nghiệm bản thân. Tôi muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ thuộc cộng đồng người châu Á tại Pháp, thúc đẩy họ quan tâm hơn đến đời sống chính trị vốn là một sứ mệnh cao quý, bên cạnh các hoạt động nghề nghiệp. Tôi muốn khuyến khích người trẻ Việt trở thành cầu nối giữa 2 quê hương Pháp - Việt không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà cả trong các hoạt động khác như văn hóa hay hội đoàn, cùng chung sức, giúp đỡ các bạn trẻ dấn thân vào lĩnh vực mới và cất lên tiếng nói của mình.

* Việc ra mắt cuốn sách tại Việt Nam hẳn đã mang đến cho chị nhiều cảm xúc đặc biệt?

- Tôi không bao giờ dám mơ tưởng rằng cuốn sách của tôi nhận được sự ủng hộ, niềm hứng thú từ độc giả quê hương. Tôi vô cùng biết ơn và hạnh phúc khi rất nhiều độc giả đã đến gặp tôi trong 2 buổi chia sẻ tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và tại IDECAF (Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp) tại TPHCM. Tôi rất xúc động khi ký tặng độc giả. Cảm xúc ấy càng dạt dào hơn khi tôi đọc những bình luận của họ sau khi đọc. Họ tin rằng hành trình của tôi mang lại hy vọng để họ vượt qua những khó khăn (học tập, nghề nghiệp…) trong cuộc sống. Tôi tin rằng không có hạnh phúc nào lớn lao hơn việc có thể mang lại hy vọng và cổ vũ cho nhiều người theo đuổi ước mơ. Chính điều này đã khuyến khích tôi viết phần tiếp theo của cuốn sách.

* Rời Việt Nam từ năm 11 tuổi và không hề biết một chút tiếng Pháp, chị đã trải qua những thử thách nào để hòa nhập vào cuộc sống mới?

- Trong năm đầu tiên ở Pháp, tôi đã tham gia một lớp học bằng tiếng Pháp dành riêng cho trẻ không nói tiếng Pháp hoặc chỉ biết một số từ cơ bản. Rất nhanh chóng, tôi nhận ra rằng nếu muốn tham gia một lớp học bình thường như mọi đứa trẻ khác, tôi phải học tập chăm chỉ và hoàn thiện vốn tiếng Pháp. Ở tuổi 11, tôi ngủ rất ít (chỉ khoảng 4-5 giờ mỗi đêm) và thức trắng nhiều đêm để hoàn thành bài tập. Trong năm đầu tiên, tôi còn phải dịch tiếng Pháp sang tiếng Việt để hiểu được thầy cô đang nói gì. Nhưng điều này không cần thiết nữa khi tôi chuyển sang một lớp học bình thường vào năm học tiếp theo.

Thời trung học, tôi luôn đứng đầu lớp nhờ sự chăm chỉ, tính kiên nhẫn, lòng ham học và nhận thức sâu sắc về nguồn gốc Việt Nam, tình hình khó khăn hiện tại cũng như truyền thống học tập của gia đình. Mỗi khi học, tôi lại nhớ đến sự hy sinh của cha mẹ. Do đó, tôi không thể làm họ thất vọng. Tôi quyết tâm làm cho sự hy sinh của họ trở nên ý nghĩa. Tôi luôn tự nhủ phải học giỏi để lớn lên kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ cũng như phải cố gắng nhiều hơn để xóa bỏ định kiến, để người Pháp nhìn vào phải cảm phục.

Gia đình nhỏ của Stéphanie ĐỗGia đình nhỏ của Stéphanie Đỗ

* Nhiều bạn bè gốc Á của tôi chia sẻ họ thường đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc, kể cả khi họ chỉ là một đứa trẻ…

- Sự phân biệt chủng tộc đối với người Pháp gốc Á luôn là vấn đề nhức nhối tại Pháp và đã trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây. Tôi luôn là người tiên phong lên án vấn đề này. Trong dịch COVID-19, nhiều trẻ em gốc Á đã trở thành nạn nhân của những lời lẽ phân biệt chủng tộc tại trường học. Tôi đã lên tiếng công khai về tình hình này trên truyền hình, cũng như thông qua việc viết thư gửi chính phủ để cảnh báo tính nghiêm trọng. Tôi cho rằng, chỉ có dám nhìn thẳng vào vấn đề thì mới có thể tìm được cách giải quyết.

Tự hào là phụ nữ Việt

* Vì sao chị lại chọn trở thành nghị sĩ thay vì nối nghiệp gia đình, trở thành giáo viên hoặc theo đuổi công việc nào đó có thể kiếm được nhiều tiền?

- Tôi đã nghiêm túc xem xét việc trở thành giáo viên nhưng tôi nhanh chóng từ bỏ ý định này vì không như môi trường ở Việt Nam. Tốt nghiệp đại học Quản lý quốc gia (École Nationale d'Administration) - ngôi trường đã đào tạo nhiều tổng thống và thủ tướng Pháp, từ năm 2004, tôi có cơ hội làm việc tại các công ty tư vấn quốc tế. Là người ham hiểu biết và yêu thích thử thách bản thân, khi đã có những thành công nhất định trong vai trò một nhà tư vấn ở lĩnh vực tư nhân, tôi nghĩ đã đến lúc mở rộng tầm nhìn sang khu vực công. Tôi đi học lấy bằng thạc sĩ thứ hai về quản lý công của Đại học Paris - Dauphine hợp tác với Trường Hành chính quốc gia. Đây là ngôi trường đào tạo rất nhiều chính trị gia nổi tiếng. Học những điều mới mẻ ở ngôi trường này, tôi phát hiện mình có mối quan tâm nhất định dành cho chính trị.

* Bước ngoặt nào thúc đẩy chị ra ứng cử Hạ viện?

- Năm 2016, tôi tích cực tham gia phong trào En Marche! (tạm dịch: Tiến bước!) với vai trò là đại diện cho tỉnh Seine-et-Marne, bên cạnh tổng thống hiện tại, Emmanuel Macron - người sáng lập phong trào. Nhiệm vụ của chúng tôi trong năm 2016 là thực hiện chiến dịch điều tra dân số nhằm thu thập ý kiến cử tri và xây dựng chương trình cho các ứng cử viên tương lai.

Ban đầu, tôi không có ý định tham gia cuộc bầu cử Quốc hội năm 2017. Một phần vì tôi có trách nhiệm nghề nghiệp của mình, một phần vì cam kết của tôi là tự nguyện, chỉ đơn giản là để ủng hộ một ứng cử viên chiến thắng với chương trình chúng tôi đã xây dựng cùng các cử tri và điều này làm tôi hài lòng hoàn toàn. Ngoài ra, là một phụ nữ trẻ người Pháp gốc Á, tôi không có bất kỳ ví dụ hay tấm gương điển hình nào về người phụ nữ từng tham gia bầu cử quy mô quốc gia như tôi và tôi chưa bao giờ tham gia bất kỳ cuộc bầu cử nào trước đây.

Thế nhưng, sự khích lệ từ những người cùng hoạt động đã truyền cảm hứng cho tôi. Họ thức tỉnh trong tôi niềm tin, thúc đẩy tôi nộp đơn ứng cử vào phút cuối nhằm đảm bảo sự đại diện của cộng đồng người Á trong cuộc bầu cử Quốc hội. Chỉ riêng việc chọn trong nội bộ đã rất khó khăn vì có quá nhiều ứng cử viên trên khắp nước Pháp. Vì thế, tôi không nghĩ mình sẽ đạt đến bước tiếp theo: được ứng cử. Có lẽ chính dáng vẻ tao nhã, dễ thương và sự kiên trì, mạnh mẽ từ bên trong của người phụ nữ Việt đã giúp tôi chiến thắng trong tình cảnh ngặt nghèo.

Stéphanie Đỗ (giữa) trong cộng đồng người Việt tại Pháp
Stéphanie Đỗ (giữa) trong cộng đồng người Việt tại Pháp

* Là phụ nữ và là phụ nữ gốc Á, dấn thân vào chính trường tại một quốc gia mà bản thân là người nhập cư, chị đã vượt qua những trở ngại, nguy hiểm nào? 

- Trong thời gian đương nhiệm, tôi bị đe dọa nhiều lần vì là người gốc Á. Hoặc khi tôi đi thực địa trong các hoạt động tại chợ, ga tàu…, nhiều lần tôi đối mặt với những ý kiến phản đối vì là người nước ngoài. Một số người thậm chí đã cố tình tấn công bằng những lời lẽ xúc phạm. Tuy nhiên, tất cả không làm tôi lo lắng, hoảng sợ mà càng thôi thúc tôi nỗ lực hơn.

* Đâu là những điều chị thấy hài lòng vì đã làm được khi trở thành nghị sĩ và đâu là những điều chị vẫn đang nỗ lực thay đổi?

- Tôi rất hài lòng khi đã đệ trình hơn 100 sửa đổi vào các dự luật, trong đó có hơn 30 sửa đổi đã được thông qua dưới tên tôi. Tôi cũng rất hài lòng với việc giúp đỡ nhiều cư dân và tổ chức trong khu vực bầu cử của tôi vượt qua khó khăn với sự hỗ trợ từ đội ngũ.

Stéphanie Đỗ trong buổi giới thiệu quyển sách của chị tại Việt Nam
Stéphanie Đỗ trong buổi giới thiệu quyển sách của chị tại Việt Nam

Trong đại dịch COVID-19, con gái tôi chỉ mới 2 tuổi nhưng tình yêu với đất nước và người dân đã dẫn dắt tôi tự nguyện tham gia các hoạt động ở đợt bùng phát đầu tiên trong tình trạng không có vắc xin, không có khẩu trang và mọi hiểu biết về căn bệnh vẫn mơ hồ. Cũng trong giai đoạn này, tôi ra sức vận động để phía Pháp tặng 600.000 liều vắc xin cho Việt Nam.

Bên cạnh những cam kết để cải thiện đời sống cho người dân Pháp, tập trung vào các mục tiêu cụ thể, khả thi trong thời gian ngắn hạn, tôi muốn nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy phát triển quan hệ ngoại giao Pháp - Việt. Làm gì để cống hiến cho đất nước, tôi đều nỗ lực hết mình. Việt Nam trong máu, trong tim tôi rồi! Tôi về Việt Nam lần đầu vào năm 2006, cùng chồng sắp cưới. Chúng tôi quyết định chụp ảnh cưới ở Việt Nam. Ngoài niềm hạnh phúc riêng, tôi có niềm vui khôn tả khi thấy đất nước đổi thay, giàu đẹp lên rất nhiều. Kể từ đó, mỗi năm tôi đều về Việt Nam. Khi làm nghị sĩ, tôi còn về Việt Nam trong các chuyến công tác. 

* Chị sẽ tiếp tục ứng cử nghị sĩ Quốc hội chứ?

- Sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022, tôi trở lại làm việc trong Bộ Kinh tế và Tài chính. Tôi cho mình tạm nghỉ một chút trước khi tái ứng cử.

Stéphanie Đỗ và chồng chụp cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa)
Stéphanie Đỗ và chồng chụp cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa)

Giữ hồn Việt trong nếp nhà

* Vẫn không quên tiếng Việt, trở về Việt Nam để chụp ảnh cưới rồi mỗi năm đều trở về, thuê xe máy chạy quanh thành phố, dạy con gái nói tiếng Việt… - làm sao chị giữ được hồn Việt và tình yêu xứ sở trong suốt chừng ấy năm đi xa?

- Tôi rời khỏi Việt Nam theo quyết định của ba mẹ. Vì còn nhỏ tuổi nên tôi không được tham gia quyết định này. Việc rời khỏi quê hương, bạn bè, những địa danh yêu mến… để định cư ở một quốc gia mới, địa lý xa xôi và nền văn hóa khác biệt luôn không dễ dàng. Kể từ khi đến Pháp, không ngày nào tôi không nghĩ đến Việt Nam. Việt Nam luôn trong trái tim và suy nghĩ của tôi. Ở nhà tôi, truyền thống Việt Nam luôn được duy trì. Các món ăn đều là món Việt. Chúng tôi giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, tất cả sự kiện Việt Nam đều được tổ chức theo truyền thống (tết Nguyên đán, tết Trung thu…).

Ngoài ra, tôi thường xem các bộ phim truyền hình bằng tiếng Việt hoặc có phụ đề tiếng Việt để không mất gốc, không quên tiếng mẹ đẻ. Tôi cũng đọc sách báo bằng tiếng Việt. Từ khi tôi 16 tuổi, dù gia đình chịu nhiều vất vả về kinh tế nhưng tôi vẫn tích cực tham gia hoạt động của cộng đồng Việt Nam, làm công tác xã hội… để gần gũi với cộng đồng người Việt và duy trì văn hóa Việt Nam tại Pháp. Cũng chính ở các hội này, tôi đã gặp người bạn trai đầu tiên, người gốc Việt, sau này trở thành chồng tôi. Là người Việt sinh ra ở Pháp, chồng tôi không biết nói tiếng Việt cho đến khi chúng tôi quen nhau. Hiện tại, anh có thể giao tiếp cơ bản với người Việt. Tôi cũng học theo bà nội, dạy con gái tiếng Việt qua phim ảnh.

Bìa quyển Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên
Bìa quyển Đường tới Quốc hội của nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên

* Nói một chút về ẩm thực, đâu là món Việt chị yêu thích nhất?

- Ồ, rất nhiều đó! Tôi được nuôi dưỡng trong một gia đình nơi mẹ tôi, người gốc Hà Nội (cha tôi là người Sài Gòn), là một đầu bếp xuất sắc và đam mê ẩm thực. Bà nấu và sáng tạo ra những món ăn tuyệt vời theo phong vị cả miền Bắc lẫn miền Nam. Từ khi tôi còn nhỏ, mẹ luôn cho tôi thử những món ăn bà nấu và tôi nghĩ rằng chính lúc đó, tôi trở nên rất sẵn lòng thử những món ăn mới và mê ẩm thực Việt.

* Chị luôn vui vẻ và lạc quan dù công việc khá căng thẳng. Bí quyết ở đây là gì? 

- Là trao đi. Khi trao đi cũng có nghĩa là nhận lại. Tinh thần cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước được truyền thừa qua nhiều thế hệ của gia đình tôi, thấm vào máu thịt. Mặt khác, tôi mê chơi thể thao từ bé, thích gặp gỡ trò chuyện với bạn bè. Khi nào quá căng thẳng, tôi chơi đàn thư giãn. Tôi may mắn có gia đình luôn yêu thương, ủng hộ hết lòng. Lúc nhỏ thì có ba tôi, lớn lên có chồng tôi - 2 người đàn ông ấy luôn hỗ trợ hết lòng hết sức.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Thư Hiên  (thực hiện) - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI