Start-up nước ngoài xoay xở để tồn tại ở Việt Nam

23/06/2021 - 12:04

PNO - Việt Nam được nhiều nhóm khởi nghiệp ngoại lựa chọn để đến tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp nhờ môi trường cởi mở và chống dịch COVID-19 hiệu quả. Tuy nhiên, đại dịch này vẫn gây không ít khó khăn cho các hoạt động kinh tế, trong đó có các start-up.

Năm 2015, Austin Carter từ Canada đến Việt Nam và cùng người bạn của mình là anh Hồ Đức Hoàn sáng lập Công ty cổ phần chỉ số tín nhiệm quốc tế Ebrand Index Value (EBIV JSC), chuyên đánh giá và đặt chỗ khóa học qua nền tảng Edu2Review. Khi COVID-19 kéo đến, thị trường giáo dục lao đao, công ty của Austin cũng không nằm ngoài làn sóng này. Chỉ trong thời gian ngắn, doanh thu đăng ký khóa học sụt giảm đến 90%. Austin phải chia tay 25% nhân viên, những người còn ở lại cũng phải giảm giờ làm việc.

Để vượt qua tình trạng khó khăn, Austin cùng nhân viên tìm đến các thị trường mới. Đó là các cơ sở giáo dục đã triển khai giáo dục trực tuyến như trường đại học, trường mẫu giáo và các trung tâm đào tạo. Anh cũng cho mở thẻ thành viên để giảm giá các khóa học. Nhờ vậy mà doanh thu của công ty từ giảm đến 80% đã hồi phục trở lại như hồi năm 2019.

Dù Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chống COVID-19 hiệu quả, nhưng đại dịch này là thử thách thực sự đối với các star-up
Dù Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chống COVID-19 hiệu quả, nhưng đại dịch là thử thách thực sự đối với nhiều hoạt động kinh tế, trong đó có các start-up (Ảnh minh họa).

Georgiana Zana từ Romania đến TPHCM vào năm 2015 và lập nghiệp bằng cách mở một lớp dạy yoga và thiền nhỏ chỉ dành riêng cho phụ nữ. Một năm sau đó, cô gái 25 tuổi nảy ra ý tưởng mở một bếp ăn nhỏ ở nhà, chuyên nấu thức ăn chay và chỉ giao hàng tận nơi. Thị trường lúc đó chưa chuộng cách thưởng thức ẩm thực tại nhà nên cô gái trẻ này đã phải khăn gói trở về Romania. Ở lại quê nhà sáu tháng nhưng chị không quên được cảm giác yêu thích về TPHCM, nơi chị xem như quê hương thứ hai. Năm 2018, Georgiana quay lại Việt Nam và gặp Corina Luong. Hai người cùng nhau mở quán ăn kết hợp các món chay kiểu phương Tây, L’Herbanyste. Chị cũng mở thêm lớp dạy yoga để tăng giá trị cho cửa hàng của mình. 

Năm ngoái, chị mở thêm hai quán ăn nữa chuyên bán thức ăn chay và thức ăn chay thực dưỡng, đó cũng là lúc dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mọi người. Doanh số các cửa hàng rất thấp trong vài tháng. Khách hạn chế ra ngoài ăn, nhiều khách hàng là người nước ngoài về nước… Khó khăn ập đến, dù các quán ăn vẫn mở cửa nhưng chị phải bỏ hẳn các lớp yoga. Cái khó ló cái khôn, Georgiana nhanh chóng tập trung vào dịch vụ giao hàng tận nơi để khách hàng có thể thưởng thức thức ăn chay dinh dưỡng tại nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn, doanh thu của các cửa hàng đã tăng trở lại. Georgiana vẫn giữ được hơn 40 nhân viên người Việt của mình trong khi nhiều cơ sở kinh doanh khác đã phải giảm lao động. Nỗ lực của chị không chỉ giúp giữ doanh nghiệp của mình tồn tại, phát triển được trong bối cảnh khó khăn lớn do dịch bệnh mà còn giúp chị lọt vào top 10 của những nữ lãnh đạo trong ngành ẩm thực của Chicks Club 2021.

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI