Sri Lanka thu hồi sữa Fonterra bị cáo buộc nhiễm hóa chất

11/08/2013 - 14:05

PNO - PNO – Sau khi gây nên nỗi sợ hãi toàn cầu bởi đợt thu hồi sữa bột trẻ em lớn nhất trong lịch sử, Công ty sữa khổng lồ Fonterra của New Zealand lại đối mặt với rắc rối mới ở Sri Lanka khi bị cáo buộc trộn vào sữa bột một hóa...

Sri Lanka thu hoi sua Fonterra bi cao buoc nhiem hoa chat

Sữa Fonterra bị thu hồi tại Sri Lanka do nghi ngờ nhiễm hóa chất - Ảnh: AFP

Ngày 10/8, Fonterra cho biết đã hoàn tất việc thu hồi hai lô sữa bột theo đơn đặt hàng của chính phủ Sri Lanka vì những cáo buộc số sữa đó mang dấu tích của hóa chất DCD.

DCD - Dicyandiamide - là hóa chất được tưới vào đồng cỏ để tăng sản lượng nông nghiệp.

Một trang web của chính phủ New Zealand cho biết DCD không độc hại và không gây ra nguy cơ an toàn thực phẩm, nhưng trang web này cũng cho biết thêm rằng các cơ quan quản lý quốc tế dường như xem dư lượng DCD như một "chất gây ô nhiễm".

Tuy nhiên, Bộ Y tế Sri Lanka cho biết họ xem DCD là một "hóa chất độc hại" không được có trong sữa và đó là lý do tại sao họ đã ra lệnh thu hồi, phát ngôn viên Dharma Wanninayake nói với AFP.

Fonterra, nhà sản xuất có các thương hiệu hàng đầu ở thị trường Sri Lanka, chiếm gần 2/3 lượng sữa nhập khẩu của nước này, đã lên tiếng phủ nhận sản phẩm của mình có bất kỳ dấu vết nào của DCD.

"Sữa của chúng tôi tinh khiết 100%”, phát ngôn viên của Fonterra Roshan Kulasuriya nói. "Nhưng chúng tôi tuân thủ chỉ dẫn và hôm nay (10/8) đã hoàn thành việc thu hồi hai lô sữa bột được cho là chứa dấu vết của DCD”.

Hành động Sri Lanka không liên quan đến việc thu hồi sữa bột trên phạm vi toàn cầu sau khi Fonterra công bố sản phẩm đạm cô đặc để làm sữa bột trẻ em và đồ uống bị nhiễm khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc.

Fonterra cho biết các cuộc thử nghiệm của chính phủ Sri Lanka được cho là tìm thấy dấu vết của hóa chất DCD trong sản phẩm của họ là sai lầm và kết quả không chính xác.

Trong khi đó, Toà phúc thẩm Sri Lanka đã tuyên bố một lệnh cấm tạm thời việc quảng cáo các sản phẩm của Fonterra. Một quan chức tòa án cho biết, lệnh cấm sẽ có hiệu lực đến ngày 21/8 khi có kết quả phân tích của các phòng thí nghiệm nước ngoài.

Ngân hàng trung ương Sri Lanka cho biết, năm 2012, nước này nhập khẩu 307 triệu USD sữa và các sản phẩm sữa, và hàng nhập khẩu chủ yếu đến từ New Zealand và Úc.

CẨM HÀ (Theo AFP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI