Sri Lanka tiết lộ gói cứu trợ 1 tỷ USD để xoa dịu cơn thịnh nộ của người dân

04/01/2022 - 09:07

PNO - Chính phủ Sri Lanka sẽ tăng lương và lương hưu cho nhân viên chính phủ, xóa bỏ một số loại thuế đối với thực phẩm và thuốc men, đồng thời cung cấp tiền mặt cho những người dân nghèo khổ nhất trong “cơn bão” lạm phát tăng kỷ lục.

Chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa sẽ tăng lương cho nhân viên khu vực công thêm 5.000 rupee một tháng (25 USD) kể từ tháng Giêng. Khoảng 2 triệu người nghèo khổ trong danh sách hỗ trợ thu nhập sẽ nhận được 1.000 rupee/người (5 USD/người), đồng thời chính quyền cũng sẽ thu mua cây trồng với giá cao hơn thị trường từ những nông dân bị thiệt hại. Tổng cộng gói cứu trợ ước tính khoảng 1 tỷ USD.

Các động thái này của chính phủ Sri Lanka nhằm xoa dịu sự tức giận của công chúng về việc tăng giá bột mì, đường, sữa và các mặt hàng thiết yếu - những thứ mà quốc đảo này đang phải vật lộn để mua từ nước ngoài khi đồng nội tệ mất giá -  khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh bần hàn, không có tiền mua thực phẩm.

Người dân Sri Lanka khốn khổ khi tình trạng lạm phát tăng cao kỷ lục
Người dân Sri Lanka khốn khổ khi tình trạng lạm phát tăng cao kỷ lục

Thời gian gần đây, Sri Lanka đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và nhân đạo ngày càng sâu sắc, đứng trước nguy cơ phá sản vào năm 2022 khi lạm phát tăng lên mức kỷ lục, giá lương thực tăng vọt và kho bạc nhà nước cạn kiệt.

Cuộc khủng hoảng xảy ra bởi tác động tức thời của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch mất nguồn thu, cộng thêm chi tiêu chính phủ cao và cắt giảm thuế làm xói mòn nguồn thu của nhà nước, trong khi dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong một thập niên. Bên cạnh đó, lạm phát đã được thúc đẩy bởi chính phủ in tiền để trả các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới ước tính 500.000 người Sri Lanka đang sống dưới mức nghèo khổ kể từ khi đại dịch bắt đầu lây lan. Lạm phát đạt mức cao kỷ lục 11,1% vào tháng 11 và giá cả leo thang đã khiến những người dân khá giả trước đây phải vật lộn để nuôi sống gia đình, trong khi hàng hóa cơ bản phục vụ cho cuộc sống cũng đã vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. 

Sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố Sri Lanka đang trong tình trạng khẩn cấp về kinh tế, quân đội đã được trao quyền để đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, bao gồm gạo và đường được bán với giá ổn định - nhưng các biện pháp trên vẫn chưa đủ để xoa dịu nỗi đau của người dân.

Anurudda Paranagama, một tài xế ở thủ đô Colombo, đã tìm công việc thứ hai để trả chi phí ăn uống tăng cao và trang trải khoản vay mua ô tô tâm sự: “Tôi rất khó trả nợ. Đến khi phải trả tiền điện nước và tiền ăn uống thì không còn tiền”. Anh chia sẻ thêm hiện gia đình anh chỉ ăn hai bữa một ngày thay vì ba bữa.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, mất việc làm và nguồn thu nước ngoài quan trọng từ du lịch, vốn thường đóng góp hơn 10% GDP của Sri Lanka là rất đáng kể, khiến hơn 200.000 người mất kế sinh nhai trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.

Trong một nỗ lực tạm thời để giảm bớt các vấn đề lạm phát và giá cả tăng cao, chính phủ Sri Lanka đã sử dụng các biện pháp cứu trợ tạm thời, chẳng hạn như hạn mức tín dụng để nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu từ đồng minh láng giềng là Ấn Độ, cũng như hoán đổi tiền tệ từ Ấn Độ, Trung Quốc và Bangladesh và các khoản vay để mua xăng dầu từ Oman. Tuy nhiên, những khoản vay này chỉ mang lại hiệu quả cứu trợ ngắn hạn và phải trả lại nhanh chóng với lãi suất cao, làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của Sri Lanka.

Minh Hương (theo Guardian và Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI